Nửa đêm gà gáy, khi có cuộc gọi nhờ, không ít người trong số họ sẵn sàng lên đường đi… cho máu. Chuyện nhỏ mà không nhỏ, thảo thơm như tấm lòng người dân quê nơi này.
Ông Trần Rê (trái), người hiến máu nhiều lần nhất ở xã Đại Cường.Ảnh: T.C |
Vô địch về hiến máu
Chuyện hiến máu giờ không còn lạ, bởi ý nghĩa và hiệu ứng đã lan tỏa khắp thành thị, nông thôn, đến tận những vùng sâu, vùng xa. Nhưng ít nơi nào phong trào hiến máu lại được người dân đón nhận nhiệt tình như ở xã Đại Cường (Đại Lộc). Ở nơi này, có hẳn một “ngân hàng” máu sống khá hùng hậu. Trong số đó, rất nhiều người có hàng chục lần hiến máu.
Ông Nguyễn Văn Tám - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường nói, mỗi lần có thông báo vận động hiến máu, là y như rằng bà con giành nhau đi, nhiều lần vượt quá chỉ tiêu. Chuyện khá lạ ở một xã phần lớn làm nông. Ông Tám làm chủ tịch hội, cứ mỗi lần xuống cơ sở, lại nghe í ới hỏi thăm khi nào có đợt về hiến máu để… đi cho vui. Người quê, nói như giỡn, nhưng mà làm thiệt. Ông nhẩm tính, mỗi năm, có sơ sơ… hơn 100 người dân ở xã này hiến máu. “Nói không phải than, chứ hầu như năm nào Đại Cường cũng chìm trong lụt, thiệt hại đâu có nhỏ, đời sống nơi này nơi kia cũng còn lắm khó khăn. Nhưng mà riêng khoản hiến máu thì nơi này thuộc dạng... nổi tiếng” - ông Tám nói. Dường như, đó đã trở thành một niềm tự hào không chỉ của riêng ông Tám. Tôi nhìn lên tường căn phòng nhỏ của Hội Chữ thập đỏ xã, kín đặc những lá cờ, bằng khen. Trên bàn, còn nguyên một chồng bằng khen, giấy khen, phần lớn là từ thành tích hiến máu của xã nhà.
Câu chuyện hiến máu ở Đại Cường bắt đầu vào khoảng hơn 10 năm trước. Dạo đó, bà con còn xa lạ lắm với việc cho máu cứu người. Không nắm rõ, nên cuộc phát động lần đầu tiên, chỉ được dăm ba người là cán bộ ở thôn, với vai trò… làm gương tham gia. Bà con thì e ngại, thậm chí lo sợ. Dân quê, ăn uống kham khổ, đâu phải sung sướng gì mà dư dả máu để cho. Rồi sợ bệnh tật, sợ lấy máu xong người xanh xao, đau ốm…, đủ thứ tin đồn khiến người này người kia không mấy mặn mà. Ngay cả những người đầu tiên hiến máu cũng không thoát khỏi những suy nghĩ đó. Biết được tâm lý bà con, chính quyền xã phân công người tìm hiểu tài liệu, soạn hẳn chương trình để phát trên loa phóng thanh. Các cuộc họp ở thôn, ở tổ cũng đem chuyện hiến máu ra tuyên truyền. Nhưng mọi kênh tuyên truyền, hóa ra không hiệu quả bằng chính những người đã từng đi hiến máu vận động người chưa đi. Hiến máu xong đợt đầu, họ vẫn… khỏe re. Nhiều người vài tháng sau còn mập mạp hẳn ra. Từ đó, họ truyền tai nhau, người chưa đi thì đi để biết nhóm máu, xác định tình trạng sức khỏe thông qua việc thử máu. Người đi rồi thì… tự tin hẳn, đến đợt vận động sau cách chừng nửa năm lại xung phong đi tiếp. Cứ thế, phong trào lan khắp từng ngõ, từng nhà, bà con cứ thế xông pha đi… hiến máu.
Sự sống cho đi...
Từ những ngày đầu còn phải đi từng nhà, từng ngõ vận động, Đại Cường giờ đã trở thành ngân hàng máu sống cho nhiều cơ sở y tế, bệnh viện. Phong trào phủ sóng từng thôn, Đại Cường liên tục dẫn đầu huyện Đại Lộc và là địa phương có thành tích xuất sắc trong hiến máu nhân đạo. Nhiều thôn như Quảng Đại 2, Thanh Vân… có hàng chục hộ gia đình đều đặn tham gia hiến máu và là thành viên của ngân hàng máu sống. Ông Tám kể, có lần, nhận thông tin một ca bệnh nguy cấp cần nhiều máu hiếm, xã thuê hẳn một chiếc ô tô chở hơn 10 người ra TP.Đà Nẵng ngay để cho máu. Bệnh nhân được cứu sống nhờ chuyến đi đầy nghĩa tình đó, riêng số người hiến máu… dư, nên họ quay về khi chưa được hiến máu song vẫn chẳng nề hà.
Ông Trần Rê (thôn Quảng Đại 2), dù tuổi đã ngoài 50 nhưng lại là “kiện tướng” của phong trào hiến máu ở xã Đại Cường, với 26 lần hiến máu. Ông Rê kể, năm 1998, khi đang làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, ông tham gia đưa một người Đài Loan bị tai nạn giao thông đến bệnh viện. Sau khi vào cấp cứu, bệnh viện yêu cầu “người nhà” hỗ trợ máu, dù không phải là thân nhân nhưng ông Rê vẫn vào thử máu. Rất may cùng nhóm máu với bệnh nhân, ông vào hiến máu luôn cho người Đài Loan kia. Từ chuyến đi đó trở về, ông luôn tham gia hiến máu tại địa phương. “Tôi thấy hiến máu xong vẫn bình thường, sức khỏe có phần cải thiện hơn sau vài tháng nên không lo sợ gì cả. Thấy tôi đi hiến máu nhiều lần, nhiều người còn nghi ngờ tôi… bán máu lấy tiền, còn quở trách nếu thiếu thốn thì tìm cách lao động mưu sinh chứ đừng đi bán máu. Nghe rứa tôi cười, rồi cũng chịu khó ngồi giải thích cho họ nghe. Riết rồi vợ tôi cũng đi theo hiến máu tới 11 lần, ba đứa con đứa nào cũng hơn 10 lần hiến máu. Giờ cả nhà tôi trong ngân hàng máu sống, khi nào có điện thoại kêu đi là đi” - ông Rê cười.
Một gia đình khác cũng nhiều lần hiến máu là bà Nguyễn Thị Tưởng (thôn Thanh Vân, xã Đại Cường). Bà Tưởng làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng, đã tham gia hiến máu 11 lần, hai người con của bà Tưởng cũng đã 10 lần đi hiến máu. “Ban đầu, tôi tham gia vì nghĩ mình là đảng viên, nên làm gương cho chị em trong hội phụ nữ. Phần vì đi hiến máu, xét nghiệm sẽ biết sức khỏe thế nào, có bệnh tật gì không, nên cứ nghe có thông báo là đăng ký. Nói rứa, chứ lần đầu tiên về cũng lo, tôi còn cẩn thận đi xuống bác sĩ nhờ tư vấn. Về sau thấy khỏe hơn, cảm giác như mình có dịp để thay máu trong người. Chị em thấy tôi đi hiến máu nhiều lần, cũng mạnh dạn đi theo, giờ có người sắp đuổi kịp tôi về số lần tham gia cho máu rồi” - bà Tưởng nói.
Năm 2018, xã Đại Cường được giao chỉ tiêu khuyến khích người dân tham gia hiến 43 đơn vị máu. Chưa hết năm, đã có 135 người trong xã tham gia hiến máu, gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra. Đó là chưa kể nhiều con em ở địa phương lao động, học tập ở các thành phố tham gia hiến máu tại trường học, đơn vị mình. Gần đây nhất, Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường cũng cho ra mắt Câu lạc bộ Hiến máu với 25 thành viên, sẵn sàng cho máu khi có thông báo từ các trung tâm y tế, bệnh viện. Những giọt máu đã được cho đi, bằng tình cảm nhiệt thành, bằng trái tim chân chất nhưng đầy thương yêu của người dân quê Đại Cường. Không quá nhiều băn khoăn về việc hiến máu, những người chúng tôi đã gặp đều trả lời, họ vui vì cảm thấy đã san sẻ được một chút nghĩa tình cho người bệnh, góp chút tấm lòng của mình cho cuộc đời. Thảo thơm, có lẽ cũng bắt nguồn từ chính tấm lòng những người quê chân chất, mộc mạc ấy…
THÀNH CÔNG