(QNO) – Dù chính sách chưa thực sự đến được người lao động theo các Nghị quyết 11/NQ-CP, Nghị quyết 43/2022/QH15 về việc hỗ trợ tiền thuê nhà trọ thời gian đến đang là niềm mong đợi của hầu hết công nhân, cũng như doanh nghiệp, công ty ở Quảng Nam nhằm góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Công nhân mong đợi
Đã hơn 2 năm rời quê Đắk Nông đến Quảng Nam làm việc, Trần Thị Thu Thủy (công nhân Công ty TNHH Fashion Garment, Khu Công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) phải thuê nhà trọ để ở. Tuy nhiên, với đồng lương còn thấp, Thủy chọn việc ở ghép cùng bạn đồng nghiệp trong căn phòng trọ nhỏ ở thôn Vĩnh Bình (Tam Thăng) để giảm chi phí. “Ở đây thì tính cả tiền điện nước xong mỗi tháng ở trọ hết 800 ngàn đồng. Cũng mong chỗ trọ được rộng rãi, yên tĩnh để nghỉ ngơi sau giờ làm việc nhưng vì còn phải gửi tiền về cho cha mẹ hỗ trợ nuôi em nữa nên mình không thể đi thuê chỗ ở tốt hơn” – Thủy chia sẻ.
Khi nghe về chủ trương Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân, Thủy cho hay rất mừng và mong chờ vì ít hay nhiều thì trong thời điểm khó khăn này đó thực sự là một nguồn kinh phí cần thiết. “Mức lương hiện tại gần được 5 triệu đồng/tháng nên nếu được Nhà nước hỗ trợ mấy tháng tiền nhà trọ thì mình sẽ có thêm khoản tích lũy gửi cho ba mẹ. Công nhân chúng tôi còn vất vả nên mong nhiều những chính sách hỗ trợ kịp thời như thế này” – Thủy nói.
Tương tự, Nguyễn Thị Hồng Ngân rời đất Sài Gòn trở về Quảng Nam đã 5 năm để mong được gần quê nhà và cuộc sống ổn định, không còn cảnh đất khách quê người vạn dặm. Chấp nhận mức lương thấp hơn so với TP.Hồ Chí Minh, Ngân xin việc tại Công ty Fashion Garment và ở trọ tại Trường Xuân trong khu trọ dành cho công nhân.
Trải qua nhiều cơ cực đời công nhân do dịch kéo dài nhiều năm, Ngân bảo: “Công nhân thì vất vả thiệt nhưng vẫn còn ổn định hơn nhiều người lao động tự do khác trong thời buổi dịch tràn lan thế này. May mắn cho công nhân chúng tôi là những lúc khó khăn luôn được công ty, Chính phủ đồng hành hỗ trợ. Nên nay nghe có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ thì mình vui lắm, yên tâm làm việc” – Ngân nói.
Cần bổ sung đối tượng thụ hưởng
Theo ông Lê Văn Châu (Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garment), khi nhận được thông tin về Nghị quyết 11 của Chính phủ và 43 của Quốc hội về hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là công nhân từ xa đến khu công nghiệp Tam Thăng ở trọ, làm việc tại công ty thì lãnh đạo công ty cũng phần nào yên tâm. Ông Châu cho biết, trong thời điểm hiện tại, việc giữ chân những lao động có tay nghề là rất cần thiết, nên chính sách này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, công ty phục hồi sản xuất tốt hơn.
“Chúng tôi rất vui vì chính sách này rất thiết thực để người lao động yên tâm làm việc cũng như ổn định một phần đời sống cho người lao động, từ đó giúp họ làm việc lâu dài tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, nguồn lao động là quan trọng nhất, vì vậy, khi chính sách này được triển khai phía công ty sẽ tích cực hỗ trợ các thủ tục nếu có để công nhân, người lao động sớm được hưởng chính sách” – ông Châu nói.
[CLIP] - Cuộc sống công nhân ở các nhà trọ:
Theo Sở LĐ-TBXH Quảng Nam, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Chính phủ ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ cho người lao động như: Nghị quyết 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 126, Quảng Nam thì có Nghị quyết 45. Gần đây, Chính phủ lại tiếp tục ban hành Nghị quyết số 11 để tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Hiện nay, Bộ LĐ-TBXH cũng đã trình cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho lực lượng lao động mà có quan hệ lao động đang thuê nhà trọ để làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm kinh tế trọng điểm miền Trung.
Sau khi Chính phủ ban hành chính sách này, Sở LĐ-TBXH sẽ nhanh chóng tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách để hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Điều này vừa là hỗ trợ cho người lao động và cũng là điều kiện cần cho doanh nghiệp duy trì nguồn lao động ổn định.
“Khi ổn định tư tưởng rồi thì công nhân sẽ yên tâm làm việc lâu dài và đây là lực lượng tạo ra của cải vật chất và góp phần hiện thực những chương trình hành động và một số giải pháp của tỉnh Quảng Nam liên quan đến phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19", Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Quí Quý nói.
Tuy nhiên, nghị quyết này có đối tượng hỗ trợ là người lao động có quan hệ lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng lại không có đối tượng ở các cụm công nghiệp. Riêng ở Quảng Nam, các cụm công nghiệp hiện có rất nhiều lao động làm việc.
"Tôi nghĩ rằng chính sách này cũng cần hỗ trợ thêm cho các đối tượng ở cụm công nghiệp và trong văn bản của Chính phủ cũng cần nêu rõ đối tượng này để tạo nên sự công bằng cho tất cả công nhân, người lao động" - ông Nguyễn Quí Quý đề xuất.