Người "khai sinh" địa đạo Kỳ Anh

ĐẶNG TRƯƠNG 25/03/2018 12:54

Nằm cách trung tâm TP.Tam Kỳ khoảng 7km về hướng đông bắc, địa đạo Kỳ Anh là chứng tích của những năm tháng bám trụ kiên cường, gìn giữ từng tấc đất quê hương của quân và dân xã Kỳ Anh cũ, xã Tam Thăng bây giờ. Người góp phần quan trọng “khai sinh” địa đạo này chính là một người con của làng Mỹ Cang - ông Trần Minh Tuân, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Kỳ, Bí thư Chi bộ xã Kỳ Anh và Bí thư Chi bộ vùng đông.

Đình Thạch Tân - nơi có hầm cứu chữa thương bệnh binh của địa đạo Kỳ Anh, Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG
Đình Thạch Tân - nơi có hầm cứu chữa thương bệnh binh của địa đạo Kỳ Anh, Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG

Được thờ ở đình Thạch Tân

Đình làng Thạch Tân - ngôi đình được xây dựng từ cuối thế kỷ 15, đã qua 3 lần di chuyển và nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được dáng dấp và kiến trúc xưa cổ mấy trăm năm. Ông Trần Minh Tuân vinh dự là một trong số 4 vị tiền bối cách mạng được chính quyền và nhân dân đưa vào thờ tại ngôi đình này (3 người khác là Nguyễn Xuân Nhĩ, Cao Sơn Pháo, Vũ Trọng Hoàng).

Địa đạo Kỳ Anh được đào từ năm 1965 - 1967, dài khoảng 20km, có đóng góp rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cho đến tận bây giờ, ký ức về ông Trần Minh Tuân với câu chuyện thành lập trung đội du kích tập trung đầu tiên gồm 17 người của xã Kỳ Anh vào ngày 29.9.1964 tại di tích lịch sử Vườn Miếu, thôn Tân Thái, xã Tam Thăng, vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí những người đồng đội ở Đội công tác huyện Bắc Tam Kỳ và du kích Kỳ Anh hiếm hoi còn lại như các ông Trương Văn Thanh, Nguyễn Mạnh Hùng, ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ. Ông Trương Văn Thanh lúc bấy giờ còn khá trẻ, nhỏ tuổi nhất trung đội du kích, đặc biệt trân quý ông Trần Minh Tuân - một cán bộ lãnh đạo dạn dày kinh nghiệm, bám sát cơ sở, quyết liệt trong chỉ đạo và luôn quý mến, yêu thương đồng đội cũng như nhân dân vùng đông. Riêng câu chuyện ông Tuân lặn lội nhiều tháng ròng để móc nối cơ sở một cách vững chắc rồi quyết định đưa Đội công tác Bắc Tam Kỳ ly sơn Kỳ Quế về bám trụ hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng vùng đông từ đầu năm 1963, đã là một kỳ tích. Bởi Kỳ Anh ngày ấy đồn bót địch bao bọc dày đặc như đồn An Hà, Núi Cấm, Tuần Dưỡng, Tỉnh đường Quảng Tín… với mật độ càn quét rất khốc liệt. Là người con của đất Mỹ Cang, ông Tuân không những nắm bắt địa bàn Kỳ Anh như trong lòng bàn tay mà còn làm công tác dân vận tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân. Chính vì thế, khi đội công tác ly sơn lập tức được che chở, bảo bọc bởi những cơ sở cách mạng tin tưởng. Ông Thanh nói, nếu anh Tuân không làm tốt công tác dân vận, không gây được niềm tin trong bà con thì khó mà quyết định đưa đội công tác về vùng đông.

Quyết định đúng thời điểm

Tháng 5.1965, để cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, cùng với quân đội Sài Gòn và chư hầu, thực thi chiến dịch “bình định nông thôn” “tiêu diệt và bình định”, bắt bớ càn quét, đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng. Kỳ Anh là xã vừa giải phóng (tháng 10.1964) và có phong trào du kích hoạt động mạnh nên địch từ tỉnh đường Quảng Tín, đồn An Hà tổ chức hành quân càn quét dữ dội, bố ráp vây bắt, nhiều chiến sĩ và người dân vô tội bị tra tấn, thủ tiêu. Phong trào chiến tranh du kích gặp rất nhiều khó khăn, còn quân chủ lực của huyện và tỉnh không thể hỗ trợ kịp thời vì thiếu chỗ ẩn quân, tạo yếu tố bí mật tác chiến. Để đối phó với tình hình này, đồng thời tạo mối liên hoàn giữa vùng đông và vùng tây, giữa vùng giải phóng Tam Kỳ với vùng giải phóng Thăng Bình, Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Anh hạ quyết tâm xây dựng hệ thống địa đạo, mở rộng hệ thống hầm bí mật trong lòng đất để trụ bám đánh địch.

Tháng 2.1965, ông Trần Minh Tuân trực tiếp chỉ đạo trung đội du kích và cơ sở cách mạng trung kiên bí mật đặt những nhát cuốc đầu tiên làm thí điểm địa đạo tại thôn Tân Thái, hình thành một đoạn dài gần 200m chạy dọc theo các bờ tre nhà dân rồi ăn thông lên khu vực ảng nước, nhà bếp… Ông Trương Văn Thanh nhớ lại: “Anh Trần Minh Tuân họp anh em và nói rõ quyết tâm: Chúng ta phải đào địa đạo kiểu Củ Chi để trước hết làm nơi cư trú cho anh em vào ban ngày và ban đêm xuất kích đánh địch. Quan trọng là phải có nơi để bám trụ được…”. Từ khi có địa đạo, lực lượng du kích ngày đêm bám đánh địch, chủ động phục kích chống một số trận càn vào các thôn Thái Nam, Tân Thái, Vĩnh Bình, giành thắng lợi, thu được vũ khí, đạn dược, tạo niềm tin và phấn khởi cho nhân dân.

Các nhân chứng lịch sử giới thiệu nơi khởi đầu đào địa đạo Kỳ Anh năm xưa. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG
Các nhân chứng lịch sử giới thiệu nơi khởi đầu đào địa đạo Kỳ Anh năm xưa. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG

Các ông Trương Văn Thanh, Lê Hòa, Đoàn Văn Tiến, Nguyễn Mạnh Hùng… đưa chúng tôi về Tân Thái để tìm lại những dấu vết của nơi khởi đầu địa đạo Kỳ Anh, nhưng tiếc rằng thời gian và chiến tranh đã xóa lấp đoạn địa đạo này, đến nay vẫn chưa khôi phục được. Đây cũng chính là niềm trăn trở của những người trong Đội công tác Kỳ Anh còn sống hôm nay. Bởi nếu không có đoạn khởi đầu địa đạo ấy rõ ràng việc bám trụ vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng kể: “Khi địch lấn chiếm lại Vĩnh Bình, Kỳ Anh bị chia cắt thành 2 mảnh Tân Thái và Ngọc Mỹ cho nên không thể hoạt động được. Lúc bấy giờ anh Ba Bia - Huyện đội trưởng Tam Kỳ đưa một trung đội về Tân Thái để chuẩn bị tiến đánh Vĩnh Bình. Địch biết nên cho 13 xe tăng và một tiểu đoàn về càn quét 3 ngày đêm liền nhưng không phát hiện được quân của Ba Bia, bởi đã được ém kỹ dưới địa đạo. Ban ngày địch càn quét, ban đêm anh Ba Bia đưa quân lên đánh rát mặt với địch, chúng chịu không nổi đành rút quân…”. Đó có thể nói là thành công lớn đầu tiên của việc khởi đào địa đạo Kỳ Anh.

Dấu ấn không phai

Từ kinh nghiệm và hiệu quả đánh địch của du kích địa phương và bộ đội huyện khi đào địa đạo ở Tân Thái, Đảng bộ xã Kỳ Anh lãnh đạo triển khai đào địa đạo trên địa bàn toàn xã, trở thành cao trào trong toàn dân. Khởi đầu từ Tân Thái rồi đến Thạch Tân - Vĩnh Bình - Mỹ Cang - Thái Nam - Ngọc Mỹ - Thăng Tân - Kim Đới... Bằng những dụng cụ hết sức thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, mủng, thúng, trạc và chiếu có sẵn…, dựa vào sức mạnh tổng hợp của nhân dân ở mọi lứa tuổi, cán bộ và du kích địa phương hình thành từng tổ, từng xóm, từng thôn thi đua lao động hăng say. Nhiều thôn địch càn quét và bắn phá không thể làm ban ngày thì ban đêm cán bộ, du kích và nhân dân tập trung đào địa đạo. Do địa hình địa chất khác nhau, có thôn đào khoảng 2km như Mỹ Cang vì đất cát sụt lún, nhưng có thôn đào quanh co 8 - 10km như Thạch Tân, Vĩnh Bình bởi ở đây ngoài lợi thế về cây cối rậm rạp, kênh mương, đình làng, nhà dân liền kề còn có lớp đất cóc vững chắc phía dưới bề mặt cát trắng…

Khi chúng tôi về địa đạo Kỳ Anh, thật tình cờ lại trùng với đợt huấn luyện dân quân tự vệ xã Tam Thăng. Theo chân các chiến sĩ tự vệ với phương án di chuyển có vũ khí trong lòng đất, chúng tôi bắt đầu hiểu ra câu chuyện thoắt ẩn, thoắt hiện tài tình khiến kẻ địch khiếp vía không kịp trở tay của du kích Kỳ Anh ngày nào. Và cũng từ việc “mục sở thị” lại càng thấm thía tâm sự của những cán bộ Đội công tác Kỳ Anh về tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết định sáng suốt của thủ trưởng Trần Minh Tuân đối với việc đào địa đạo ở thời điểm cách mạng Kỳ Anh nói riêng, vùng đông Tam Kỳ nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn…

Vào nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thăng, giữa hàng nghìn liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất này, thắp nén nhang trên mộ phần người cộng sản tham gia cách mạng từ tháng 8.1945 và đã hy sinh ngay trên quê hương mình vào tháng 8.1971, chúng tôi rất cảm phục người con đất Tam Thăng đã để lại tình cảm sâu sắc trong lòng đồng chí, đồng đội, nhân dân vùng cát và đã ghi đậm dấu ấn cá nhân của mình với Di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Kỳ Anh.

ĐẶNG TRƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người "khai sinh" địa đạo Kỳ Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO