Sau tết Kỷ Dậu 1969, nhận lệnh của Đại tá Nguyễn Bình - Tư lệnh Mặt trận 4, Như Hồng theo chân giao liên xuống Hòn Tàu, đến hang Bắc Qua, thôn 1 Xuyên Trà tìm gặp đơn vị Ban 11 thuộc Cục Nghiên cứu. Tại hang Bắc Qua, Thiếu tá Thí - Phụ trách Ban 11 đưa cho Như Hồng mấy quyển sách “Bất khuất”, “Sống như anh”, “Hòn Đất”... để cô đọc mà ngẫm nghĩ, rèn luyện thêm ý chí. Thủ trưởng Thí còn tập huấn kỹ các biện pháp nghiệp vụ hoạt động nội thành. Quan trọng nhất là phải tập gõ thật nhuyễn ma-níp cỡ nhỏ của máy phát RT3 dành cho báo vụ tình báo; nghe, ghi mật mã thật thiện nghệ. Mọi việc tập huấn, căn dặn của thủ trưởng đối với Như Hồng đều không để cho một ai trong đơn vị biết. Hằng ngày cô vẫn làm nhiệm vụ của một báo vụ bình thường ở Ban 11.
Đầu tháng 7.1969, với mật danh H.34, Như Hồng theo anh Bích, anh Kim trinh sát của Ban 11 đi về phía vùng địch chiếm. Từ hang Bắc Qua, hai đồng chí trinh sát, một đi trước một đi sau đưa H.34 men chân Hòn Tàu đổ xuống Phú Thạnh rồi tạt qua Xuyên Châu đến một xóm nhỏ gần đường 1 thì đã 2 giờ sáng. Anh Bích bàn giao H.34 cho cơ sở. Ngồi trong nhà đợi mãi đến sáng trắng H.34 mới theo bà lão làm cơ sở ra đường cái. Đi một đoạn, thấy rõ đường 1, bà chỉ cho H.34 tự lên phía mép đường, nơi cách đầu cầu Bà Rén khoảng 500m về phía bắc. Ở đó có người đón.
Bà Bảy Chung - giao liên hợp pháp ngồi trong một quán nhỏ quan sát. H.34 vừa tới, bà ta tiếp cận ngay. Thấy người lạ với bộ quần áo và chiếc nón kẹp phía tay trái đã được báo trước, H.34 ra mật hiệu, bà ta đáp lại trùng khớp. Hai người xích lại gần, đợi xe Tam Kỳ - Đà Nẵng.
Ở căn cứ đã lâu, bây giờ Như Hồng lại đứng trên đường cái trống trơn với một “bộ diện” khác, lạ hoắc, ngờ ngợ. Lần đầu tiên chị thấy tận mặt những thằng Mỹ cao to, đen như lọ nồi hì hục vác đá làm đường; những thằng Mỹ trắng, mới sáng mà mặt đỏ gay, loay hoay trên cái bục cao của những chiếc xe lu. Khiếp nhất là những thằng Mỹ kẹp súng M16, mặt lừ lừ, dạo trên đường cái cảnh giới cho bọn công binh làm đường. Như Hồng hơi mất tự nhiên, sởn gai ốc. Bà giao liên biết ý, nói nhỏ:
- Bọn Mỹ này không hề nguy hiểm. Lính Mỹ thì đứa nào làm việc đó. Đây là bọn làm đường, không can dự gì đến mình đâu. Một chiếc Tiến Lực hiệu Rờ-nôn chạy tới. Hai người vội lên xe. Trên xe có một thằng mặc “xa vin” mải lén nhìn Như Hồng. Vừa qua cầu Thanh Quýt, bà giao liên giục Như Hồng:
- Mẹ con mình xuống nhanh. Đến nhà rồi!
Hai người nhảy xuống xe, cắt đuôi. Vì có thể đó là một tên mật vụ theo xe đò Đà Nẵng - Tam Kỳ. Cô Bảy Chung ở Bàu Mưng, Thanh Quýt là giao liên tình báo tài ba, đã có hàng trăm cuộc đưa đón cán bộ vào ra nội thành. Bà là người thế lực. Bà làm thân với đủ sắc lính, kể cả bọn thám báo, mật vụ cũng quen tuốt. Bọn chúng rất nể trọng bà Bảy Chung. Như Hồng ngồi đây với bà thì chẳng thằng nào dám hỏi tới. Nói là vậy, nhưng không thể để H.34 ở lại lâu. Liếc nhìn xung quanh, bà giục:
- Thôi mình đón xe ra Đà Nẵng, để bà chủ ngoài đó nóng ruột đợi coi thử bộ dạng mi ra răng...
Hai người tiếp tục lên xe, đến bến chợ Cồn bắt xe ôm chạy thẳng về nhà trọ nằm sâu trong một cái kiệt trên đường Hoàng Diệu. Đây là nhà của anh Sơn, người cùng quê, gọi Bảy Chung bằng mợ. Sơn đi lính, tự gây thương tích cho mình, suýt nữa là ở tù, được giải ngũ, về làm thợ nề. Nhà Sơn rất chật chội. Bảy Chung nói với vợ chồng Sơn:
- Như Hồng là người Sơn Thành, Quế Sơn, cha đi lính chết trận, mẹ cũng lâm bệnh chết luôn. Nó gọi tau bằng cô, bà con xa nhưng tau thương thằng cha nó lắm. Giờ vợ chồng nó chỉ còn một “chút ni” thôi. Tau dẫn hắn ra đây, vợ chồng bay cho nó ở tạm để đi học may, sau này nó có nghề kiếm cơm. Coi như tụi bay làm phúc, giúp người thất cơ lỡ vận. Mình ở đây ngó yên chứ trong làng quê Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn... cảnh chết chóc diễn ra ghê sợ lắm. Con nhỏ ở không nổi mới liều ra đây kiếm miếng ăn. Thật tội cho nó.
Vợ chồng Sơn cho Như Hồng tá túc. Lo chỗ ở xong, Bảy Chung sang nhà kề vách gặp vợ một cảnh sát trắng. Vợ người cảnh sát cũng cùng quê với bà, cô ấy là con của một cán bộ tập kết miền Bắc. Cô ta là người tốt, Bảy Chung rất tin nên đặt thẳng vấn đề nhờ chồng cô làm giấy tờ tùy thân cho Như Hồng. Bà dúi vào tay người vợ cảnh sát nọ một nắm tiền để lo việc. Hơn một tuần sau, Như Hồng có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Có giấy tờ, theo hướng dẫn của tổ chức, Như Hồng tìm đến hiệu may Thanh Tâm ở số 111 đường Thống Nhất học việc. Qua ánh mắt quan tâm và sự chỉ vẽ rất tận tình của bà chủ cửa hiệu may, Như Hồng có cảm nhận đây cũng là người của ta. Nhưng việc cách mạng, ai làm nấy biết. Cô và bà chủ, chẳng một ai để lộ thân phận.
Xong việc học nghề, Như Hồng lên phía phường Thạc Gián tìm chỗ may thuê. Cũng chỉ vài tháng sau, Như Hồng lại đổi nghề và dời chỗ ở. Như Hồng thu xếp đồ đạc, theo Bảy Chung. Nhưng Bảy Chung không đưa cô đi tìm chỗ mà dẫn thẳng đến bến xe. Hai người cùng lên xe đò chạy về phía Bà Rén. H.34 vô cùng băn khoăn về quyết định này của cấp trên. Nhưng “quân lệnh như sơn”, cô tức tốc về Hòn Tàu.
Về lại căn cứ, H.34 ít được tiếp xúc với những người trong đơn vị. Rồi một hôm, Chi bộ tổ chức kết nạp đảng theo một quy chế đặc biệt nhằm bảo đảm bí mật cho H.34 quay lại nội thành. Như thế cũng còn ít khắt khe đấy. Có người chui sâu trong bộ máy địch hoạt động, khi về căn cứ bịt mắt kín mít... Ở trong lòng địch phải chịu nỗi khổ “đồng sàn dị mộng”, về căn cứ thì lại khổ vì “đồng mộng mà dị sàn”. Làm cái nghề này cô đơn lắm...
Một tháng sau, H.34 trở lại nội thành.
Về tới bến xe, Bảy Chung cùng H.34 vọt xe ôm đến Viện Cổ Chàm. Thương gia Tùng Lâm bon bon trên chiếc xe máy Yamaha cũng vừa dừng lại ở đó. Như Hồng nhảy lên xe, thương gia Tùng Lâm quay ngược trở lại nhà thuê ở gần chợ Cồn. Ngôi nhà này khá rộng, lại có bà Tám Quận đóng vai nội trợ đã từ lâu tại đây.
Thương gia Tùng Lâm là một “tay chơi” sành điệu. Suốt ngày ông ta chạy xe lòng vòng liên hệ mua hàng, nhậu và đánh bạc. Tối về lại còn rủ rê cảnh sát đến đánh đô-mi-nô cành cạch suốt đêm. Ông Tùng Lâm đã tạo được một cái vỏ bề ngoài của một con người hoàn toàn khác. Cả cái xóm trong hẻm này, cả đám sĩ quan, hạ sĩ quan ngụy... đều xưng hô thân mật: Anh Năm Sài Gòn với những ngón nghề cờ bạc tuyệt cú mèo.
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG