Người mang số tù 041

HÀ AN 23/10/2018 03:20

Theo tàng thư do địch để lại, vào ngày 20.7.1961, Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam, trực thuộc Nha cảnh sát miền Bắc - Trung nguyên - Trung phần - Tôn Thất Dần ghi kết luận vào bản lý lịch can cứu chính trị của tù nhân 041 - Trần Ngự là “Đảng viên Cộng sản kỳ cựu (1949) trung kiên khó cải tạo. Trưởng ty Tôn Thất Dần đề nghị “giáo hóa để biệt ngoại và trừng trị xứng đáng với tội lỗi” thời gian 2 năm tại Trung tâm cải huấn Đà Nẵng và phân loại A - loại tối nguy hiểm cho chế độ Sài Gòn.

Chặng đường cách mạng

Chị Trần Thị Thanh Hải, người con gái đầu lòng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Ngự cho tôi xem tấm hình của bố chị lúc ở tù, mà chị kỳ công tìm kiếm. Bởi từ lúc sinh ra cho tới ngày ông hy sinh chị chỉ gặp bố được hai lần, một lần lúc chị mới hơn 1 tuổi chưa biết gì và lần thứ hai lúc ông về thăm vợ con giữa khuya để tránh sự lùng sục của địch. Lần cuối cùng gặp bố, chị chỉ nhớ ông ôm chị vào lòng rồi vội vã đi trong đêm. Chị nói trong nước mắt: “Từ nhỏ đến giờ, lần đầu tiên chị nhìn thấy chân dung bố chị, trong bộ áo tù của địch. Em nhìn xem khuôn mặt ông khắc khổ vì đòn roi của địch, nhưng đôi mắt vẫn sáng trong, không hề run sợ trước kẻ thù”.

Ông Trần Ngự sinh ra trong gia đình khá giả ở làng Hóa Quê, tổng An Mỹ nay là xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức; khi tham gia cách mạng lấy tên Trần Thanh Tâm. Năm ông 18 tuổi, ông tham gia nhóm Thanh niên phản đế và giữ chức Bí thư Đoàn thanh niên xã. Năm 1945, ông làm Ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến phụ trách văn xã. Năm 1949, ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, tại Đại hội Chi bộ xã Quế Thọ lần thứ 3 ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, từ năm 1947 đến năm 1954 làm Bí thư Đoàn thanh niên xã, Trưởng ban Tuyên huấn của xã Quế Thọ. Hiệp định Giơnevơ ký kết, ông được phân công ở lại hoạt động bí mật để xây dựng cơ sở, vận động nhân dân đấu tranh, đòi kẻ địch thực hiện nghiêm túc hiệp định, tổ chức tổng tuyển cử thành công.

Những ngày tù ngục

Cơ sở bị lộ, tháng 10.1956, ông bị địch bắt giam ở quận lỵ Quế Sơn, rồi giam ở nhà lao Hội An. Ông chịu nhiều cực hình, thủ đoạn tra tấn dã man của địch, nhưng không hề khai báo cơ sở của ta. Gần 2 năm sau, không khai thác được gì, chúng thả tự do cho ông. Ra tù, ông được Bí thư Huyện ủy Quế Sơn - Cao Đình Trung giao nhiệm vụ tiếp tục hoạt động xây dựng cơ sở, theo dõi nắm bắt hoạt động của bọn tề điệp ác ôn quận Hiệp Đức và xã Sơn Tú để có kế hoạch đối phó. Đến tháng 12.1959, cơ sở bị lộ, ông bị bắt giam lần hai. Lần này bọn chúng dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm hơn, tra tấn tàn độc hơn, nhằm tìm ra tung tích ông Cao Đình Trung. Trong hồi ký của bà Nguyễn Thị Lũy - bạn tù của ông Trần Ngự viết: “Chúng nghi nhiều nên tra tấn anh rất dã man, liên tiếp trong một tuần, khi lính đẩy anh xuống phòng giam thì cả người sưng bầm tím, da rướm máu, hai mắt anh như muốn lồi ra, tay chân đều sưng to, áo quần ướt đẫm máu, mồ hôi và nước xà phòng… Suốt một tuần anh Ngự không ăn được, mà nằm cũng rất khó vì cả người không còn chỗ nào là không có dấu vết tra tấn…”. Chúng đày ông đến nhà lao Hội An, rồi tiếp tục đưa về Ty Công an tỉnh Quảng Nam, nhưng ông vẫn kiên cường, không khuất phục. Vì vậy, địch mới phân loại A, loại tối nguy hiểm cho người mang số tù 041 - Trần Ngự.

Mùa xuân năm 1963, trong những ngày bị giam cầm ở nhà tù của địch, ông gửi về cho người vợ thân yêu chiếc khăn thêu với 2 câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Hai câu thơ trong đó có hình ảnh “con én đưa thoi” báo hiệu cho người vợ cũng như đồng chí của mình biết rằng, thời gian trôi qua rất nhanh, tiếc nuối thời gian bị giam cầm ở trong tù và báo hiệu mùa xuân đến, hy vọng ngày gặp mặt. Và đúng như dự kiến của ông, sau sự kiện Ngô Đình Diệm lật đổ, ông và nhiều đồng chí được trả tự do. Ông trở về quê nhà, hơn 3 năm giam cầm trong tù Mỹ ngụy, tìm cách móc nối với cơ sở để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Sau khi trở về, ông Trần Ngự được Huyện ủy Quế Sơn tín nhiệm phân công vào Đội công tác vùng tây Quế Sơn, làm Phó ban Tuyên huấn Huyện ủy. Được quần chúng nhân dân ở vùng núi bán sơn địa che giấu, tin tưởng, ông đã từng bước xây dựng cơ sở cách mạng và phát triển phong trào đời sống văn hóa tinh thần, củng cố “trận địa lòng dân”.

Năm 1965, quân ta đánh bứt đồn Cao Lao, để mở cơ hội giải phóng các xã Sơn Tây, Sơn Tú, Sơn Hòa. Lúc bấy giờ dọc đường 16 thuộc huyện Hiệp Đức chỉ có Đông An (quận lỵ Hiệp Đức) địch còn chiếm đóng. Người dân sống trong vùng địch chưa hiểu nhiều về cách mạng, ông Trần Ngự tổ chức nhiều buổi mít tinh, tuyên truyền cho nhân dân niềm tin đối với cách mạng, cùng quyết tâm kháng chiến, giành độc lập. Năm 1967, ông là Huyện ủy viên, Phó ban Tuyên huấn kiêm Phó ban Đấu tranh chính trị, binh địch vận huyện Quế Sơn. Vận dụng khả năng sáng tác tuyên truyền, ông viết thư kêu gọi lực lượng binh lính bỏ súng trở về với cách mạng, với gia đình. Nhiều người như Trần Lầu, Trần Ngọc Hoàng, Trần Hảo, Trần Được, Hồ Lạc… người làng Hóa Trung quê ông, đã quay về tham gia du kích, lập nhiều chiến công, trong đó có ông Trần Ngọc Hoàng trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ.

Mờ sáng ngày 4.4.1968, trên đường đi công tác từ Quế Sơn về các xã vùng ven quận Hiệp Đức, ông lọt vào ổ phục kích của Mỹ ở ruộng Sứ, Đình Lá, thôn Cẩm Tú, xã Quế Thọ. Mặc cho bị trọng thương, với bản lĩnh kiên cường, ông đã dùng khẩu súng phòng vệ tiêu diệt 1 tên Mỹ, làm bị thương đồng bọn của chúng. Ông đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đau đớn thay, người con gái út của ông mới sinh được 5 tháng phải mồ côi cha. Ông hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương nhưng phút cuối không gặp được người vợ trẻ.

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp cách mạng, ông Trần Ngự đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập... Và ngày 9.10.2014, Chủ tịch nước đã có quyết định truy tặng liệt sĩ Trần Ngự danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

HÀ AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người mang số tù 041
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO