Người Hội An

ĐỖ HUẤN 16/03/2018 10:30

Năm 2017 là một năm đáng nhớ và đáng ghi nhận công sức của nhân dân Hội An. Bên cạnh việc duy trì thường xuyên các lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, thành phố đã tập trung tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đối ngoại có tầm ảnh hưởng lớn.

Phố cổ Hội An có sống động, thu hút hay không là nhờ công trạng của những con người đang sống ngay giữa lòng phố và từng ngày đi về với phố. Ảnh: HỮU KHIÊM
Phố cổ Hội An có sống động, thu hút hay không là nhờ công trạng của những con người đang sống ngay giữa lòng phố và từng ngày đi về với phố. Ảnh: HỮU KHIÊM

1.Trong số hoạt động tiêu biểu tổ chức tại TP.Hội An năm 2017, nổi bật là các sự kiện trình diễn ánh sáng nghệ thuật, Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, Liên hoan ẩm thực quốc tế năm 2017, Hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ V, Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ XV, đặc biệt là tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC. “Đây là điều rất đáng mừng, nếu như không bằng tâm huyết, ý thức trách nhiệm, sự hỗ trợ, nỗ lực của cả cộng đồng thì chắc khó mà làm được. Tôi nghĩ người Hội An có quyền tự hào về những thành tựu đã làm được trong năm 2017, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa” - ông Trần Ánh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An chia sẻ.

Tôi rất tâm đắc câu nói của thạc sĩ văn hóa Phùng Tấn Đông: “Thời gian trôi qua, ấn chứng cuối cùng và quan trọng nhất chính là con người”. Bình tâm suy ngẫm mới thấy ở Hội An càng trân trọng điều đó vì biết bao nỗ lực không ngừng  của người dân đã góp phần hiệu quả vào việc khôi phục và phát huy giá trị quý giá của di sản văn hóa mà cha ông để lại. Giữa bao lo toan của cuộc sống thường nhật, ai chẳng mong có được những tiện nghi, thuận lợi để sống thoải mái, hợp với sở thích riêng mình. Một ngôi nhà cổ với kiểu kiến trúc đặc trưng cần bảo vệ nghiêm ngặt, giá trị trùng tu lại tăng hơn nhiều so với việc sửa chữa, xây mới theo kiểu bê tông cốt thép đã thực sự trở thành cuộc “đấu tranh đầy cam go” của nhiều chủ nhân di tích. Không có điều kiện trùng tu, chịu áp lực “sinh tồn” từng ngày từng giờ của lớp cháu con, nhưng những chủ nhân di sản vẫn nghiêm túc thực hiện các quy định, cố gắng không làm biến dạng di tích, giữ gìn nguyên vẹn quần thể kiến trúc khu phố cổ…

Hội An có sống động, hấp lực mạnh mẽ hay không là nhờ công trạng của những con người đang sống ngay giữa lòng phố và từng ngày đi về với phố. Trong hành trang của họ vẫn còn đủ đầy những tố chất văn hóa của vùng đất đã hơn nửa ngàn năm nhưng chưa hề mai một.

2. Nói đến Hội An, nhiều người thường nhắc đến không gian thanh vắng, tĩnh lặng với sự hòa hợp của những con người khoan dung, cởi mở, hiếu khách… Cũng có thể đó là phần hồn của phố. Nhưng điểm gặp gỡ mà mọi người dễ đồng thuận là năng lực ứng xử trước những thay đổi của điều kiện sống ở người Hội An. Năm qua, người Hội An đã cùng với chính quyền thành phố lập lại trật tự kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ và tại các điểm du lịch như bến Cửa Đại, khu di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu… để tạo điểm đến yêu thích đối với du khách. Qua đó, TP.Hội An tiếp tục được bạn bè và du khách thập phương bình chọn là một trong 12 thành phố du lịch yêu thích trên thế giới, cùng nhiều danh hiệu tưởng thưởng đáng phấn khởi. Đây không phải là lần đầu Hội An đạt được kết quả đó mà là sự kế thừa, tiếp nối từ nhiều năm trước, thể hiện công sức và trí tuệ của biết bao con người sống ở thành phố “thương cảng cổ” này. Họ luôn đồng hành với di sản quê hương để tái tạo, làm nên những sản phẩm du lịch - dịch vụ mới, đạt chất lượng để lôi cuốn và níu kéo bước chân du khách.

Người Hội An không chỉ tự hào, giữ gìn, nâng cao chất lượng các món ăn truyền thống mà còn biết làm giàu từ kho tàng ẩm thực của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của Hội An - Quảng Nam. Ngay cả bài chòi không phải là loại hình nghệ thuật truyền thống của riêng Hội An - Quảng Nam, nhưng người Hội An đã nâng niu, khai thác và phả vào đó hơi hướm Sông Hoài - Phố Hội làm say đắm lòng bao người dân Việt Nam và du khách quốc tế, góp phần đáng kể để nghệ thuật Bài chòi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

3 .Đã trải 43 năm, kể từ ngày quê hương giải phóng, cũng phải ghi nhận sự hình thành một lớp doanh nhân trẻ trung, năng động. Những giám đốc, những ông chủ, bà chủ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã góp sức làm nên thương hiệu Hội An với uy tín cao. Chính họ đã góp phần làm đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch, dịch vụ thu hút du khách, tạo những đột phá ấn tượng, làm tiền đề cho những định hướng, điều chỉnh, bổ sung để không ngừng phát triển kinh tế Hội An… “Hội An từng là giao điểm của con đường gia vị - bây giờ chúng ta có liên hoan ẩm thực quốc tế; con đường gốm sứ - chúng ta có gốm Thanh Hà, công viên đất nung; và con đường tơ lụa - chúng ta có Làng lụa Hội An. Đây là những nét độc đáo đã có và nếu chúng ta khôi phục một giai đoạn lịch sử của Hội An, sẽ trở thành những sản phẩm càng độc đáo” - ông Ánh nói.

Hội An - từng được mệnh danh “phố dưỡng già” bây giờ đã khác nhiều. Đô thị đã khoác lên mình màu áo mới, quang rạng và tinh tươm. Đời sống nhân dân ngày càng sung túc, khá giả. Vẻ đẹp của đất và người phố Hội ngày càng được lan tỏa. Chiêm nghiệm mới thấy, Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An có sống động, trở nên hấp lực mạnh mẽ hay không là nhờ công trạng của những con người đang sống ngay giữa lòng phố và từng ngày đi về với phố. Trong hành trang của họ vẫn còn đủ đầy những tố chất văn hóa của vùng đất đã hơn nửa ngàn năm nhưng chưa hề mai một.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO