(VHQN) - Đối với hệ thống bảo tàng, hướng dẫn viên được xem là cầu nối để công chúng có những trải nghiệm trọn vẹn và ấn tượng về điểm đến đặc biệt này.
Vai trò người kể chuyện
Từ trải nghiệm công việc hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm hơn 10 năm qua, tôi cảm nhận rằng, vai trò người kể chuyện rất lớn. Hướng dẫn viên nói chung hay hướng dẫn viên tại điểm như các bảo tàng, di tích sẽ có phương pháp và kỹ năng riêng, tuy nhiên phải hội tụ đủ yêu cầu vai trò vừa là người hướng dẫn thuần thục chuyên môn vừa có khả năng nhận biết, đánh giá tâm lý du khách để có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời. Qua đó, giúp du khách có trải nghiệm thoải mái và đáp ứng được sự kỳ vọng của họ.
Hướng dẫn viên tại bảo tàng thường là những người được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ tốt, nắm vững kiến thức về các nội dung trưng bày và thông tin hiện vật. Yếu tố này là nền tảng quan trọng cho việc xây dựng nội dung hướng dẫn một cách khoa học, có cơ sở và truyền tải được đầy đủ, chính xác nội dung trưng bày mà bảo tàng mong muốn.
Đối với các đối tượng công chúng có sự quan tâm đặc biệt đến các nội dung trưng bày (ví dụ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học,…) thường sẽ yêu cầu có hướng dẫn viên tại bảo tàng để đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu của họ.
Mỗi điểm tham quan sẽ có đặc thù riêng về cảnh quan, môi trường, các dịch vụ, sản phẩm phụ trợ… tác động đến trải nghiệm của du khách, bên cạnh việc thưởng lãm các nội dung tham quan chính.
Hướng dẫn viên tại bảo tàng sẽ là người hiểu rõ nhất về các yếu tố này tại bảo tàng mình. Đây là một điểm thuận lợi để họ có thể chủ động trong lộ trình hướng dẫn khách nhằm phát huy tối đa điểm mạnh và khắc phục được nhiều nhất các hạn chế nếu có của điểm đến.
Nhiệt huyết và niềm say mê của hướng dẫn viên đặt vào công việc luôn là nguồn năng lượng tích cực nhất để lôi cuốn và tạo ấn tượng với người nghe là khách tham quan.
Đối với hướng dẫn viên tại bảo tàng, qua một thời gian gắn bó công việc sẽ có những trải nghiệm, ấn tượng đặc biệt với một bộ sưu tập, một hiện vật, một sự kiện hay một nhân vật có liên quan quan đến nội dung trưng bày. Đây là yếu tố tạo nên tình tiết hay trong cách kể chuyện của hướng dẫn viên, đem đến trải nghiệm ấn tượng cho khách tham quan.
Rào cản về ngôn ngữ
Bên cạnh những thuận lợi, lực lượng hướng dẫn viên tại các bảo tàng cũng gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế là một trong các điểm yếu tồn tại khá lâu đối với công tác hướng dẫn viên tại các bảo tàng ở Việt Nam, trong đó phần lớn là ở các bảo tàng công lập.
Các bảo tàng, điểm di tích lớn tại các thành phố trung tâm như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh trở thành điểm đón các đoàn nguyên thủ, các đoàn khách cấp cao và có lượng khách tham quan đông như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Những nơi này, đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ tốt và có thể phục vụ nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung, Nhật…
Còn lại đối với bảo tàng tại các tỉnh, thành phố, đôi khi tìm một hướng dẫn viên nói thành thạo tiếng Anh cũng là vấn đề đối với du khách khi đến với bảo tàng. Mặc dù qua quan sát, một bộ phận hướng dẫn viên tại các bảo tàng thường được tuyển dụng có bằng cấp chuyên môn về ngoại ngữ.
Tuy nhiên, môi trường làm việc ít sử dụng ngoại ngữ do lượng khách đến một số bảo tàng còn ít, đồng thời kiêm nhiệm nhiều công tác chuyên môn khác đã ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên.
Bên cạnh đó, một bộ phận hướng dẫn viên tại các bảo tàng vẫn còn thụ động trong việc xây dựng nội dung hướng dẫn đáp ứng nhu cầu cho các nhóm đối tượng công chúng khác nhau khi đến với bảo tàng.
Việc này xuất phát từ thói quen của một giai đoạn công tác hướng dẫn tại bảo tàng đặt nặng tính tuyên truyền - chỉ nói những gì bảo tàng muốn truyền đạt mà chưa có sự đối thoại hay lắng nghe những gì công chúng quan tâm.
Sức ép của việc phát triển rất nhanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin như hiện nay cũng là thách thức đối với lực lượng hướng dẫn viên tại bảo tàng. Hiện nhiều bảo tàng tại Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường các nội dung thông tin số trong việc trưng bày, truyền thông quảng bá như sử dụng các loại hình tham quan ảo, trình chiếu 3D hiện vật, 3D mapping…
Việc hướng dẫn viên có thể sử dụng thành thục công nghệ mới như một công cụ đắc lực hỗ trợ trong quá trình hướng dẫn khách tham quan đòi hỏi sự tìm hiểu, học hỏi và thích ứng nhanh.
Chưa kể đến, với sự xuất hiện của sản phẩm công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ví dụ các loại hình chatbot như Chat GPT gần đây hay việc xuất hiện các trợ lý ảo - hướng dẫn viên ảo vừa có thể khai thác được nguồn kiến thức vô tận từ dữ liệu internet, vừa thấu hiểu hành vi người dùng còn hơn bản thân họ... là thách thức không nhỏ đối với những người kể chuyện đặc biệt như hướng dẫn viên bảo tàng.