Tại một làng chài ven biển An Bàng hiu hắt, Lê Ngọc Thuận (Cẩm An, TP.Hội An) khởi nghiệp với mô hình homestay độc đáo đã giúp bản thân và cộng đồng có một lối đi riêng, tạo điểm đến ưa thích của khách du lịch.
Anh Lê Ngọc Thuận tại một hội thảo về khởi nghiệp tổ chức ở Hội An. |
Phát huy tiềm năng
Năm 2012, làng chài ven biển An Bàng chỉ như bao làng chài ven biển miền Trung khác, chỉ có cát, nắng và gió. Người dân ở đây quanh năm bám trụ với biển, quần quật bên tấm lưới, mớ cá con tôm. Vì thế, chuyện làm du lịch là điều gì đó xa lạ. Ngay cả anh Thuận cũng không tin làng mình có thể “kiếm sống” nhờ du lịch. Trước đó, người đàn ông có làn nước da rám nắng này hài lòng với việc kinh doanh, quản lý một nhà hàng trong thành phố. Cho đến một ngày, một người bạn ngoại quốc của Thuận đưa ra lời tư vấn về việc khai thác du lịch ở ven biển An Bàng. Anh Thuận rất hào hứng trước lời khuyên đó nhưng cũng bối rối khi nguồn vốn thực sự eo hẹp. “Nhưng rồi người bạn đó bảo với tôi rằng chỉ cần cải tạo lại một chút những ngôi nhà ở làng chài này là khách nước ngoài đã thích thú rồi đó, thấy có lý nên tôi bắt tay vào dự án ngay” - anh Thuận bộc bạch.
Một góc thiết kế theo hướng dân dã mà tinh tế gắn với văn hóa làng biển An Bàng do anh Thuận sở hữu. |
Việc thuê đất, thuê nhà ở thời điểm ấy tại làng chài An Bàng không quá khó khăn với chi phí tương đối rẻ. Với vài chục triệu đồng ít ỏi trong tay, anh Thuận dùng vào việc thuê nhà, cải tạo cơ bản lại không gian, nội thất và khởi nghiệp chỉ với 3 phòng cho thuê. Không tiện nghi cao cấp, không dịch vụ sang trọng, thứ mà Thuận hút hồn du khách chính là văn hóa bản địa. Ngay từ đầu, chàng trai 38 tuổi này đã chọn giữ lại những vườn cây, giếng nước, chọn cái thúng, tấm lưới làm sản phẩm để phục vụ cho du khách thập phương. “Có lần du khách ghé một mái nhà tranh trong làng để ăn uống, chỗ ngồi của họ khá xuề xòa, thậm chí lấm lem cát nhưng trong họ không hề biểu lộ sự khó chịu mà ngược lại vô cùng thích thú” - anh Thuận chia sẻ.
Từ vài ba căn phòng thô sơ, sau hơn 5 năm, anh Thuận đã có thể xây dựng homestay hay nhà hàng – bar tinh tế hơn, tốn kém hơn nhưng vẫn trung thành với lối thiết kế mộc mạc, đơn giản như ban đầu. Những chất liệu chính tạo nên các căn “biệt thự” của anh Thuận vẫn là gỗ, tre, lá... Du khách đến đây vẫn sẽ được giao tiếp với những con người chân chất, được hòa mình cùng lũ trẻ làng biển hay trải nghiệm với công việc gỡ lưới, câu cá cùng ngư dân làng chài. So với hàng trăm homestay khác đi trước và có tiềm lực hơn, rõ ràng phải có sự khác biệt thì ở thời điểm bắt đầu, cơ sở của anh Thuận mới được khách hàng đón nhận và quảng bá rộng rãi. Nói cách khác, với homestay mang hơi hướng làng chài ven biển, Thuận đã có một lối đi mới để hòa quyện cùng những phong cách homestay đồng quê, cổ điển… trên địa bàn TP.Hội An, tạo ra những dịch vụ du lịch đặc trưng của đô thị cổ.
Văn hóa là điều cốt lõi
Từ những ngày đầu tiên khi nhận thấy sự triển vọng của mô hình, Thuận đã tích cực giúp sức để những ngư dân “tay ngang” có tâm huyết làm du lịch. Có 6 mô hình homestay khác được Thuận tư vấn, thiết kế, hỗ trợ quản lý vận hành trong suốt 5 năm liền để rồi năm 2017 vừa qua, anh đã chuyển giao lại cho họ chính thức làm chủ của những cơ sở lưu trú này. Và từ đó, niềm vui đến với làng chài khi vào năm 2017, Tổng cục Du lịch trao giải thưởng “Khách sạn xanh ASEAN” giai đoạn 2016 - 2018 cho cụm homestay ven biển này.
Từ những người làm thuê, không ít người dân ở đây đã tự chủ được cơ sở du lịch của mình nhờ vào sự giúp sức của anh Thuận và có thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Điều cốt lõi anh Thuận muốn gửi gắm đến những người dân này chính là việc phải bảo tồn văn hóa bản địa và dùng chính văn hóa đặc trưng của làng chài An Bàng để níu chân du khách. “Điều mà tôi lo lắng trong tương lai là người dân sẽ không còn giữ được đặc trưng của các homestay theo phong cách dân dã bởi các xu thế mới” - anh Thuận trăn trở.
Đi qua nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á để tìm hiểu cách làm du lịch cộng đồng của họ, anh Thuận rút ra rằng dù cho là đất nước hiện đại đang phát triển, người nước ngoài cũng cố giữ được cái văn hóa bản địa đặc trưng của vùng nhiệt đới để hút khách du lịch. Anh Thuận cho biết, đây là vốn rất quý và tại nhiều làng quê Việt Nam còn lưu giữ, nhưng có vẻ phần đông người dân địa phương khi khai thác lại chưa có ý thức để bảo tồn nó. Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của anh Thuận - Chủ tịch Hội homestay Quảng Nam, ở khu vực ven biển An Bàng đã có khoảng 50 homestay, một con số khó tin kể từ lúc Thuận “bập bõm” tạo ra homestay dựa vào văn hóa của làng chài này. “Tôi chỉ mong muốn cộng đồng đừng vì lợi ích trước mắt mà xóa đi những nết văn hóa ấn tượng từ bao đời nay của làng biển. Chỉ có dựa vào nó, phát huy nó thành những sản phẩm đặc trưng thì mới mong níu chân khách lâu dài, mới mong làm du lịch bền vững” - anh Thuận trải lòng.
QUỐC TUẤN - MINH QUÂN