Người kích hoạt nhân tâm

NGÔ MINH 25/09/2014 08:34

Khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa, Quảng Bình ngày nào cũng có hàng nghìn người đến viếng Đại tướng. Riêng những ngày lễ Quốc khánh 2.9 vừa qua có hàng chục nghìn người viếng. Một năm qua, những con đường mang tên Võ Nguyên Giáp đã được đặt ở nhiều thành phố, nhiều địa phương đã lập đền thờ Đại tướng. Người Thanh Hóa đúc trống đồng, kiếm, dâng lên Đại tướng, người Quảng Bình đang chuẩn bị xây khu tưởng niệm Đại tướng ở Vũng Chùa…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi đồng bào trong lần về thăm Điện Biên Phủ.Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi đồng bào trong lần về thăm Điện Biên Phủ.Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Nhà nước Việt Nam tuyên bố Quốc tang. Từ sau ngày Đại tướng mất (4.10.2013), ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội và ngôi nhà Đại tướng ở làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình, hàng triệu người dân, cựu chiến binh đến khóc viếng Đại tướng. Hàng chục nghìn người từ Sơn La, Tuyên Quang đã tìm về làng quê An Xá bên bờ Kiến Giang. Dòng người nối nhau như vô tận. Hàng nghìn cựu chiến binh từ Mường Phăng, Điện Biên, từ Tân Trào đi xe đò về 30 Hoàng Diệu viếng Đại tướng. Hàng chục vạn người từ Sài Gòn, các tỉnh miền Tây, Đà Nẵng, Huế, Ban Mê Thuột đã bay ra Hà Nội viếng Đại tướng. Hàng trăm chính phủ và tổ chức, cá nhân trên thế giới điện chia buồn. Ở các tỉnh, thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh và bà con đã lập bàn thờ để nhân dân viếng. Các nhà thơ Việt Nam đã làm nhiều bài thơ viếng, khóc tiễn Đại tướng. “Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/ Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử/ Thành Núi thành Mây thành Ruộng Đồng, Sông, Bể/ Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông” (Nguyễn Trọng Tạo). Đặc biệt, ngày 12, 13.10, Lễ truy điệu ở Hà Nội và Lễ án táng Đại tướng ở Vũng Chùa, Quảng Bình, là một cuộc tri ân  lớn của cả dân tộc. Hàng triệu người đứng chật hai bên đường phố Hà Nội đưa tiễn Đại tướng. Hàng triệu người đứng chật quốc lộ 1 đưa tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng ở núi Rồng - Vũng Chùa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, cả dân tộc Việt Nam xích lại gần nhau hơn, vì tài năng, công lao và đức độ của ông ở trong lòng dân như một vị Thánh. Vì Đại tướng là vị tướng của lòng dân, Đại tướng đã hóa Thánh giữa lòng dân! Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” là tư tưởng của Trần Hưng Đạo (Hội nghị Diên Hồng), Nguyễn Trãi (Nâng thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân), Hồ Chí Minh (Có dân là có tất cả)… được Đại tướng vận dụng, quán xuyến trong mọi suy nghĩ và hành động. Từ minh triết “lấy dân làm gốc”, lấy ít đánh nhiều lấy yếu thắng mạnh, Võ Nguyên Giáp đã đi đến những quyết định, những “điểm huyệt” trong tư duy quân sự vô cùng tài tình và hiệu quả. Đại tướng luôn quý từng giọt máu của chiến sĩ, nên từ trận đánh nhỏ đến những đại chiến dịch ông vẫn tìm cách đánh ít tổn thương nhất.

Ví dụ, trong chiến dịch Biên giới năm 1950, kế hoạch là đánh thị xã Cao Bằng. Sau khi trực tiếp đi thị sát tình hình địch, Đại tướng thấy đánh Cao Bằng khó thắng lợi vì bộ đội ta chưa quen đánh đội hình trên một tiểu đoàn, lại cách sông, đồn bốt địch vững chắc, nếu đánh Cao Bằng bộ đội sẽ phải hy sinh nhiều. Suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng Võ Nguyên Giáp quyết định đánh Đông Khê. Đông Khê giải phóng. Địch tháo chạy, bỏ luôn cả Cao Bằng, mở thông biên giới, giảm bớt hy sinh của bộ đội.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phương án “đánh nhanh thắng nhanh” đã được thông qua, giờ nổ súng đã định. Qua nhiều đêm trăn trở, Đại tướng đã quyết định thay đổi cách đánh sang “đánh chắn thắng chắc”. Đại tướng tâm sự: “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi là “kéo pháo ra”, thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Cái gốc sâu xa của quyết định là “lấy dân làm gốc”, lấy chiến thắng nhưng hy sinh ít sinh mạng chiến sĩ làm gốc. Bởi thế mà có rất nhiều vị tướng sau này đã thốt lên rằng, “nếu anh Văn không thay đổi cách đánh thì chúng tôi sẽ không sống sót ở Điện Biên để sau này mà đánh Mỹ”.

Võ Nguyên Giáp vốn là một thầy giáo dạy sử. Và như Đại tướng đã nói: “Nếu không có chiến tranh thì tôi vẫn là một thầy giáo dạy sử”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử dân tộc như một Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, trở thành danh tướng mọi thời đại. Đại tướng là vị tướng  mà cựu thù cũng phải cảm phục và kính trọng. Tướng Mỹ gọi Võ Nguyên Giáp là “vị tướng 5 sao”. Suốt đời ông luôn giữ nét nhân văn, lấy nhân tâm làm gốc. Một cựu chiến binh Hà Nội đã có câu đối rất sâu sắc tặng Đại tướng: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Đại tướng lại thanh thản trở về cuộc sống đời thường, sống thanh bạch, bình dị giữa lòng dân. Sự ra đi của Đại tướng mang lại mầm sống, kết nối nhân dân Việt Nam thành một khối, làm cho con người gần nhau hơn, hợp thành một dòng chảy mạnh mẽ. Một khu lưu niệm khang trang, đền thờ Đại tướng ở núi Rồng đang được hoạch định xây dựng. Đã có rất nhiều thành phố trong cả nước đặt tên Đại tướng cho những con phố đẹp nhất. Rồi sẽ có nhiều trường học mang tên Võ Nguyên Giáp. Đó là sự kích hoạt nhân tâm từ biểu tượng Võ Nguyên Giáp.

NGÔ MINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người kích hoạt nhân tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO