Người kết nối những tấm lòng

XUÂN THỌ 26/09/2019 10:45

Rời quê nhà vào Sài Gòn lập nghiệp, anh Nguyễn Khắc Kiều (quê xã Duy Trung, Duy Xuyên) đã nỗ lực đạt được thành công; trân quý hơn, anh còn kêu gọi, kết nối những tấm lòng sẻ chia với quê nhà.

Anh Kiều luôn bận rộn với công tác kết nối đồng hương để vun đắp cho quê nhà Quảng Nam.
Anh Kiều luôn bận rộn với công tác kết nối đồng hương để vun đắp cho quê nhà Quảng Nam.

Qua những gian nan

Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Phan Sào Nam, anh Nguyễn Khắc Kiều vào TP.Hồ Chí Minh với thử thách đầu tiên là hoàn thành chương trình đại học. Cầm tấm bằng đại học trong tay, anh thử sức với một vài công ty, tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn Unilever. “Gắn bó với tập đoàn này được hơn hai năm, mình tạm ngưng để tìm kiếm thử thách mới. Trong thời gian này, mình trau dồi thêm kiến thức về lĩnh vực báo chí, xuất bản vốn đam mê từ trước” - anh Kiều cho biết. Từ năm 2009, anh làm cho Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại của Bộ Công thương; sau đó anh chuyển sang đầu quân cho Tạp chí Thời trang vàng của Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý Việt Nam. Trong thời gian này, anh kết hợp với một người đồng hương để làm các ấn phẩm như Người đương thời, Chuyện người đương thời, Doanh nhân đương thời… Cùng với đó là một số ấn phẩm về người Quảng như: Doanh nhân xứ Quảng, Người Quảng xa quê. Đến năm 2015, anh mở lối đi riêng với lĩnh vực quảng cáo bảng hiệu, cũng như dành nhiều thời hơn cho công việc kết nối hội đồng hương.

Anh Nguyễn Khắc Kiều (đứng, ngoài cùng bìa trái) trong chương trình trao bò sinh kế cho hộ nghèo tại xã Bình Lãnh, Thăng Bình năm 2016. Ảnh: X.T
Anh Nguyễn Khắc Kiều (đứng, ngoài cùng bìa trái) trong chương trình trao bò sinh kế cho hộ nghèo tại xã Bình Lãnh, Thăng Bình năm 2016. Ảnh: X.T

Năm 2016, anh thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng, Quảng cáo và In ấn Thắng Lợi và ra mắt ấn phẩm “Người Quảng Phía Nam” cùng trang điện tử www.nguoiquangphianam.com. Ấn phẩm này kịp thời phản ánh, khắc họa được hơi thở, nhịp sống của người Quảng xa quê ở các tỉnh thành phía Nam trên nhiều lĩnh vực… Từ đó, ấn phẩm dần dần trở thành nơi kết nối của những người con xa quê. Bên cạnh đó, anh còn đứng ra thực hiện những cuốn kỷ yếu cho các hội đồng hương tại một số tỉnh, thành ở phía Nam: Kỷ yếu cho Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại tỉnh Bình Phước, kỷ yếu Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại tỉnh Lâm Đồng…

Kết nối những tấm lòng

Anh luôn suy nghĩ, tìm cách giúp đỡ người nghèo ở quê nhà. “Ban đầu, mình đứng ra thành lập Ban Kết Nối Yêu Thương để vận động những người Quảng xa quê giúp đỡ các em học sinh nghèo ở quê những chiếc xe đạp, những phần quà cho người nghèo. Dần dần, mình vận động làm những chương trình giúp đỡ lớn hơn như xây nhà tình thương, đại đoàn kết…” - anh Kiều kể. Anh cũng quan niệm rằng, mình không có nhiều điều kiện về tài chính, thì góp chút thời gian, công sức để kêu gọi, kết nối các tấm lòng thiện nguyện với nhau, nhờ đó chương trình ngày càng lan tỏa. Cụ thể, năm 2013, anh phối hợp cùng Ni sư Thích Nữ Huệ Từ - Trụ trì chùa Giác Tâm về Quảng Nam tổ chức chương mổ mắt miễn phí cho 756 người nghèo bị đục thuỷ tinh thể; vận động bà Lưu Thị Thanh Xuân hỗ trợ 160 triệu đồng để xây cầu Thổ Làng tại thôn Hòa Nam (xã Duy Trung, Duy Xuyên) để giúp người dân đi lại được thuận tiện hơn; vận động các mạnh thường quân trao quà tết cho người nghèo… Những năm gần đây, anh vận động các mạnh thường quân về trao tặng sinh kế cho người nghèo, với hàng chục con bò mỗi năm.

Nhìn lại những công việc mình đã làm, anh Kiều cho rằng việc cấp học bổng cho học sinh - sinh viên nghèo là chương trình anh tâm huyết nhất. Trong suốt gần 10 năm qua, anh đã đứng ra vận động bà Phạm Thị Năm và các mạnh thường quân tài trợ học bổng cho rất nhiều các em học sinh vượt khó ở quê nhà với số tiền trung bình mỗi năm trên 100 triệu đồng để làm chương trình học bổng. Nói về việc này, anh Khắc Kiều cho biết: “Việc cấp học bổng hàng năm, mình không chạy theo số lượng mà chỉ tập trung vào chất lượng. Nghĩa là khi cấp học bổng cho các em, mình chú trọng vào số tiền mỗi em nhận được phải trang trải đủ học phí và mua đủ những dụng cụ học tập trong năm đó, tức mỗi em tối thiểu phải nhận 5 triệu đồng cho đến khi các em ra trường. Mình vận động được tiền nhiều thì làm nhiều, ít thì làm ít, nhưng phải cho tới nơi tới chốn. Chứ không thể nhận cấp học bổng cho các em theo kiểu lúc có lúc không, bỏ các em giữa chừng thì tội lắm”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người kết nối những tấm lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO