Người khiếm thị làm kinh tế

VIỆT QUANG 03/08/2018 06:29

Những người khiếm thị trên địa bàn tỉnh đã nương tựa vào nhau, vươn lên xây dựng các mô hình kinh tế khá hiệu quả.

Người khiếm thị ở TP.Tam Kỳ xây dựng được mô hình kinh tế khá hiệu quả. Ảnh: V.Q
Người khiếm thị ở TP.Tam Kỳ xây dựng được mô hình kinh tế khá hiệu quả. Ảnh: V.Q

Vượt lên hoàn cảnh

Buổi sáng tại Hội Người mù TP.Tam Kỳ khá vắng vẻ, nhiều hội viên đã lên đường đi bán chổi đót. Ở đây, chúng tôi thấy có 2 nhóm người khiếm thị thực hiện các công đoạn làm chổi đót và mát xa. Ông Nguyễn Ngọc Bắc - Chủ tịch Hội Người mù TP.Tam Kỳ cho biết, đó là 2 mô hình phát triển kinh tế nổi bật của người khiếm thị trên địa bàn. Hiện tại, có 8 người khiếm thị tham gia làm chổi đót và 9 kỹ thuật viên mát xa làm việc ở 2 cơ sở là Hội Người mù TP.Tam Kỳ (613 Phan Châu Trinh) và số 270 Trưng Nữ Vương.

“Trung bình mỗi tháng, chúng tôi sản xuất, bán được 1.000 cây chổi đót, thu được 21 triệu đồng. Do giá nguyên liệu đót tăng cao trong thời gian gần đây nên mô hình này dù có thu lợi nhưng giảm so với mọi năm. Mỗi năm, chúng tôi có khoảng 7 nghìn lượt khách mát xa với giá 70 nghìn đồng/người, thu nhập cũng tạm ổn. Điều quan trọng nhất là anh em tự động viên nhau có thêm nghị lực để vượt lên hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống” - ông Bắc nói. Với nguồn thu từ 2 mô hình kinh tế, Hội Người mù TP.Tam Kỳ đã trả lương cho hội viên, đầu tư thêm trang thiết bị, và đỡ đần, chia sẻ những người khiếm thị khác trên địa bàn của 12 xã, phường. Từ sự giúp đỡ vật chất của các nhà hảo tâm, Hội Người mù TP.Tam Kỳ đã xây dựng thêm 6 phòng phục vụ mát xa và sẽ mở thêm nhiều chương trình mát xa mới là chườm đá, chườm ngải cứu, ngâm chân trong thuốc bắc.

Tại cơ sở mát xa số 270 Trưng Nữ Vương, vợ chồng anh Doãn Xy đều là người khiếm thị, miệt mài các công đoạn mát xa cho khách. Anh Xy cho biết, là một trong những người khiếm thị đầu tiên được Hội Người mù TP.Tam Kỳ tổ chức học nghề mát xa ở Trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh và Trường Y học cổ truyền Huế; sau khi học nghề thành công, anh Xy đã truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật lại cho những người khiếm thị khác cùng mát xa cho khách. “Trang bị đầy đủ tiện nghi, phòng ốc và kỹ thuật mát xa luôn được cải thiện, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Đến nay, thu nhập bình quân của mỗi kỹ thuật viên mát xa là từ 3 - 4 triệu đồng/tháng” - anh Xy nói. Với nguồn thu nhập ổn định, vợ chồng anh Xy đã xây được ngôi nhà khá tươm tất, 2 con của anh Xy đều được ăn học đàng hoàng.

Xóa đói giảm nghèo

Sau 10 năm triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo, Hội Người mù Quảng Nam đã đạt được nhiều thành quả. Nổi bật, hộ đói không còn, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 47,41% xuống còn 16,65%. Có nhiều đơn vị, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh là Duy Xuyên chỉ còn 1,37%, Đại Lộc còn 3,1%, đặc biệt người khiếm thị ở Hội An không còn hộ nghèo.

Ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Người mù xã Đại Cường (Đại Lộc) cho biết, hội luôn phát huy nội lực, triển khai tốt công tác xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua bằng những kế hoạch, phần việc phù hợp. Cụ thể, đã vận động những hội viên trẻ đi học chữ nổi, học nghề tăm tre, chổi đót, áp dụng hiệu quả, giải quyết việc làm cho 6 lao động với nguồn thu khá. Hội Người mù xã Đại Cường đã gắn kết, vận động các mạnh thường quân ủng hộ tài chính, xây mới 5 căn nhà và xóa 1 nhà tạm cho các hội viên. Khi có nguồn thu, người khiếm thị xã Đại Cường đều chắt chiu, gửi tiền tiết kiệm. Tỷ lệ hộ nghèo trong Hội Người mù xã đã giảm từ 37% trong năm 2017 xuống còn 17% vào thời điểm này. “Chúng tôi luôn lấy cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng” và chương trình “Hành động việc làm, xóa đói giảm nghèo” làm kim chỉ nam hoạt động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống không ngừng, tạo nền tảng để hội viên thoát nghèo bền vững thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả” - ông Thắng nói. Ông Đoàn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Người mù huyện Duy Xuyên cũng cho biết, các hội viên luôn tâm niệm là phải chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, đoàn kết với nhau, tự vượt lên chính mình để làm chủ cuộc sống. Các mô hình kinh tế hộ gia đình đã cho thấy hiệu quả trong thời gian qua, tạo cú hích cho các gia đình người khiếm thị thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Văn Xin - Chủ tịch Hội Người mù Quảng Nam cho rằng, trong mỗi người khiếm thị đều có khát khao học tập, lao động, hòa nhập, đóng góp trong cộng đồng xã hội. Bởi vậy, Hội Người mù cấp tỉnh đã triển khai các lớp đào tạo nghề cho các hội viên. Trong 10 năm qua, đã có 392 lượt người khiếm thị tham gia học nghề đan lát thủ công, đũa tre; đã có 106 người khiếm thị được đào tạo nghề mát xa. Đáng chú ý, nhờ vào tài trợ của các nhà hảo tâm, đã tổ chức 2 lớp định hướng di chuyển và phát gậy đi đường cho 46 người khiếm thị theo học, qua đó, làm quen với cuộc sống bên ngoài, thuận tiện cho hoạt động bán dạo tăm tre, chổi đót. Có thể kể đến trường hợp chị Phạm Thị Trang Huyện ở huyện Núi Thành, từ chỗ không có nhà ở, không có việc làm, sống nhờ vào bảo bọc của cộng đồng xã hội đã tự mua đất, xây nhà sau khi được học nghề làm chổi đót. Đến nay, chị Huyện tự thỏa thuận mua nguyên liệu đót, tự sản xuất, vận chuyển giao hàng cho đối tác cùng huyện với số lượng hàng hóa lớn.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người khiếm thị làm kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO