Người lính viết lại câu chuyện của lính làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia tạo nên sức hút cho “Cỏ cháy vùng biên” - tập truyện ký, hồi ức chiến trường K. của Nguyễn Tuấn...
Năm tháng không quên
Nguyễn Tuấn là lính trinh sát Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, sống và chiến đấu ở Prết Vihia - khu vực tiếp giáp với Thái Lan. Đấy là nơi chiến sự ác liệt nhất, ranh giới sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc.
Bởi Prết Vihia có dãy Đăng Rếch bắt đầu từ vùng ngã ba biên giới kéo dài tới Siêm Riệp, Pôn Pốt xây dựng căn cứ phòng thủ trên đồi 547 với Sư đoàn 912 và Sư đoàn 801 được “thế lực bên ngoài” hà hơi tiếp sức, trang bị vũ khí đầy đủ đến độ dư thừa để đối đầu trực tiếp với quân tình nguyện Việt Nam.
Sáu năm đi lính, trong đó có bốn năm ở Prết Vihia, Nguyễn Tuấn đã nếm trải bao gian khổ hy sinh. Hầu như ngày nào cũng có đồng đội ngã xuống vì mìn KP2, vì địch phục kích.
May mắn được lành lặn ra quân, Nguyễn Tuấn cứ trăn trở mãi về những năm tháng ấy. Và anh cầm bút viết “Cỏ cháy vùng biên” - tập truyện ký, hồi ức chiến trường K., gồm 56 câu chuyện lính, dày hơn 350 trang, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 3.2022.
Không phải là nhà văn, chỉ là người lính viết lại những chuyện của lính, chính điều đó khiến “Cỏ cháy vùng biên” của Nguyễn Tuấn có sức hấp dẫn riêng. Đọc “Cỏ cháy vùng biên”, hầu hết tên của lính luôn có “cái đuôi” gắn kèm để chỉ quê quán, đặc điểm, tính cách… Như Tân Cu Lừng, Đi Mũi Tẹt, Học Toác, Dương Khỉ, Khánh Xếch…
Ngay cả các cấp chỉ huy, lính cũng chẳng mấy khi gọi “Thủ trưởng” mà gọi bằng những biệt danh: Bọ Lực, Lão Phơn Răng Vàng, Ông Cường Chăn Vịt… Ăn nói bỗ bã là nét khác biệt của lính chiến trường K. so với lính thuộc thế hệ cha anh. Phản ánh chân thực, sinh động như cuộc sống vốn có của lính đã tạo nên sức hấp dẫn của “Cỏ cháy vùng biên”.
Sống nơi chiến trường
Thường xuyên đối mặt với tử thần, ăn uống kham khổ, quanh năm suốt tháng chỉ ăn gạo mục, cá khô hết đát, mắm đầu tôm cô đặc, lính chiến trường K. rất thèm chất tươi.
Vì thế, khi thấy ông già Lào mang đùi hoẵng đem biếu Ban Chỉ huy Tiểu đoàn, liên lạc Đào và Thuận xào nấu, lính thèm quá! “Bếp đã đỏ lửa, mùi riềng quyện với mùi thịt thú thơm lừng. Lính trẻ, tuổi mới lớn chịu sao nổi với sức hấp dẫn này, vị thơm như vẫy gọi chúng tôi” (tr.130).
Thằng Liêm trổ tài trinh sát, rinh nồi thịt sớt phân nửa rồi đem trả lại vị trí cũ. Liên lạc Đào và Thuận biết lính trộm nhưng không biết bộ phận nào, tức lắm! Còn Ban Chỉ huy Tiểu đoàn thì sao? “Thủ trưởng nào thèm chấp mấy thằng lính, lúc nào các thủ trưởng cũng lo lắng cho chúng tôi. Bọ Lực thường hay bảo Thuận múc cho trinh sát chúng tôi bát canh, bọc thịt”.
Bao chuyện lính được Nguyễn Tuấn kể lại trong “Cỏ cháy vùng biên” một cách tự nhiên. Có chuyện khiến người đọc xót xa vì cái chết đến từ từ đối với người lính đúng như dự đoán nhưng đành bất lực (Tiên sư thiên thần!).
Có chuyện gay cấn hồi hộp vì quân ta vô tình rơi vào thế gọng kìm của địch, lực lượng bất cân xứng nhưng bằng sự thông minh tài trí trong xử lý tình huống, quân ta từ thế bị động chuyển sang thế chủ động tấn công và giành thắng lợi (Truy quét vùng biên).
Hẳn nhiên không thiếu những chuyện lính nghịch ngợm làm người đọc phải bật cười. Khi về căn cứ, mùa khô khan hiếm nước uống, lính đào hú họa lại trúng mạch nước ngầm, giếng đầy ắp nước. Dân phum Choăm Sre kéo nhau vào tắm giặt, trong đó có em Mon xinh đẹp.
“Họ tắm rất tự nhiên, không hề e ngại. Váy xà rông quấn quanh mình để lộ tấm vai trần đầy khiêu khích. Họ thay váy ngay trước mặt các chú lính, nhanh như làm trò ảo thuật. Không để lộ chút nào, dù lính tráng có tò mò đến đâu cũng không thể nhanh bằng đôi tay điêu luyện của họ”...
Nhiệm vụ quốc tế và nghĩa tình đồng đội
Sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam ở đất nước Chùa Tháp không những làm nhiệm vụ tiễu trừ tàn quân Pôn Pốt mà còn giúp dân ở các sóc phum xây dựng cuộc sống mới đang hồi sinh, vận động những kẻ lầm đường lạc lối rời bỏ hàng ngũ địch.
Bằng những việc làm thiết thực và đầy thiện chí của quân tình nguyện Việt Nam, hàng trăm tên lính Pôn Pốt ở Kulen đã ra hàng. “Nghe dân phum nói bộ đội Việt Nam rất tốt, ai đầu hàng sẽ được khoan hồng trở về quê sinh sống bình thường nên họ xuống núi xin hàng”...
Sau khi rời quân ngũ, những người lính từng sống chiến đấu ở chiến trường K. luôn quan tâm giúp đỡ bạn bè một thời nếm mật nằm gai. Sơn Lọ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh em biết được góp tiền mua tặng một chiếc xe máy để anh làm phương tiện kiếm sống.
Phùng Minh Tân (Tân Cu Lừng) hy sinh ở chiến trường K. Hai em của anh ở nhà vướng vào pháp luật. Bà mẹ già tuổi gần 80 vẫn phải lo kiếm tiền nuôi cháu và tiền thuê nhà trọ.
Mong ước của bà là đưa hài cốt của Tân về một nghĩa trang liệt sĩ nào đó ở Hà Nội để hương khói. Nguyễn Tuấn, Đoàn Tuấn, Toàn Béo và anh em đồng đội đã chung tay góp sức biến ước mơ ấy trở thành hiện thực. Nghĩa tình ấy được Nguyễn Tuấn gói ghém trong chuyện “Đón Tân về với mẹ”.