Tìm kiếm cơ hội nơi đô thị lớn của đất nước nhưng anh em Thái Viết Thuận, Thái Viết Nơi (quê làng Bình Lâm, Tiên Phước) vẫn hướng về quê nhà. Mới thấy cội rễ chôn nhau là mỏ neo níu giữ những đứa con phố thị trên đường lập thân lập nghiệp.
Tìm cơ hội nơi đô thị
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quê tôi có hai phong trào tự phát được nhiều người tham gia: Đào đãi vàng sa khoáng ở vùng rừng núi miền tây xứ Quảng và “hành phương Nam” tìm nơi “đất lành chim đậu”. Đào đãi vàng sa khoáng là những người vai u thịt bắp, còn “hành phương Nam” là những chàng trai cô gái “lực bất khả phược kê” ly quê để kiếm kế sinh nhai. Thái Thị Phú, con ông chú họ tôi, là một trong những người đầu tiên ở làng Lâm Bình ly quê “hành phương Nam”.
Vài năm sau, Phú về làng trông khác hẳn so với trước đây. Phú bảo: “Trong ấy dễ kiếm sống, miễn là mình siêng năng, chịu khó”. Cuối mùa hè năm đó, Phú dẫn Thái Viết Thuận - cậu em kế, vào TP.Hồ Chí Minh lập thân lập nghiệp. Rồi Thái Viết Nơi cũng tiếp bước anh chị ly quê.
Để tồn tại ở chốn phồn hoa đô thị, Phú làm thuê, Thuận làm công nhân cho một xưởng cơ khí, còn Nơi đi bán soong nồi, bếp ga, rổ rá nhựa… cho một công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng gia dụng.
“Đi lung tung khắp nơi chi xứ là nghề của con”, Nơi bảo với tôi khi mấy anh chị em về quê vui tết cổ truyền với gia đình. Cậu cho hay, thời gian đầu luẩn quẩn ở miền Tây Nam Bộ. Sau đó, cu cậu mở rộng địa bàn hoạt động ra miền Đông Nam Bộ và miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. “Hơn 5 năm làm ăn buôn bán, con đi khắp Việt Nam, không phải “cưỡi ngựa xem hoa” mà đến tận các xã, thị trấn xa xôi khuất nẻo heo hút. Ở đâu cũng có dấu chân con lội ngang lội dọc” - Nơi chia sẻ.
“Đi bán dạo các mặt hàng gia dụng, thu nhập có khá không?”, tôi hỏi. Nơi cười: “Đủ ăn, không tích lũy được bao nhiêu, chú!”. “Còn Thuận?”, tôi hỏi. “Dạ, làm thuê thì không thể khá lên được”, Thuận nói.
Rồi Thuận cho hay, sắp tới hai anh em sẽ chọn hướng đi khác để lập thân lập nghiệp. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Thuận nói thêm: “Anh em con đã suy nghĩ kỹ rồi. Phải đi học mới có kiến thức, mới có cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Làm thuê mãi, suốt đời cũng chỉ tay làm hàm nhai…”.
Nghị lực vươn lên
Bao cái khó bủa vây Thuận và Nơi ở chốn phồn hoa đô thị khi ở nhà thuê để làm thuê kiếm sống. Tôi không ngờ hai anh em lại có nghị lực phi thường, vượt lên hoàn cảnh, thực hiện ước mơ của mình. Thuận theo học bổ túc văn hóa cấp 3. Xong, tiếp tục học trung cấp rồi cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật cơ khí.
Có bằng cấp, có công ăn việc làm ổn định. Không tự mãn với những gì đã đạt được, Thuận ôn tập và thi đỗ vào Khoa Cơ khí chế tạo máy móc, Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp ra trường, Thuận gom góp vốn liếng tích cóp được và vay mượn thêm anh em bạn bè, thành lập Công ty Thuận Phát. Thuận đam mê với nghề cơ khí một cách kỳ lạ bởi nó giúp Thuận khám phá ra lắm điều thú vị, bất ngờ.
Hồi đó, Thuận “xẻ thịt” chiếc máy làm hương thủ công để nghiên cứu, chế tạo chiếc máy làm hương tự động hoàn toàn. Sau 4 tháng mày mò cải tiến, Thuận đã biến chiếc máy làm hương thủ công đạp bằng chân mỗi lần chỉ phụt ra một cây hương thành chiếc máy làm hương tự động từ khâu nhả tăm, nhả bột, lăn quấn ra sản phẩm hoàn hảo. Công suất cũng vượt trội.
Máy làm hương thủ công chỉ đạt 4.000 cây hương/ngày. Còn máy làm hương tự động có công suất trên 40 vạn cây hương/ ngày. Điều quan trọng nữa là, một nhân công vận hành 8 máy vẫn thấy “khỏe re”! Do không đăng ký bản quyền sáng chế, vì thế chiếc máy làm hương của Thuận bị các cơ sở cơ khí khác nhanh chóng “nhân bản” quá nhiều, thành ra… “cốc mò cò xơi”!
Đời dạy cho Thuận bài học đầu tiên “thương trường là chiến trường” với cái giá quá đắt: Trắng tay! Bị ăn cắp công nghệ chế tạo máy làm hương, bị quỵt nợ vì các hợp đồng lỏng lẻo, Thuận chuyển sang sửa chữa máy móc thiết bị tân tiến. Gặp những “đống sắt nguội” khó nhằn, Thuận vẫn không chịu bó tay mà kiên trì nghiên cứu, mày mò sửa chữa bằng được.
Tiếng lành đồn xa. Công ty nọ của Hàn Quốc có cỗ máy tiền tỷ bị trục trặc không thể vận hành, nếu đưa ra nước ngoài kiểm tra sửa chữa phải mất gần 3 tháng. Biết tay nghề của Thuận, họ nhờ cậy. Xem xét thực tế, Thuận nhận lời. Với niềm đam mê và sự thông minh sáng dạ của mình, sau một tuần tìm tòi, Thuận đã phát hiện ra nguyên do khiến cỗ máy tiền tỷ bị hỏng hóc. Việc sữa chữa chẳng mấy khó khăn. Cỗ máy vận hành hiệu quả ngoài mong đợi. Nhờ thế, Công ty Thuận Phát ngày càng có thêm nhiều hợp đồng tiền tỷ.
Cuối năm 2020, Công ty Thuận Phát được một “đại gia đất Bắc” giúp đỡ đã mở rộng địa bàn hoạt động ra Hà Nội để “chữa trị” những cỗ máy hiện đại bị hỏng hóc. Trò chuyện với tôi, Thuận bảo: “Nhà xưởng đã cơ bản hoàn thành, máy móc trang biết bị cũng đã lắp đặt xong. Qua tết cổ truyền, cơ sở ở Hà Nội sẽ đi vào hoạt động”.
Ân tình với quê nhà
Noi theo gương anh trai, Thái Viết Nơi cũng vừa kiếm sống vừa học bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ. Khi có kiến thức của bậc đại học, Nơi phát huy sở trường sở đoản của mình một thuở hàn vi, lập Công ty Hữu Lâm kinh doanh vật liệu trang trí nội thất.
“Lúc đầu cũng khó khăn chật vật lắm chú ơi! - Nơi bảo với tôi. Vốn liếng eo hẹp, lại bị những người kinh doanh cùng ngành nghề chèn ép, nhiều lúc cứ nghĩ sắp dẹp tiệm đến nơi. Nhưng rồi bằng thái độ phục vụ tận tình, bằng sản phẩm uy tín, chất lượng, bằng giá cả phải chăng…, Công ty Hữu Lâm đã trụ được với thương trường khắc nghiệt và dần dà ăn nên làm ra”.
Qua tìm hiểu, tôi được biết Công ty Hữu Lâm hiện có các chi nhánh tại Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Côn Đảo, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… Tại Quảng Nam, Thái Viết Ý - em trai Thái Viết Nơi, làm đại lý chi nhánh, kinh doanh ngày càng phát đạt.
Tôi gặp gỡ bà con ở thôn Hữu Lâm, ai cũng hết lời khen ngợi anh em Thái Viết Nơi - Thái Viết Ý đã giúp đỡ con em họ có công ăn việc làm, có thu nhập khá vào thời điểm “gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”.
Từ mùa xuân sang mùa hạ đến mùa thu, những thanh niên nông dân làng Lâm Bình là “đội quân làm thuê” tại địa phương. Khai thác, bóc vỏ keo lá tràm. Phát vườn, cuốc đất trồng khoai. Làm thợ hồ, theo chân các công trình xây dựng ở khắp các nơi. Mùa mưa, tất cả lại tụ hội về làng để… ăn không ngồi rồi! Bởi mùa mưa hết lụt lại bão rồi mưa dầm dề lê thê kéo dài mãi…
Ở quê ai cũng như ai, những ngày đông tháng giá không làm chi ra tiền, trong khi đó có quá nhiều khoản chi tiêu không thể bỏ qua. Mua giống má, phân bón sản xuất vụ đông xuân. Mua sách vở học kỳ 2 cho con cái. Mua sắm làm mâm cơm chạp mả. Và các khoản chi khác để vui xuân đón tết cổ truyền…
Cậu em tôi bảo: “Trước đây, cuối năm ai cũng lo sốt vó. Bây giờ có chi nhánh Công ty Hữu Lâm tại Tam Kỳ tuyển dụng lao động theo thời vụ, vì thế giúp nhiều gia đình trong thôn xóm gỡ thế bí khi năm hết tết đến”. Rồi cậu em tôi cho hay, cuối năm là thời điểm người ta sửa sang lại nhà cửa để “tống cựu nghinh tân”, chi nhánh của Thái Viết Ý rất cần lao động phổ thông, thanh niên nông dân trong làng đăng ký “đầu quân” ngay.
Chỉ tính quanh mấy xóm nhỏ cũng đã có hơn bốn chục người, trong đó con cháu bà Được chiếm gần tiểu đội. Tôi hỏi Dũng, nhà gần nhà cậu em tôi: “Thu nhập lao động thời vụ có khá không?”. Dũng thật thà nói: “Dạ, cũng được vài ba chục triệu đồng, mua sắm tết không phải đắn đo so tính gì!”.
Trường - anh trai Dũng, góp chuyện: “Với nhà nông, đồng tiền kiếm được vào mùa đông mưa gió khó lắm! Cũng may, mấy năm gần đây hai anh em Thái Viết Nơi và Thái Viết Ý ới đi làm thời vụ nên nhà nào cũng có tiền mua giày dép mới, quần áo mới cho con cái, sắm sửa các thứ vui xuân đón tết cổ truyền khá tươm tất”.
Bất chợt tôi nhớ lại lời tâm sự của Thái Viết Nơi khi hai chú cháu ngồi trò chuyện với nhau: “Ly quê để khởi nghiệp làm ăn nhưng lúc nào con cũng nhớ quê, nhớ bà con mình ở nơi cắt rốn chôn nhau…”.