Người lồng tiếng ở rạp phim Hòa Bình

XUÂN THỌ 17/06/2017 10:08

Mấy lần trước ngồi nói chuyện, nghe ông nhắc đến, tưởng chỉ là thoảng qua. Nay ngồi lại, mới hay sự tình không… giản đơn như vậy, mà những cái ngày xưa cũ ấy, dường như ngự trị sâu trong tâm trí ông, ưu tư mãi.

Ông Sỹ - người lồng tiếng phim ở rạp Hòa Bình một thuở. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Sỹ - người lồng tiếng phim ở rạp Hòa Bình một thuở. Ảnh: XUÂN THỌ

Đó là nỗi khắc khoải của ông Nguyễn Văn Sỹ, người một thời được khán giả hễ mỗi lần kéo đến rạp chiếu phim Hòa Bình ở Tam Kỳ xem, là phim ấy phải do ông Sỹ lồng tiếng. Nhưng bây giờ đi hỏi lớp người xưa cũ ấy, rằng ông Sỹ là… ông nào thì họ chịu, bởi lúc ấy, họ chỉ hâm mộ “cái ông Hoài Nam lồng tiếng phim” mà thôi, chứ đâu biết rằng hai cái tên ấy là của một người. Còn sở dĩ ông có thêm cái tên Hoài Nam, là do cha ông đặt khi thấy ông gắn với nghề lồng tiếng phim. Thế thôi!

1.Cuối năm ngoái, khi tôi đi cùng Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam di chuyển hài cốt liệt sĩ ở chiến trường Tây Nam về, thì nhận được tin nhắn của ông. Đơn giản, vì ông cũng từng là người lính của Trung đoàn 96 khi tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, và kể từ khi giã từ đời lính, chưa khi nào ông ngừng dõi theo tin tức của đồng đội. Rời quân ngũ, cuộc sống khốn khó kéo mỗi người đến với những dặm trường mưu sinh. Còn ông, những run rủi đưa ông đến với Trường Trung cấp VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi ông chạy một lèo với nghề lồng tiếng cho phim, mà dân trong nghề thuở ấy cứ nói nôm na là thuyết minh phim. Sở hữu chất giọng ấm và truyền cảm, nên từ thời còn là học sinh trường trung cấp, ông đã khá đắt show với nghề nghiệp tương lai. Nên khi ra trường, ông được Đài Truyền hình Việt Nam mời về lồng tiếng phim cho đài. “Nhưng lúc bấy giờ, nhà đài đã có hai người có thâm niên trong nghề rồi, nên mình mà về đó, dễ gì cạnh tranh nổi suất lồng tiếng phim vì thời đó mỗi tuần chỉ có hai tập phim được phát - chớ đâu như chừ bội thực phim dài tập trên truyền hình. Trong khi mình lại muốn được lồng tiếng nhiều hơn nên đã từ chối cơ hội đó” - ông Sỹ nhớ lại.

“Rồi điều gì đưa chú vào Tam Kỳ, rồi lồng tiếng phim ở rạp Hòa Bình?” - tôi hỏi. Đang ngồi tựa ra ghế, ông khẽ nhẹ người bật ngược trở lại, “à” một tiếng rõ to. Ông và một người bạn, đều dân gốc ngoài Bắc, chiến tranh di tản theo gia đình, rồi cùng đi bộ đội, rồi về, rồi ông lập gia đình ở Tam Kỳ, còn người bạn thì sống ngoài Đà Nẵng. Khi ra trường, ông được phân công nhiệm vụ ở Đà Nẵng, còn người bạn thì làm việc ở Tam Kỳ, nên cả hai xin cấp trên hoán đổi nơi công tác cho nhau, và được đồng ý. Vào Tam Kỳ, với việc sở hữu chất giọng tuyệt vời, ông nhanh chóng có được vị trí nhất định trong hàng ngũ những người lồng tiếng phim ở rạp Hòa Bình. Nhưng cái vui mà ông cho rằng lớn nhất, đó là thời điểm này rạp chiếu phim rất nhiều, có khi một ngày đến ba suất chiếu, nên ông được… tha hồ lồng tiếng phim.

Lúc bấy giờ, những người làm công việc lồng tiếng phim như ông, không chỉ đơn thuần là ngồi lồng tiếng ở rạp, mà còn phải theo các đội chiếu bóng về tận các huyện, xã, thôn ở những vùng sâu vùng xa. Rồi trong kế hoạch phát triển các đội chiếu bóng về những địa phương này, ông và đồng nghiệp được giao thêm nhiệm vụ mới, là luân phiên về các địa phương để đào tạo thêm nghiệp vụ cho anh em ở cơ sở. Trong thời gian làm ở rạp Hòa Bình từ năm 1981 - 1984, ông được điều lên Quế Sơn, sau này Hiệp Đức tách ra, ông “nằm vùng” ở đó 2 năm. Rồi khi Núi Thành tách khỏi Tam Kỳ, ông về “ăn dầm ở dề” ở đây đến 3 năm. Những năm tháng này, tất nhiên đã cho ông bao trải nghiệm thú vị trong đời, trong nghề. Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi với bất kỳ nghề nào, chỉ cần có sự điều chỉnh về không gian và phạm vi làm việc, đã thấy hứng khởi rồi. Và cái nghề mang “món ăn tinh thần” đến vùng sâu, vùng xa như ông, mỗi khi kết thúc phim, nhìn những mặt người rạng ngời, hẳn là ông hạnh phúc lắm. Mà thời buổi đó, tivi rất hiếm, chương trình truyền hình, phim ảnh cũng đơn điệu, nên những đoàn chiếu phim lưu động luôn là niềm mong đợi, hào hứng đối với bà con nông thôn, miền núi.
2.Những ngày công tác tại Núi Thành, ông mới giật mình và nhận ra rằng, cái nghề lồng tiếng phim của mình đã bị… lung lay. Trong cơn lốc phát triển của công nghệ nghe nhìn, các nơi mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại, cái việc lồng tiếng phim ở rạp chiếu bóng như ông dần trở nên thừa thãi. Bởi trong những cuộn băng phim lúc này, đã có sẵn phần lồng tiếng rồi. Chứ không như trước đó một vài năm, hễ có phim mới về, là có người dịch ra tiếng Việt; ông cầm tờ giấy đó, hễ phim tới đoạn nào, thì lồng tiếng theo. Bây giờ, công việc lồng tiếng bị “thất sủng”,  không còn cách nào khác, ông buộc phải chuyển sang làm những công việc khác cũng liên quan đến phục vụ chiếu phim cho người xem.

Tôi nhìn kỹ ông  - một khuôn mặt khá nghệ sĩ, với mái tóc bồng bềnh, và đặc biệt, giọng nói dễ hút kẻ đối diện. Ông nhìn tôi, khẽ nhún vai, cùng với nhíu mày: “Đó thật sự là những ngày buồn”. Rồi im lặng, nhìn về phía trước. Cũng là điều dễ hiểu cho cái sự buồn của ông. Nó không đơn thuần là tước đi một phương kế mưu sinh của ông, mà dường như tách ông khỏi thế giới mà ông ưa thích, dù ông vẫn còn hiện diện trong thế giới ấy. Lang thang qua những ngày đó, ông nhớ thời mà hễ rạp Hòa Bình có nhiều suất chiếu phim, là khán giả đến và xem cái lịch có phim do ông lồng tiếng để mua vé. Thậm chí, có những đoàn từ nơi khác đến, “canh me” có phim ông lồng tiếng, là mua một loạt vài chục vé. Tôi hiểu, ông nói vậy không phải là để ca tụng chính mình, bởi đúng hơn, nó như một sự đau đáu về chuỗi tháng năm đẹp của nghề. Con người chỉ sống một lần ở đời. Và trong một lần sống đấy, ít ra cũng phải có một nghề mà mình gắn với nó bằng tất cả sự ham muốn và sướng vui. Nhưng chưa hẳn ai cũng có phúc phần trong nghề cho riêng mình, như cái cách mà ông Sỹ đã có.

Lồng tiếng phim, không chỉ là phim đến đoạn nào phải đọc rõ đoạn đấy, mà ngữ điệu cần phải gắn theo biểu cảm nhân vật, càng tự nhiên càng tốt. Nên, theo ông Sỹ nói, lồng tiếng cho phim chiếu ở rạp, là sướng nhất, vì người lồng tiếng có phòng riêng để ngồi trong đấy, không bị ai làm phiền. Nhưng ngược lại, ông bảo sẽ không có được sự hào hứng từ khán giả như lúc đi chiếu phim ở ngoài. Khi đi chiếu phim ở ngoài, do không có phòng riêng, ông (và những người lồng tiếng) phải ngồi cùng khán giả để vừa xem phim vừa lồng tiếng. Đó là những trải nghiệm hết sức thú vị, nhưng… cũng không dễ dàng gì. Thú vị là vì, khán giả lâu nay thích giọng ông, nay có dịp thấy ông ngồi đó và lồng tiếng, nên cứ muốn đến lại gần để “xem rõ mặt mày”. Còn không dễ dàng gì, là vì nhiều người “quá đà”, không nghĩ đến là ông đang lồng tiếng cho người xem, nên thi thoảng… tọc mạch vào. Hay như có những đoạn ông biến tấu thêm cho hợp với người Quảng, thì có người lắc vai, bảo ông đọc sai rồi!

Câu chuyện của ông, gợi lên cái không khí của một thời mà chiếu bóng còn vàng son, là những cuộc vui sân bãi đồng quê. Qua mấy kỷ niệm vui vui như thế, vẫn không làm thay đổi được tâm trạng ưu tư trên khuôn mặt ông. Trong cái giọng buồn buồn, mới hay ông vẫn thường hay ghé rạp Hòa Bình như cố tìm về ngày cũ. “Bây giờ, Tam Kỳ đã lên thành phố, phát triển nhiều mặt, nhưng hình như vẫn không có nổi cái rạp phim cho… tử tế” - ông thở dài. Ông nhẩm lại thì hóa ra chỉ có 4 năm liên tục lồng tiếng phim, còn những năm tháng sau thì làm đủ thứ việc. Đến năm 1987, thì ông bỏ hẳn. Nhưng rồi nhớ nghề, ông lại tìm đến những công việc mà người ta cần đến chất giọng của ông, thậm chí là đọc điếu văn. “Nhận ra rằng, đọc ở đâu, đọc cái gì, chả quan trọng nữa. Quan trọng nhất, là mình còn được đọc, và còn có người chịu nghe giọng đọc của mình” - ông dốc lòng. Trong thời đại internet bùng nổ, ông tò mò làm các đoạn video rồi tải lên đó. Với giọng ấm và truyền cảm, những video đó nhanh chóng chiếm được cảm tình của người nghe. Rồi những bình luận, những tin nhắn, những cuộc điện thoại gọi về, ông mới giật mình sung sướng, là vẫn có người nhớ đến “thằng Hoài Nam lồng tiếng ở rạp Hòa Bình?”. Nên… thôi, cứ để ông ưu tư với những ngày và những điều đã cũ, vì dù gì thì, nó đã rất đẹp khi đi ngang đời ông - một người lồng tiếng cuối cùng của rạp phim Hòa Bình…

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người lồng tiếng ở rạp phim Hòa Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO