Người hùng Khương Vĩnh

Truyện ký của PHẠM THÔNG 08/06/2016 08:40

Sau Luật 10/59, gia đình Sáu Thân (Võ Hồng Thân) bị chính quyền xã Kỳ Khương dồn vào Quy khu Xưởng Dầu. Bọn ngụy quyền tách hai mươi bốn gia đình liên can Việt cộng ra khỏi cộng đồng làng Khương Vĩnh, buộc họ che lều tự giam lỏng trên khuôn đất nhỏ, tứ bề bao bọc bởi hàng rào gai long và phên nẹp gai tre, nằm trơ trọi, chói chang giữa bãi cát Kỳ Lộc. Chàng trai mười chín tuổi lực lưỡng, dũng mãnh - Sáu Thân không thể chịu cảnh o ép cùng cực như thế. Anh quyết định nhảy núi theo cách mạng.

Trong một đêm tối trời của tháng 3 năm 1960, Sáu Thân lọt ra khỏi hàng rào, băng trảng cát phía trên đường 1, qua Khương Nhơn lần đến chân núi. Cùng đi có Tám Phê người cùng bị quản thúc trong quy khu. Sáu Thân bàn với Tám Phê: “Mình đi nữa không được đâu. Trời tối vào núi càng tối thêm, không lần ra đường. Tấp vào bụi ngồi chờ sáng đã. Phải lên núi trước lúc dân đi làm củi, cắt tranh”.

Chưa tỏ đất, hai chàng trai Khương Vĩnh đã nhổ chân băng qua trại ông Toàn lên Đồng Trận vào rừng gặp anh Long, anh Cao, lính của Bí thư Huyện ủy Ngô Độ. Từ giờ phút này, Sáu Thân trở thành cán bộ thoát ly hoạt động cách mạng. Sau thời gian theo Ba Hào - Trung đội trưởng luyện tập quân sự, rèn luyện thử thách, tháng 5 năm 1961 Sáu Thân được chọn làm đội viên Đội công tác Kỳ Khương. Nói là đội công tác của một xã, nhưng chỉ có 3 người: Út Sơn (quê Khương Nhơn), Trung (Chợ Trạm) và Sáu Thân. Đây là 3 đội viên đầu tiên của Đội công tác Kỳ Khương trong thời chống Mỹ, do Út Sơn thoát ly từ 1958 phụ trách... Lúc đó cả huyện Tam Kỳ mới giải phóng được thôn 10 Kỳ Sanh - Tứ Mỹ. Trong thời buổi sơ khai ấy các đội công tác Kỳ Sanh, Kỳ Khương, Kỳ Xuân  vừa được thành lập và đều đứng chân tại thung lũng này.

Tháng 8 năm 1961, nhận chỉ thị của huyện, Sáu Thân tháp tùng Út Sơn cùng với ông Mai (Tùng) xuống thôn 8 Kỳ Sanh bắt sống tên Đ. - thành phần cố nông, không biết chữ, bọn ngụy quyền Kỳ Sanh sử dụng làm tay sai đàn áp dân lành trong vùng. Đây là trận ra quân đầu tiên của Sáu Thân.

Theo tin mật báo, đêm đó tên Đ. ngủ ở nhà. Các ông Mai, Út Sơn áp sát cửa trước. Cửa khóa chặt, phá vào sẽ bị lộ. Sáu Thân quanh ra phía sau hè, sè sẹ dỡ tranh chui vào. Phía sau có chuồng heo, hành sự phải rất êm, nếu không heo nghe động sẽ họt. Nhưng trời quá tối, Sáu Thân vấp phải rổ chén. Rổn… Từ căn phản ở nhà trên, tên Đ. bung dậy đạp cửa trước thoát ra. Cánh cửa đập vào Út Sơn té ngửa. Ông Mai chụp hụt. Tên Đ. phóng qua bờ rào, chạy một hơi xuống chợ Trạm. Hắn khiếp đảm, không về quê, trở thành tên phản động lưu manh nhất Chợ Trạm, chuyên đón đường đổ mắm, đổ muối của dân vùng giải phóng Kỳ Sanh, Kỳ Khương đi chợ về.

Trận đầu ra quân không thành, Sáu Thân buồn, lo cấp trên không tin mình. Thế nhưng ngược lại, anh được lãnh đạo động viên, nên phấn đấu rèn luyện ngày càng gan dạ, trưởng thành.

Tháng Giêng năm 1962, bộ đội tỉnh phối hợp với bộ đội huyện Tam Kỳ và các đội công tác xã tiến đánh giải phóng thôn 7, thôn 8 Kỳ Sanh, mở đường cho lực lượng cách mạng tiến về làm chủ đồng bằng. Thừa thắng, Đội công tác Kỳ Khương về chuẩn bị điều kiện giải phóng xã nhà. Trên đường từ Kỳ Sanh ra Khương Nhơn các ông bị địch phục kích. Út Sơn hy sinh.

