Người "lạ" ở phố "quen"

C.B.L 04/12/2018 01:58

Để chính thức công bố đề án “Hội An - nhân tình thuần hậu” vào tối nay 4.12, chính quyền và ngành VH-TT TP.Hội An đã tổ chức điều tra xã hội học, khảo sát các cơ sở khoa học từ hơn 1 năm trước. Cần thêm thời gian để người dân góp sức với 9 nội dung vận động, nhưng qua đó cũng hé lộ câu chuyện thời sự: có một Hội An… không còn như cũ.

Những giá trị văn hóa tốt đẹp và tính cách thuần hậu, tử tế vốn có của người Hội An dần bị phai nhạt. Người Hội An ngày nay ít nhiều trở nên thực dụng hơn. Các thông tin và hình ảnh thiếu tích cực về đời sống xã hội trở nên phổ biến hơn. Những diễn biến xấu có nguy cơ lấn át sự tử tế trong văn hóa Hội An… Đây là những mối lo lắng mơ hồ được chính quyền TP.Hội An “gọi tên”, không hề né tránh, về lý do công bố đề án trong thời điểm rất ý nghĩa: Ngày 4.12, ngày Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (năm 1999).

Trong nhóm nội dung đưa ra vận động người dân Hội An khôi phục những giá trị tốt đẹp xưa cũ về lối sống, cách đối nhân xử thế, chúng tôi chú ý mục 3 (Nhường đường, chào tiễn biệt,… khi gặp đám tang) và mục 9 (Cố gắng làm nhiều việc tốt, việc có ích hàng ngày). Không hề định lượng, những mối quan tâm kia phần lớn định tính nhưng lại có sức nặng của một thế hệ biết trăn trở.

Ai cũng biết rõ lịch sử mấy trăm năm của phố Hội, nơi hội tụ an lành, mảnh đất  hội nhân hội thủy hội văn. Có điều, trong quá khứ, chính yếu tố đa văn hóa đã được người xưa tiếp biến, cộng cảm, cộng sinh, cộng cư và hình thành nét văn hóa rất riêng, như câu ca “Hội An đất hẹp người đông/ Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu”. Nhưng, như một nghịch lý, ở thời hiện đại, chính yếu tố cộng sinh lại đẩy Hội An đối diện nguy cơ phai nhạt bản sắc. Người nơi khác đến ở ngày càng nhiều, đương nhiên kéo theo những “giao lưu”, “tiếp biến” mới, trong khi yếu tố trội của phố Hội không còn chiếm thế thượng phong…

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An, bảo rằng mình đã quan sát Hội An từ nhỏ và tiếc nuối nhận ra những nét đẹp xưa không còn nhiều. “Thượng chùa Cầu/ hạ Âm Bổn”, hiểu theo lối định vị một vùng đất chật hẹp, thì ở dưới Âm Bổn có đám tang thì trên chùa Cầu cũng biết, trên này có ai cãi cọ thì dưới kia cũng nghe. Hiểu xa hơn, tính cộng đồng đã thành nếp ở vùng đất mở… Bây giờ thì sao? Hãy xem lại yếu tố nhân chủng học. Hơn 200 ngôi nhà cổ đã bán cho chủ khác, chưa tính những nhà cổ cho thuê. Quá nhiều người lạ đang hiện diện ở phố quen.

Đã có đủ lý do để tìm liều “kháng sinh” cho phố Hội, để vừa giữ phố, vừa khơi dậy những điều tốt đẹp đang rơi vào lãng quên…

C.B.L

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người "lạ" ở phố "quen"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO