Người lái đò trên dòng Vu Gia

VŨ CÔNG ĐIỀN 20/07/2023 07:48

Cuối năm 1966, một tốp lính Mỹ từ Ái Nghĩa tiến về bến đò Lâm Phụng với tiếng còi xe hú inh ỏi, vừa đến nơi bọn chúng bắt cô lái đò đưa lên xe và tưới xăng đốt con thuyền. Trước khi xe chuyển bánh hướng về nhà lao Ái Nghĩa, cô lái đò nhìn lại con thuyền đang bốc cháy ngùn ngụt, ngọn lửa như truyền thêm sức mạnh cho lần đấu tranh sinh tử này!

Bà Bửu kể, đã dùng cây đèn dầu này làm ám hiệu đón cán bộ ngày xưa. Ảnh: V.C.Đ
Bà Bửu kể, đã dùng cây đèn dầu này làm ám hiệu đón cán bộ ngày xưa. Ảnh: V.C.Đ

Đó là chuyện về bà Võ Thị Bửu (79 tuổi, thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, Đại Lộc), người gần 10 năm đưa đò trên dòng Vu Gia chở hàng ngàn lượt bộ đội, cán bộ qua sông đi làm nhiệm vụ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Những năm tháng khốc liệt

Ngày ấy cô gái Võ Thị Bửu vừa tròn 20 tuổi, với tình yêu quê hương và lòng căm thù giặc, cô đã tham gia vào đội du kích xã Lộc Quang (nay là xã Đại Đồng).

Để bảo vệ Đà Nẵng, năm 1965 Mỹ tăng cường củng cố các tiền đồn ở vùng A như Thượng Đức, Núi Lở, Ái Nghĩa… Rồi Mỹ ngụy lập nên những khu dồn dân, tạo nên những vùng trắng không dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân vùng A cũng như xã Lộc Quang đã vùng lên đấu tranh.

Và người luôn đi đầu trong những cuộc đấu tranh của đội quân tóc dài tại đồn Núi Lở là Võ Thị Bửu. Địch đối phó với những cuộc đấu tranh của chị em bằng roi điện, lựu đạn cay. Nhưng những câu khẩu hiệu vẫn vang lên nơi đồn Núi Lở: “Hãy trả dân về làng cũ. Chúng tôi không ở khu dồn”… Mặc dù bị tra tấn đánh đập, nhờ sự động viên của Bửu, các chị thà chết chứ không chịu khuất phục kẻ thù.

Qua nhiều lần đấu tranh, địch bất lực và trả dân về làng cũ. Có dân là có quân, ngoài đấu tranh chính trị của chị em, bộ đội cùng du kích đã nhiều lần chặn đánh, bẻ gãy những cuộc càn quét vào làng. Rồi tiếp tục các cuộc đấu tranh của chị em vẫn diễn ra, và Bửu là người dẫn đầu. Ngoài chiến đấu chống giặc giữ làng, bà con còn tập trung sản xuất lương thực cung cấp để nuôi quân.

Con thuyền, ngọn đèn

Bến đò Lâm Phụng xã Lộc Quang thời đó là nơi đưa đón những đoàn quân và cán bộ từ Trường Sơn về vùng A Đại Lộc và cánh bắc Hòa Vang công tác. Để an toàn cho cán bộ và bộ đội qua sông, lãnh đạo xã Lộc Quang giao cho Võ Thị Bửu chuyên trách đưa đò.

Bến đò Lâm Phụng cách đồn Núi Lở độ 5km và địch thường phục kích nên việc đưa đò chỉ diễn ra ban đêm. Để những chuyến đò vào đêm thông suốt qua sông, ban ngày cô Bửu kết nối với dân làng cùng cảnh giới địch.

Dọc bến đò Lâm Phụng cả lũy tre phủ kín bờ sông, nên việc cất giấu thuyền, địch khó phát hiện. Trên chiếc thuyền của Bửu, lúc nào cũng có cây đèn dầu. Những đêm không địch, trên thuyền cô thắp đèn lên. Bên kia sông nhìn thấy ánh đèn lập lòe dưới lũy tre liền phát ám hiệu là 3 lần bật lửa, thế là cô chèo thuyền qua đón đoàn sang sông.

Nắng cũng như mưa, những chuyến đò đêm của Võ Thị Bửu đưa bộ đội qua sông Vu Gia đều an toàn. Bẵng đi thời gian, đêm về đoàn công tác ra sông không còn nhìn thấy ánh đèn lập lòe bên kia sông, mới hay cô Bửu đã bị Mỹ bắt.

Bị chỉ điểm, vào một sáng cuối đông 1966, một tốp lính Mỹ từ đồn Ái Nghĩa cùng chó becgie tiến về bến đò Lâm Phụng. Hôm đó cô Bửu cùng 2 người dân đang chở bắp vừa cập bến, cất giấu xong mái chèo và chuyển bắp lên bờ thì chúng ập đến bắt cô. Chúng trói cô kéo lên xe và tưới xăng đốt con thuyền.

Đêm đầu tiên trong nhà lao Ái Nghĩa, bọn địch thay phiên tra tấn với mọi hình thức, nhưng cô Bửu nhất quyết bảo: “Đưa đò là chuyện mưu sinh, ai cần đi tôi chở - kể cả gia đình mấy ông. Tôi không biết cộng sản chi hết!”.

Rồi chúng hỏi qua chuyện dẫn đầu đoàn phụ nữ về Núi Lở đấu tranh, Bửu nói thẳng: “Người dân chúng tôi sống với ruộng vườn, không quen ở trại tập trung, không có đất canh tác lấy gì mà ăn, nên bà con đòi trở về làng cũ”. Qua hơn nửa tháng tra tấn, dụ dỗ tại nhà lao, kẻ thù đành bất lực với ý chí kiên cường, khôn khéo của Bửu, phải thả cô vào giữa tháng 1/1967.

Và tình yêu

Chiến trường ngày càng khốc liệt, được sự chi viện của bộ đội địa phương, thế và lực của ta rất mạnh. Trong niềm vui chung có niềm vui riêng. Có những đêm cô Bửu đưa cả chục chuyến đò qua sông, làm sao nhớ hết từng người trong đêm.

Nhưng người du kích xã Lộc Vĩnh (nay là xã Đại Hồng) tên Cao Văn Cơ hằng đêm dẫn đường đưa đoàn ra sông đã thầm yêu cô Bửu. Gian khó, ác liệt là thế, nhưng tình yêu đôi lứa vẫn nảy nở như lẽ tự nhiên và họ luôn động viên nhau trong công tác.

Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 kết thúc, hai người tổ chức đám cưới, sau khi sinh đứa con đầu lòng gửi về cho nội, cô Bửu trở lại với công việc đưa đò như thường lệ.

Đến năm 1973 vợ chồng cô có 3 con, tuy bận rộn công việc gia đình, nhưng đêm về cô lại chong đèn trên ghe, đón đoàn công tác qua sông. Bửu cũng làm giao liên đưa thư từ quê nhà ra Đà Nẵng cho cơ sở cách mạng. Ngày 26/12/1973, vừa trao thư xong, trên đường trở về thì nghe tin chồng cô hy sinh tại trận đánh địch ở thôn Bàn Tân, xã Lộc Quang.

Nén đau thương cô trở lại công việc đưa đò, và lần này Bửu được điều qua đội vận chuyển lương thực cho chiến dịch Thượng Đức. Đêm về cô cùng các thuyền vận chuyển lương vào Ba Khe để thanh niên xung phong nhận đưa về cho bộ đội tại núi An Định.

Sau chiến dịch giải phóng Thượng Đức ngày 7/8/1974, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chồng hy sinh, cha mẹ già yếu và con nhỏ dại, Bửu xin chuyển qua công tác phụ nữ xã, một thời gian thì miền Nam được giải phóng. Lúc này sức khỏe của cô quá giảm sút, do di chứng của những lần ở tù bị tra tấn, lãnh đạo địa phương cho cô nghỉ công tác để dưỡng bệnh.

Đó là chuyện về bà Võ Thị Bửu thời xuân sắc. Bây giờ, dù vẫn hay đau ốm và nỗi ám ảnh về sự mất mát trong chiến tranh vẫn còn nhưng bà cho biết rất vui vì gia đình đã góp một phần nhỏ để có độc tập tự do. Bà nói, gia tài của mình ngoài con cháu trưởng thành còn có hai báu vật, đó là mái chèo và cây đèn dầu gắn bó thuở nào trên dòng Vu Gia...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người lái đò trên dòng Vu Gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO