|
Ở cùng làng Khương Đại có tên Thọ cảnh sát quận, đàn áp nhân dân vô cùng dã man, nhất là những gia đình có con thoát ly theo cách mạng. Nó bắt ức hiếp cha của Sáu Thân như cơm bữa. Hồi Sáu Thân làm đội trưởng công tác, tên Thọ còn sợ. Mấy tháng rồi Sáu Thân bị bắt, tên Thọ thẳng tay với ông già. Lần trở về này, Sáu Thân quyết tiêu diệt tên Thọ để cho dân bớt khổ.
Sáu Thân cho cơ sở theo dõi sát hành tung tên Thọ. Một đêm trời sáng trăng, được cơ sở báo cụ thể: “Tên Thọ cùng với ông Khiêu sau khi ăn thịt heo ở nhà bà Hai Lội, xuống bến bơi ghe ra sông ngủ”. Sáu Thân nắm được thông tin, liền cùng Tuân đội viên Đội công tác bơi ghe đi tìm. Biết là tên Thọ ra sông ngủ, nhưng chính xác là ở chỗ nào thì không rõ được. Khúc sông này là nơi tập hợp của nhiều con nước, rộng mênh mông, cá tôm nhiều, ban đêm ngư dân bơi ghe, đỏ đèn đánh lưới loạn xạ. Đã 12 giờ đêm, Sáu Thân bơi rảo cùng, phát hiện ở phía gần sát Cồn Si có ánh lửa. Sáu Thân lần bơi tới, thấy ghe đứng im cắm sào, nhất định tên Thọ đang ở đó. Tuân thì thầm: “Có thể nó đang thức, cẩn thận anh Sáu”. Sáu Thân nhẹ nhàng khua đều mái dầm. Qua khúc sông sâu, ông bỏ chèo, chống ghe lần tới. Bọn họ ngủ say là cái chắc, chả thấy động tĩnh chi cả, nhưng hai chiến sĩ luôn cánh giác cao độ, nhẹ nhàng cho ghe tiếp cận, tư thế sẵn sàng nổ súng tiêu diệt tên các ôn.
Hai ghe cập mạn nhau, Sáu Thân nhìn thấy hai người nằm trong khoang, phủ chăn kín đầu. Một tình huống quá bất ngờ. Bỗng qua ánh trăng, Sáu Thân nhìn thấy cái xách cốt công vụ để ngay trên đầu một người. Đây! Tên Thọ đây rồi! Ông đứng thẳng trên ghe, với cự ly 2 mét, giương súng nhả đạn. Đoàng! đoàng! Tuân nằm sát kẹp hai be ghe. Sáu Thân nhảy ngay sang ghe tên Thọ. Cùng lúc người kia bật dậy nhảy xuống nước. Trời! Tên Thọ còn sống. Súng kẹt đạn. Sáu Thân buông một tiếng chửi thề rồi nhảy lội theo. Nước chỉ tới lưng quần nhưng bãi cạn rộng mênh mông. Hai thằng đàn ông cùng làng nhưng ở hai chiến tuyến quần nhau giữa bãi cạn của cái búng nước Trường Giang. Sáu Thân xáp tới Thọ lui ra. Sải tay Thọ dài hơn nhưng Sáu Thân nhanh hơn, hai cái bóng đảo qua đảo lại. Sáu Thân bơi lặn giỏi, ở dưới nước có lợi thế. Ông dụ tên Thọ ra sâu nhằm lặn xuống bắt chân, kẹp cổ để nhận nước. Nhưng tên Thọ biết mình, không xông vô xáp mặt, mà lui về phía cạn. Sáu Thân cũng không xáp tới, lui về phía ghe. Tuân biết ý, nhổ cột chèo đưa cho Sáu Thân. Ưu thế đã thuộc hẳn về mình - Sáu Thân nghĩ vậy. Vờn nhau đã thấm mệt mà chưa ai ra được đòn quyết định. Nhưng, Sáu Thân đã nhìn thấy hết các đòn thế của tên Thọ. Có vũ khí tức là có lợi thế, ông lập tức xáp tới nhứ qua nhứ lại, rồi trong nháy mắt cái đầu cột chèo bất ngờ dộng tới trúng ngay giữa mặt địch thủ. Tên Thọ bật ngửa, Sáu Thân nhào tới kẹp cổ nhận nước. Trúng đòn quá nặng, tên Thọ choáng váng không thể kháng cự, bị dìm ngạt nước, tắt thở…
Cuối năm 1964, ta giải phóng các thôn cánh tây, cánh bắc Kỳ Khương, vượt Trường Giang giải phóng Kỳ Xuân, Kỳ Hòa..., xâm nhập thường xuyên các thôn Khương Long, Khương Bình, Khương Mỹ. Quận lỵ Lý Tín nằm trong thế bị lực lượng cách mạng bao vây ép sát. Tháng 5 năm 1965, lính thủy đánh bộ Mỹ đổ quân chiếm đóng, thiết lập căn cứ quân sự Chu Lai, tình hình chiến sự vùng Nam Tam Kỳ trở nên vô cùng ác liệt. Quận trưởng Được dựa thế Mỹ, xua quân đi càn quét lấn chiếm gây nhiều tội ác với nhân dân. Ông Bảy Truyền về nhận chức Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ thay Ngô Độ, chỉ thị cho Sáu Thân tổ chức diệt tên Được quận trưởng.
Qua tin điệp báo nội tuyến, Sáu Thân biết hàng ngày Quận trưởng Được cùng với ba tên cố vấn Mỹ làm việc xong không ở lại Lý Tín, mà lên xe chạy vào phía trong cầu An Tân ngủ qua đêm. Với cương vị Trưởng ban an ninh kiêm Trưởng đội an ninh vũ trang huyện, Sáu Thân lên phương án diệt tên Được giữa ban ngày, ngay trong lòng nội ô Lý Tín, như thế mới trấn át được cả Mỹ ngụy. Sáu Thân đề xuất Huyện đội tăng cường hai lính đặc công người gốc Kỳ Khương cùng ba người của Đội an ninh vũ trang Lý Tín gồm: Sáu Thân, Tấn - người Khương Long, Thành - người Khương Bình. Như vậy Tổ công tác gồm năm tay súng đều người Kỳ Khương, thông thạo địa hình, đường sá nội ô Lý Tín. Sau một tuần tập luyện, năm người cải trang thành biệt động quân, Sáu Thân mang lon trung úy dẫn đầu đột nhập trung tâm nội ô Lý Tín vào lúc 4 giờ chiều. Trong túi mỗi người bỏ theo rất nhiều tiền, có cả đô la Mỹ. Đến ngã ba Kỳ Xuân, năm người hiên ngang bước vào quán nhậu Bà Tú. Quán đã có mấy tên lính địa phương quân ngồi trước, trong đó có người nội tuyến của ta. Qua ám hiệu, Sáu Thân biết: “Quận trưởng đi họp ở Tam Kỳ, chiều nay không về”. Sáu Thân nghĩ, không thể trở về tay không, lúc này đã 5 giờ chiều, hết giờ làm việc, mấy tên ác ôn chắc cũng đang trên đường về nhà, diệt thêm được tên nào, dân càng đỡ khổ. Nghĩ đến đó, ông đứng phắt dậy trả tiền, kéo cả tổ đi vào phía cầu An Tân.
Đúng như nhận định, tổ Sáu Thân đi được hơn 200 mét thì gặp tên Toàn đạp xe qua mặt. Toàn là tình báo quân đội, nằm trong mạng lưới tình báo Nam - Ngãi, đã ngầm gây nhiều tội ác tại đất này. Lướt qua độ chục mét, tên Toàn rẽ vào nhà, ngay mặt tiền phía trái đường. Tên này đã có cáo trạng, nhưng chưa kịp triển khai tiêu diệt, đây là dịp bắt hắn đền tội. Sáu Thân khoát tay, Thành theo ông vào nhà, ba người kia đứng ngoài cảnh giới. Tên Toàn vừa cởi xách cốt đặt lên bàn, nhìn ra đã thấy Sáu Thân đứng ngay cửa. Đùng! Chỉ một phát súng côn, tên Toàn đổ gục trên bàn.
Tổ Sáu Thân tiếp tục đi vào phía gần đầu cầu An Tân, lách xuống xóm bờ sông vào nhà bà Long, bà Thạch là cơ sở cách mạng. Bỗng Sáu Thân phát hiện tên Nguyễn Công người Khương Vĩnh, phụ trách Tổng đoàn Bảo an Lý Tín đang đứng ngay tiệm nhiếp ảnh Hữu Thạnh. Năm “lính biệt động quân” xáp lại. Thạch, Tiến bất ngờ giương súng. Tên Công kẹp ngay hai khẩu AR15 ngang nách, nhưng vẫn tưởng các ông là biệt động quân thiệt nên hỏi: “Các anh giỡn hả?”. Sáu Thân đưa khẩu súng côn lên hỏi: “Cái gì đây?”. Đoành! Ngay sau đó, năm người lẩn về phía bờ sông vào nhà bà Thạch, lấy ghe vòng tuốt ra phía Khương Đại về Khương Nhơn trong đêm.
Cuối năm 1969 trên đường đi công tác gặp địch phục kích, Sáu Thân bị thương nặng, mất sức chiến đấu phải đi miền Bắc an dưỡng. Năm 1972, sức khỏe vừa bình phục ông lập tức quay về quê hương tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng...
Bây giờ, Sáu Thân đã trở thành ông già bảy lăm. Mỗi lần hồi ức về cuộc chiến, ông lại rưng rưng nghẹn ngào: “Tôi làm sao quên được cái phút giây tự mình trao hai quả lựu đạn cho Trung - người bạn chiến đấu thân thiết. Tôi làm sao quên được ánh mắt kiên cường của Trung khi đưa tay cầm lựu đạn và hai tiếng nổ vang trời sau lưng tôi năm ấy...”.
Truyện ký của PHẠM THÔNG