Sáu Thân gan dạ nhưng chưa đủ độ chín để thay Út Sơn làm Đội trưởng. Ngô Độ xin tỉnh tăng cường Hoàng Tuấn - cán bộ tập kết vào Nam về làm Đội trưởng. Hoàng Tuấn cùng hai đội viên còn lại về Kỳ Khương rút thêm được 8 thanh niên bổ sung cho đội công tác, quân số vừa đủ tiểu đội. Được sự hỗ trợ của bộ đội huyện, Đội công tác Kỳ Khương tiến về vũ trang nổi dậy giải phóng thôn Khương Nhơn. Sau đó hình thành ngay bộ máy chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, đưa ông Phạm Sổ - một cơ sở cách mạng trung kiên lên làm thôn trưởng, phát triển nhanh chóng lực lượng vũ trang quyết giữ vững vùng giải phóng đầu tiên của xã. Trong lúc khí thế đang lên, Đội trưởng Hoàng Tuấn hy sinh. Cấp trên nhận thấy Sáu Thân đã đủ độ chín nên chỉ định làm Đội trưởng Đội công tác Kỳ Khương.

Chiến tranh đã thực sự diễn ra trên vùng đất này. Khương Nhơn bị ta chiếm giữ, các thôn Khương Đại, Khương Vĩnh trở thành vùng xôi đậu (ban đêm là ta, ngày là địch). Theo đó ta cũng đã hình thành được vùng giải phóng liên hoàn giữa Kỳ Sanh, Kỳ Thạnh, Kỳ Khương, chiếm giữ một vùng trung du khá rộng lớn, trực tiếp uy hiếp quận lỵ Lý Tín. Du kích Kỳ Khương từ chỗ ban đầu một tiểu đội đã phát triển nhanh chóng thành 3 trung đội, khi thanh niên ở các thôn Khương Thọ, Khương Phú, Khương Đại, Khương Vĩnh, Khương Bình... ào ạt chạy về phía Khương Nhơn gia nhập vào đội ngũ cách mạng. Lúc này Sáu Thân đã là một cán bộ cách mạng dày dạn, cùng với chi bộ lãnh đạo đội du kích, nhân dân Kỳ Khương xây dựng chính quyền, lập hàng rào chiến đấu, ra sức đánh địch giữ vững tuyến đầu vùng giải phóng mới mở ra. Khương Nhơn trở thành bàn đạp để lực lượng cách mạng tiến về giải phóng các thôn trong xã và cả vùng đông của Nam Tam Kỳ như Kỳ Xuân, Kỳ Hòa, Kỳ Hà... phía đông quận lỵ Lý Tín.

Tên Được - Quận trưởng Lý Tín nhận thấy mối nguy mất cả vùng đồng bằng Nam Tam Kỳ trong nay mai, hắn lệnh thuộc hạ đốc thúc bọn bảo an, dân vệ tấn công quyết liệt nhằm lấn chiếm lại Khương Nhơn, đánh bật Việt cộng trở lại vùng núi cao. Tên Được còn chỉ đạo tên Đinh Công Giáo - Đại đội trưởng nghĩa quân Kỳ Khương cùng hai tên xây dựng nông thôn người Kỳ Hưng trực tiếp chỉ huy, bắt dân góp cây, tre… rào cả làng, cả xã tự giam mình để không thể liên hệ với Việt cộng. Chúng âm mưu đánh chiếm trở lại Khương Nhơn để lập hàng rào chạy dọc từ Khương Nhơn ra tới cầu Ông Bộ nhằm ngăn chặn Việt cộng từ phía núi xâm nhập xuống đồng bằng. Giáo là một tên ác ôn khét tiếng, xua quân đi càn quét liên tục, gây biết bao tội ác với nhân dân vùng giải phóng Kỳ Khương, Kỳ Sanh. Sáu Thân quyết diệt cho được tên này trừ mối họa cho dân, đồng thời phá vỡ kế hoạch lập ấp chiến lược với quy mô lớn của địch trên đất Kỳ Khương.

Sáu Thân xây dựng cơ sở để bám sát theo dõi hành tung tên Giáo. Ở thôn Khương Thọ là vùng xôi đậu có bà Liệp, nhà bà ở sát đồi Cây Sơn giáp với thôn Tám Kỳ Sanh. Bà có mấy đứa con làm việc cho địch trong quận Lý Tín, là thân cận của tên Giáo. Bà còn có chị Hai Liệp nhảy núi nên rất có cảm tình với cách mạng. Sáu Thân quyết tâm xây dựng bà Liệp trở thành cơ sở bí mật cho cách mạng. Ông còn xây dựng bà Út Thỏa và một vài người nữa ở xóm Ông Sắm làm cơ sở cùng nắm, báo tình hình và liên hệ với bà Liệp. Một hôm nghe bà Út Thỏa báo “nhà bà Liệp có đám giỗ, thằng Thọ con bà có mời Đinh Công Giáo về ăn”. Sáu Thân lập tức lên phương án diệt tên này.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người hùng Khương Vĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO