Ở bất kỳ làng quê nào, những giá trị truyền thống chính là chiếc nôi của cha ông, dòng họ và cộng đồng ủ ấp cho bao hình hài lớn dậy. Vì thế mà bao thế hệ người làng Kim Bồng - Hội An lớn lên, dù có tha phương cũng mang theo “gốc rơm, gốc rạ”, kể cả nụ cười như gió sớm ngoài đồng.
Từ khi nhịp cầu nối liền đôi bờ, ngày nào ông Phan Xuân Nhẫn cũng dành thời gian về Cẩm Kim để chăm chút nhà thờ tộc Phan Xuân ở thôn Phước Thắng. Nhìn những đồng lúa lên xanh, giàn mướp trổ bông vàng cả vạt rào, ông nhớ bữa canh mướp với tép năm xưa mẹ nấu trong chiếc nồi đồng. Hương vị ngọt lành thuở ấy bây giờ tự nhiên chuyển thành cảm xúc trào dâng lên khóe mắt. Ông thầm ước chi còn mẹ cha và còn nhiều bà con, anh em chỉ để được một lần cùng bước qua nhịp cầu.
Một góc hội làng Kim Bồng. |
Ở cái tuổi ngoài 70, ông Phan Xuân Nhẫn đã đi qua chiến tranh và đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo của thành phố, nhưng lúc nào cũng đau đáu, trăn trở cho sự phát triển của miền quê cách trở sông đò: “Trăn trở nhứt của tôi và toàn dân Cẩm Kim làm sao cho cuộc sống đi lên, mà muốn lên được là phải có hệ thống giao thông đồng bộ. Sự phát triển của quê hương phải giữ cho được làng quê, sinh thái, bản sắc; ta cố gắng phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống chứ nếu phát triển nóng, quên cái truyền thống là không đạt yêu cầu”.
Thực ra, ở bất kỳ làng quê nào, truyền thống chính là chiếc nôi của cha ông, dòng họ và cộng đồng ru đưa cho những hình hài lớn dậy. Vì thế mà bao thế hệ người làng lớn lên, dù có tha phương cũng mang theo “gốc rơm, gốc rạ”, kể cả nụ cười như gió sớm ngoài đồng.
Chính nghề chài lưới ven sông, nông điền hay mộc - nề đã giúp ruộng đồng trổ bông, nhà cửa tinh tươm và dòng sông ca hát. Bao thế hệ thợ thầy của làng sang tận đất Lào, Campuchia, cùng ngược xuôi Nam - Bắc để đắp vẽ, tô bồi cho những khát vọng xây đời. Ngược dòng lịch sử, 13 người thuộc Kim Bồng châu cúng tiền cho làng Minh Hương đã neo lại thời điểm xa xưa nhất có thể tìm thấy tên làng trên giấy mực là năm 1744.
Nhịp cầu khát vọng. Ảnh: q.hải |
Tài liệu nghiên cứu của Võ Hồng Việt - Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho thấy, Kim Bồng với tư cách là địa danh hành chính được nhắc đến sớm nhất trong tập “Long Thơ Tịnh Độ” do đại sư Thiệt Uyên, trú trì chùa Hội Nguyên ở Kim Bồng khắc in vào năm Cảnh Hưng thứ 7, tức là năm 1746. Lúc đó, địa danh của Cẩm Kim là Kim Bồng châu, gồm có giáp Đông và giáp Nam; chữ châu trong Kim Bồng châu là từ chỉ cồn đất, cù lao, bãi bồi giữa sông.
Rồi địa danh xã Cẩm Kim được sử dụng từ tháng 7 năm 1956 khi chính quyền cũ đổi xã hiệu, đặt lại tên hành chính cho làng quê thanh bình này. Dựa vào thế thứ trong gia phả và truyền khẩu của các tộc họ tiền hiền làng Kim Bồng là Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương thì vùng đất được khai khẩn vào khoảng thế kỷ XVI.
Với diện tích chỉ 400ha, làng Kim Bồng là chốn để những nhánh sông cứ miên man câu hò hợp tan cho hai đầu Vĩnh Thành - Thượng Phước. Tháng ngày dâu bể, đất Thượng Phước lại gắn với Duy Phước, Duy Xuyên; Vĩnh Thành cũng bị nhánh sông tách rời để gắn liền với Nam Ngạn, Cẩm Nam. Trong khi đó, đất Triêm Tây sát vách Phước Thắng mỗi ngày lại mơ về bên kia sông để hợp với Triêm Đông, Điện Phương, Điện Bàn. Dẫu đã có nguyên do từ chuyện tách, nhập làng xã trong quá khứ, nhưng những đêm trở mình, bao đứa con rứt ruột của Kim Bồng chắc đã từng đặt hàng vạn dấu hỏi với “mẹ tự nhiên”.
Giờ đây, đất Vĩnh Thành còn đó với chuyện lở bồi nhưng người Vĩnh Thành đã về với mẹ; Thượng Phước còn cách trở quãng đò bà Ngân nhưng mai mốt cũng được nối cùng nhịp cầu với Đông - Tây hợp một. Có lẽ vì thế mà bao thế hệ người làng ra đi là để trở về. Nhiều người học hành cao, tuy không đỗ hàng đại khoa nhưng có vai trò lớn trong việc xây dựng, phát triển quê hương. Vào thế kỷ XIX, Kim Bồng đã có 2 người đỗ cử nhân, đó là Huỳnh Kim Côn, cử nhân năm Triệu Trị 3 1843 và Huỳnh Toản, cử nhân năm Tự Đức 20 1867. Đầu thế kỷ XX, người Kim Bồng cũng sớm làm cách mạng và địa phương là căn cứ địa quan trọng của Hội An.
Rõ thực, lịch sử của dòng sông không khác chuyện lở bồi, quá trình phát triển đi lên của một làng quê bên sông cũng không ngoài những nhịp cầu mà từ đời cha cho chí đời con lao nhọc để bắc qua những khó khăn, cách trở. Sống trong khát vọng và ước mơ, người của làng biết rõ mình cần gì và đã sống bằng gì.
Nói như Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, ông Phan Trọng Nhân, người của làng cần cù, chịu thương, chịu khó, bây giờ đã có nhịp cầu nối liền làng quê với phố thị, những đức tính ấy sẽ còn lưu giữ để tiếp tục dựng xây làng xóm, quê hương: “Người dân Cẩm Kim vốn có truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó; giàu tình cảm, sống chan hòa, nhẹ nhàng. Cùng với việc giữ gìn thì chúng ta sẽ phát huy thêm, theo phương châm là tiếp nhận cái mới để làm giàu thêm cho văn hóa của mình nhưng đồng thời không làm mất đi cái văn hóa truyền thống vốn có của người dân địa phương đã được giữ gìn từ bao lâu nay”.
Trải qua gian khó mới có ngày vui, có lẽ vì thế mà một người con của làng bên sông đã viết:
“Kim Bồng,
mai con về những cánh đồng không
trồng một niềm tin chồi nụ
lớn xanh như đọt khoai lang đầu mùa mưa báo lũ
ngọt nước bữa canh mẹ nấu rác tre...”.
QUỐC HẢI