Người không buồn, ở núi...

ĐĂNG NGỌC 22/06/2023 10:43

(ĐS 21/6) - Vài tháng trước, chị báo tin vui: hai vợ chồng tậu được ngôi nhà nhỏ ở trung tâm thị trấn Prao (Đông Giang). Tôi mừng cho chị, bởi gần 20 năm gắn tuổi thanh xuân với núi, đây là lần đầu tiên tôi thấy chị giãi bày niềm hạnh phúc…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Vy.Ảnh: ĐĂNG NGỌC
Chị Nguyễn Thị Ngọc Vy.Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Tôi có tình cảm sâu đậm với chị. Một “phóng viên đài huyện” - như cách quen lâu nay chúng tôi thường nhắc về các đồng nghiệp ở cơ sở - luôn cháy hết mình vì đồng bào miền núi. Thông qua các tác phẩm báo chí mang đầy hơi thở cuộc sống, chị ghi dấu ấn “lửa nghề” bằng câu chuyện kết nối, tôn vinh gương sáng cộng đồng.

1. Tôi có thói quen, hễ lên cánh Đông Giang là gọi điện cho chị, phải ghé ngồi góc quán cà phê quen thuộc trước hiên nhà để hàn huyên. Ngôi nhà của chị nằm đối diện một trường tiểu học nên gần như lúc nào cũng đông đúc học sinh tìm đến.

Tận dụng lợi thế, chị kê thêm mấy chiếc bàn nhựa để sắp hàng quán cho đứa con trai tập làm quen với việc bán buôn. Có lần, tôi hỏi chị, sao không mở rộng quán cho đàng hoàng, nhưng lần nào cũng chỉ nhận lại nụ cười quen, kèm câu trả lời “để cho vui thôi mà”.

Tôi nợ chị món quà ân tình

Năm đó, đúng dịp hè 2008, tôi làm hồ sơ xét tuyển đại học. Mọi thủ tục đã hoàn tất, duy chỉ thiếu giấy chứng nhận sức khỏe. Tôi không đủ tiền để khám, ba vừa mới qua đời. Chị biết chuyện nên nhét vào túi tôi 30 nghìn đồng giục đi khám, kẻo trễ hạn nộp hồ sơ. Chính sự kiên quyết của chị khiến tôi không thể chối từ. Rồi tôi trúng tuyển, trở thành sinh viên đại học đầu tiên của làng. Chính lúc đó, tôi biết mình nợ chị một món quà ân tình, thật khó trả.

Tôi chưa thấy chị buồn bao giờ. Kể từ khi quen biết, chừng đâu hơn 15 năm trước, lúc nào cũng thấy chị khoan khoái hệt “địa chủ được mùa”.

Một đồng nghiệp của tôi nói, người phụ nữ sinh ra ở miền biển họ luôn vậy, cố giấu cảm xúc bằng niềm vui cuộc sống. Ngay cả đứng trước thời điểm khó khăn nhất, người ta vẫn luôn thấy sự hồn nhiên ở chị.

Bởi vậy, họ nói, ở góc núi mang tên “cây chò” (Prao - theo nghĩa Cơ Tu) này, chị là người không buồn nên gắn bó cả một thanh xuân đẹp đẽ với rừng.

Từ Tây Giang về, tôi tấp vào nhà chị, xin cơm. Vài món ăn được dọn ra, mang hương vị biển mặn mòi. Chị nói, vừa được chồng mang lên sau chuyến về quê Tam Tiến (Núi Thành) tuần trước... Tôi nhìn thấy niềm vui trong mắt chị. Người đàn bà đã qua tuổi 40, họ dường như không cần thứ giàu sang phù phiếm. Có nhà cửa, có chồng con và công việc ổn định… đã là niềm hạnh phúc tột cùng.

Nhớ hồi Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Đông Giang (nay sáp nhập thành Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện) bị chập điện gây cháy, nhiều cán bộ của đài, trong đó có chị, phải kiếm nơi tá túc. Cũng may, lúc ấy chưa chồng con. Sau tiếng nổ lớn, trong đêm khuya, chị cùng các đồng nghiệp hốt hoảng chạy khỏi hiện trường để lánh nạn, trở thành kỷ niệm đáng nhớ suốt hành trình ở lại non cao.

2. Bây giờ, Đông Giang đã là quê hương thứ hai của chị. Nếp sống, văn hóa Cơ Tu cũng một phần không thể thiếu trong câu chuyện của “người ở lại”. Gần 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp ra trường, một mình chị lặn lội đường rừng xin việc ở Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Hiên (cũ).

Lúc đó, Đông Giang cũng vừa tái lập, nhịp sống người dân không được như bây giờ nên quyết định ngược núi của chị được xem là hành trình đầy… can đảm với cô gái miền biển chỉ bước qua tuổi 20.

“Hồi đó, chị ở quê miết, có đi đâu mô. Rứa mà, khi nghe địa phương tuyển dụng phóng viên, chị liều nộp đơn, rồi may răng trúng, gắn bó từ đó đến chừ. Ở quê, họ cứ nghĩ miền núi ở mô đó xa vời lắm nên khi chị thông báo nộp đơn xin việc, người thân cũng đều lo lắng, tỏ sự ái ngại.

Nhưng tuổi trẻ mà, hừng hực lửa nghề nên chị quyết tâm lập nghiệp ở vùng đất mới. Dù trước mắt là gian khó, nhưng mình còn trẻ, cứ đi rồi mọi việc sẽ có cách hóa giải”. Chị kể về mình, về cơ duyên gắn bó với mảnh đất Đông Giang này. Những điều tưởng chừng đơn giản nhưng phải “máu lửa” lắm, người ta mới có quyết định táo bạo như vậy.

Tôi nhớ, lúc đó tôi còn đang là sinh viên báo chí tại Huế, cùng chị được mời dự hội nghị cộng tác viên Báo Quảng Nam. Mùa đông, mưa như trút nước, hai chị em dầm mưa quãng đường dài gần 200km từ Đông Giang về Tam Kỳ.

Năm đó, đoạn Dốc Kiền (giáp ranh giữa xã Ba, Đông Giang với xã Hòa Phú, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bị sạt lở núi nghiêm trọng, khiến toàn bộ lối đi bị tắc. Cố đẩy xe máy, chị động viên tôi gắng sức vượt qua vùng ải sình lầy. May sao trời thương, hai chị em thoát nạn khỏi trận lở núi bất ngờ chỉ trong giây lát sau đó.

Lần khác, tôi theo chân chị đến khu tái định cư Pachepalanh (xã Mà Cooih, Đông Giang). Ngôi trường được xây khá kiên cố, nhưng sau 2 năm đưa vào hoạt động đã xuất hiện nhiều vết nứt, vỡ, có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

Đó là năm 2009. Sau chuyến đi, từ gợi ý của chị, tôi viết nhanh bài “Vừa học vừa… run” đăng trên Báo Quảng Nam, rất được dư luận quan tâm. Sau này, khi đã là nhà báo thực thụ, trong chuyến công tác của mình, tôi luôn dành thời gian cà kê cùng chị. Những mẩu chuyện lúc gặp gỡ, trở thành dịp để chúng tôi ôn lại những ngày gian khó.

Chị là Nguyễn Thị Ngọc Vy - phóng viên Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Đông Giang, một người chị của tôi không bao giờ buồn, ở núi!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người không buồn, ở núi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO