Người làm báo... một mình

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 21/06/2016 09:06

Qua những năm làm việc trong lĩnh vực báo chí, tôi được quen biết nhiều đồng nghiệp. Về mặt chuyên môn, có người thì tài hoa trong công tác tổ chức trang hoặc cẩn trọng trong việc “bếp núc” ở tòa soạn, có người thì biên tập chu đáo hoặc tác nghiệp nhanh, có người thì đi nhiều - viết khỏe… Trong đạo đức nghề nghiệp, mỗi một người được tiếp xúc, đều có điều gì đó có thể “rút ra”, để… từ từ răn dạy chính bản thân. Tóm lại, nếu muốn học, thì… học mãi không hết. Không bao giờ đủ. Như thế, cũng có nghĩa là… nhớ những người bạn ấy rất lâu. Nhưng có một người tôi nhớ rất dai, người mà tôi gọi bằng cái “hỗn danh” là người-làm-báo-một-mình.

Một mình “bao sân”

Khoảng 30 năm trước, Sài Gòn có thể gọi là đất lành của hoạt động báo chí, như truyền thống phát tích - lịch sử của nó (nếu ta nhớ lại tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định Báo). Có những tờ báo của các nơi khác, tuy mang tên của địa phương mình, nhưng lại được thực hiện ở Sài Gòn. Có nghĩa là, những hoạt động tác nghiệp như lấy tin, viết bài, lên trang, ấn loát, phát hành… đều diễn ra tại thành phố đông dân nhất nước này. Là thế, nhưng trong “tổng quân số”, thì số lượng cán bộ - nhân viên của tờ báo phần lớn vẫn nằm tại địa phương mình, còn số cư trú ngay tại thành phố thì rất ít. Nhưng riêng với tờ báo Long An cuối tuần, thì chỉ có mỗi một mình anh.

Một mình, nghĩa là… chỉ có một người. Một người, thì không cần có trụ sở để làm tòa soạn. Tòa soạn, anh “mượn” ở các tờ báo khác. Đó là các căng-tin ở trong hoặc bên cạnh các tòa soạn. Ở những nơi ấy, buổi sáng anh đến uống cà phê, và làm việc luôn; trong khi vẫn thong thả nhìn cà phê… thánh thót rơi. Nơi ấy, anh trả nhuận bút, giao báo biếu cho đồng nghiệp ở các tờ báo bạn hoặc các nhà báo tự do (không nhận lương của báo nào), nhận bài mới và “đặt hàng” bài viết cho các số báo sắp đến. Nhuận bút đều có ghi phiếu rõ ràng, đầy đủ chi tiết về tên bài, tác giả, số tiền… Và do chính anh viết chứ chẳng có phụ tá nào cho những việc gọi là “linh tinh” ấy. Thời ấy chưa có mail như sau này: tin - bài đều viết tay trên giấy. Khá lắm, là bằng bản đánh máy. Đối với bài của cộng tác viên, anh cầm lên, lướt rất nhanh. Bài nào “xài” được, anh bỏ vào cái sắc-cốt bằng vải luôn đeo bên hông. Bài nào “không phù hợp”, anh giao ngay lại cho tác giả, đặng họ có thể “chạy” ở các báo khác, kẻo mà chậm, thì trượt luôn (vì đặc điểm của phần lớn các bài báo vốn thời sự mà). Còn nhớ có lần giao bài báo tết, do biết rằng vào thời điểm này, số lượng bài vở tăng lên rất nhiều (vì làm báo xuân song song với cả báo ra đều kỳ), tôi bảo: Từ từ đọc sau cũng được. Anh cười nhẹ: Vậy thì mất công cả anh và tôi. Mà còn để cho anh có thời gian gửi báo khác nữa chứ, nếu tôi không “đi” được. Chưa thấy ai “duyệt” bài nhanh như thế!

“Ông chủ” Long An cuối tuần

Tòa soạn của anh, là căn phòng ở của anh. Trên cái bàn làm việc ấy, anh làm tất cả: phân bố chuyên mục, sắp xếp nội dung trang báo, cả vẽ maquette nữa. Đối với những trang bị “lủng” (thiếu bài), anh viết… lấp chỗ trống luôn. Dịch bài nữa. Vì báo nào cũng phải có thông tin quốc tế, cả thời sự chính trị thể thao… Hồi ấy, chưa có internet. Dịch, là dịch từ báo nước ngoài gửi về bằng đường hàng không. Ở cái mảng này, tất nhiên là có những cộng tác viên chuyên nghiệp, nhưng đôi khi vẫn bị “lủng”. Nhân tiện, nói thêm rằng, dù làm báo một mình, anh vẫn sắp xếp thời gian để viết và dịch. Nghĩa là, anh vẫn luôn nhớ mình là người-cầm-bút.

Xong tất cả công đoạn, anh gửi về dưới tỉnh, để in tại Long An, cách Sài Gòn khoảng gần 50 cây số. Tất nhiên, là còn các khoảng chừa trống, cho đồng nghiệp tại đây tải lên các tin - bài về địa phương mình…

Thời điểm năm 1991 ấy, tờ báo Long An cuối tuần do anh cáng đáng có số “tia-ra” khoảng 40.000 bản mỗi kỳ. Đó là một con số phát hành cao, trong làng báo Sài Gòn lúc đó (nếu ta biết rằng, vào năm 1988-1989, số phát hành của báo Tuổi Trẻ vào khoảng 50.000 bản, ba số mỗi tuần chứ chưa phải là nhật báo, như về sau này).

Nhưng điều khiến anh em “nhớ dai”, là cách quan niệm sống và cách hành xử của anh. Với công việc như thế, có thể gọi anh là ông chủ báo; và những cộng tác viên không hưởng lương như chúng tôi, theo cách nói vui, là… lính của anh. Nhưng anh không hề tỏ ra có chút gì là “sếp” cả. Một phần, vì trong nhóm cộng tác vẫn ngồi cà phê với anh (như các anh Bích Phượng, Lương Thái Sĩ…) đều lớn tuổi hơn anh; nhưng cái chính, là do anh biết “kính trên nhường dưới”. Anh cho rằng, sống và làm việc, là để cho một ngày mai tốt hơn, và đừng hỏi “ngày mai ra sao”, mà nên dặn lòng là hãy muốn ngày mai ra sao. Làm báo giỏi như thế, nhưng anh không “khiêm tốn giả vờ” khi cho rằng, thành công của bản thân chỉ có 50%, còn công lao của người khác là 50%. Cho nên, phải “chia lộc trời” những gì mình nhận được và cố gắng không đem đến cho người khác điều mà bản thân không muốn ai gây ra cho mình.

Những năm tiếp theo, với sự tiến bộ về phương tiện-kỹ thuật, báo chí có những bước nhảy vọt, anh chuyển sang làm một tờ báo có nội dung chuyên môn về lĩnh vực truyền thông hiện đại; số phát hành cũng rất cao.  Nhiều năm không gặp, không biết bây giờ anh làm gì? Nhưng tôi tin rằng, anh không rời nghề báo, bởi vì đó là cái tạng của anh, hoặc gọi đó là cái “nghiệp” của anh cũng không sai. Nhiều năm không gặp, vẫn nhớ dáng người thanh mảnh, phong thái ung dung nhẹ nhàng và ánh cười sau cặp mắt kiếng cận thị của anh. Không có cái “vẻ” của một số nhà báo, giờ đây. Mà mang dáng dấp như một nhà giáo. Hoặc như một người lao động bình thường.

Anh sau tôi khoảng dăm bảy tuổi đời, là một trong những người mà tôi nể phục, trong nghề báo.

Tên anh là Phạm Hồng Phước.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người làm báo... một mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO