Người lớn tưởng tượng

HỨA XUYÊN HUỲNH 18/03/2020 09:50

Mỗi lần trông lên vầng trăng ngày rằm tròn vành vạnh, nhiều người “nhìn” ra hình dáng chú Cuội ngồi gốc cây đa rồi nhẩm đọc câu “…để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”. Óc tưởng tượng của người xưa thật đáng kinh ngạc, và ngày nay cũng thế.

Khẩu trang, cây đàn, vũ điệu Ghen cô Vy..., những sáng tạo thú vị, cần thiết của “người lớn” ở mùa dịch. Ảnh: internet
Khẩu trang, cây đàn, vũ điệu Ghen cô Vy..., những sáng tạo thú vị, cần thiết của “người lớn” ở mùa dịch. Ảnh: internet

Điệu nhảy mùa dịch

“Ghen cô Vy” đang là clip nóng sốt trên YouTube. Do “điệu nhảy rửa tay” của vũ công Quang Đăng phát ngay trong mùa chống dịch Covid-19 nên có tính thời sự? Điệu nhảy đó khuấy động trên nền nhạc của bộ ba Khắc Hưng - Erik - MIN và cả hai đều được BBC News, Fox News, New York Post… không tiếc lời khen.

Câu trả lời chắc có nhiều. Riêng tôi nhìn ra những nét tươi vui đang trào dâng bên trong những nghệ sĩ trẻ, ngay thời điểm cộng đồng ít nhiều lo lắng vì dịch.

Hãy đọc những trang báo nước ngoài. BBC News (Anh) bình luận: “Bài hát rửa tay của Việt Nam ảnh hưởng toàn cầu”, “Tại Việt Nam, họ đã sản xuất một video âm nhạc cùng với một thử thách nhảy. Giai điệu này đã được lan rộng ra toàn cầu”… Còn Fox News (Mỹ) khen điệu nhảy lấy cảm hứng từ virus và “nhắc nhở mọi người rửa tay”.

Sáng tạo cứ như sóng trên sông, lớp sau đè lớp trước. Nhưng sáng tạo ngay trong mùa dịch, vượt lên những lo toan khi đối diện dịch, đưa vũ điệu lả lướt theo nét nhạc… thì quả là rất đáng để mọi người nhún nhảy theo. Điệu nhảy ấy khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện khác, ở chiều ngược lại.

Vụ án chữ “o” và con trăn của hoàng tử bé

Một vụ án hy hữu xảy ra hồi năm 1968 tại tiểu bang Nevada (Mỹ) liên quan đến cô bé Edith 3 tuổi, được nhiều người vừa thích thú dẫn lại thông tin trên Facebook. Chuyện rằng, một hôm nọ, Edith nhìn vào chữ “OPEN” trên chiếc hộp đựng quà, chỉ vào chữ cái đầu tiên và nói với mẹ: chữ “O’’. Khi mẹ hỏi sao con biết đấy là O, cô bé trả lời: Cô giáo ở trường dạy như thế!

Với các bà mẹ Việt thời bình dân học vụ, khi con đọc ê a “O tròn như quả trứng gà/ Ơ thì đội mũ Ô thời thêm râu” (vì biết phân biệt O, Ô, Ơ) thì hẳn đã mừng lắm. Nhưng mẹ của Edith lại nghĩ khác. Bà viết đơn khởi kiện với lý do trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của Edith. Vì khi chưa biết chữ “O”, con gái bà có thể nói “O” là mặt trời, là quả táo, là quả trứng gà… Trường dạy Edith nhận biết chữ “O” chính là… chữ “O”, thì con gái bà đã mất khả năng tưởng tượng này.

Nghe phi lý vậy đó, nhưng tòa vẫn xử cho bà mẹ thắng kiện. Bà thuyết phục tòa với câu chuyện phương Đông. Chuyện rằng, khi đi du lịch, bà thấy trong công viên có hai con thiên nga, một bị cắt bỏ cánh bên trái ở hồ lớn, một nguyên vẹn nhưng thả ở hồ nhỏ. Cả hai con không thể bay đi, vì theo nhân viên quản lý, con còn nguyên đôi cánh ở hồ nhỏ sẽ không đủ không gian để lấy đà bay lên. Con ở hồ lớn, có đủ không gian, thì mất thăng bằng vì bị cắt cánh. Kinh ngạc trước sự thông minh của người phương Đông, bà mẹ Edith lo ngại con gái mình cũng đã bị cắt đứt một chiếc cánh tưởng tượng, bị “nhốt” trong cái ao nhỏ chỉ có 26 chữ cái từ quá sớm…

Tôi sực nhớ đến hoàng tử bé, nhân vật trong danh tác cùng tên của nhà văn Pháp Antoine De Saint-Exupéry.

Ngay từ chương 1, nhà văn đã cho nhân vật (ở ngôi thứ nhất) kể câu chuyện hồi mới lên 6 tuổi từng nhìn thấy bức tranh tuyệt đẹp trong một cuốn sách, vẽ con trăn đang nuốt một con voi. Sách có giải thích thêm rằng, con trăn nuốt chửng cả con mồi mà không nhai, sau đó nằm ngủ 6 tháng liền chờ tiêu hóa…

Từ đó, hoàng tử bé hay nghĩ đến các cuộc phiêu lưu trong rừng rậm. Nhưng khi mang bức phác thảo đầu tiên vẽ con trăn đang nằm chờ tiêu hóa con voi ra khoe với “người lớn” và dọ hỏi xem họ có kinh hãi không, hoàng tử bé thất vọng. Bởi “người lớn” trả lời: Sao lại phải sợ… một cái mũ chứ? Thì ra người lớn nhìn thấy bức tranh về cái mũ, chứ chả có con voi nào đang nằm trong bụng con trăn. Thế là cậu nhóc phải vẽ… con voi phía bên trong của con trăn, và lẩm bẩm “người lớn lúc nào cũng cần phải có giải thích”.

Khổng Tử đuổi vợ?

Giống như mọi đứa trẻ khác, tôi cũng từng lẩm bẩm như hoàng tử bé. Cho đến khi tôi nghe kể về chuyện nấu nướng của… vợ chồng Khổng Tử.

Đọc “Sống đẹp” của Lâm Ngữ Đường (“The importance of living”, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Văn hóa), đến chương “Hưởng thụ ở đời”, mục “Thực phẩm và dược phẩm”, tôi bị cuốn hút với lối viết của tác giả.

Ông viết, đại ý, Khổng Tử tất đuổi vợ về nhà cha mẹ vì cụ bà nấu bếp rất dở. “Sử không chép rõ là bà vợ Khổng Tử bị chồng đuổi hay tự ý ra đi vì ông chồng khó tính quá, gạo muốn cho thật trắng, thịt phải băm cho thật nhỏ (thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế), thịt không có thứ nước chấm thích hợp thì không ăn, sắc không tươi cũng không ăn, mùi hơi nặng cũng không ăn (bất đắc kỳ tương bất thực, các bất chính bất thực, sắc ác bất thực, xú ác bất thực)…”.

Lâm Ngữ Đường còn mô tả thêm: “…Một lần bà không tìm ra thịt tươi, bất đắc dĩ phải sai con trai là Lý lại tiệm mua rượu và món ăn nấu sẵn để cung phụng ông chồng, cụ ông bảo “rượu thịt mua ở tiệm thì không ăn” (cô tửu thị bô bất thực), đến nước vậy thì cụ bà chỉ còn cách cuốn khăn gói chứ còn biết làm gì nữa bây giờ?” (Sđd, trang 229).

Cuối cùng, tác giả thú thực đúng tinh thần hài hước mà ông rất tâm đắc: “Tâm lý bà Khổng đó, do tôi bịa ra, nhưng những quy điều nghiêm khắc của ông đặt ra về ăn uống thì chép rành rành trong bộ Luận ngữ đấy, tôi không nói thêm”.

Hóa ra, Lâm Ngữ Đường chỉ “men” theo Luận ngữ, chương “Hương đảng”, đoạn từ “Thực bất yếm tinh…” đến “…bất đa thực”, 74 chữ. Chỉ 74 chữ mà Lâm Ngữ Đường vui miệng tán ra nào chồng (vị “vạn thế sư biểu” Khổng Tử) là một nghệ sĩ trong cách sống, vợ (bà cụ Khổng) chỉ còn cách cuốn khăn gói ra đi, quả thật đôi cánh tưởng tượng của ông vùng vẫy hơn cả đôi cánh đại bàng.

*
*            *

Trong truyện dài Nguyễn Nhật Ánh, tôi loáng thoáng gặp hình ảnh hoàng tử bé qua nhân vật cu Mùi 8 tuổi (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), cu Tin 10 tuổi (Đảo mộng mơ). Cu Mùi cùng nhóm bạn cứ như dọn đến một hành tinh khác để ở, nơi các em gọi con chó là “bàn ủi”, cái miệng/“cánh tay”, đi ngủ/“đi chợ”, chiếc cặp/“cái giếng”… để rồi gặp rắc rối với cô giáo khi đến lớp. Cu Tin cũng vậy, tự phong chúa đảo trên đống cát cạnh nhà, cùng đám bạn là phó chúa đảo, chúa đảo phu nhân đương đầu với hải tặc.

Nhưng giờ, tôi tin không chỉ có trẻ con mới biết tưởng tượng. Vì người lớn cũng đã biết khiêu vũ cạnh Covid-19, biết cách bịa chuyện bà vợ Khổng Tử xách đồ ra khỏi nhà vì nấu ăn dở.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người lớn tưởng tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO