"Người mẫu" thời chiến, giờ biết tìm đâu?

HỨA XUYÊN HUỲNH 21/06/2015 10:56

Bước ra từ chiến trường khu 5 ác liệt, sau hàng chục năm nhiều họa sĩ vẫn khắc khoải nhớ về những con người từng làm “mẫu” để ký họa. Giờ họ còn hay mất, và biết tìm ở nơi đâu?

Tìm nhau qua tranh vẽ

“17 tuổi, đánh trên 20 trận ngay trong thành phố, giữa ban ngày, diệt 250 tên giặc”, dòng ghi chú về một nữ biệt động thành Đà Nẵng “Đoàn Thị T.” trong ký họa bằng chì than của Giang Nguyên Thái gây tò mò bởi đây là trường hợp hiếm hoi viết tắt tên nguyên mẫu. “Hồi đó không ai dám viết tên thật trên bản vẽ, lỡ tôi bị địch bắt thì sẽ lộ hết. Tên của cô ấy là Tứ, Đoàn Thị Tứ” - họa sĩ Giang Nguyên Thái giải thích.

Ông Thái vẽ Đoàn Thị Tứ ngày 10.12.1972, dịp tiếp xúc 1 tuần với Đội biệt động Lê Độ - Đà Nẵng đang đóng tại vùng B Đại Lộc. Bây giờ, họa sĩ đã bước sang tuổi 72 tuổi với chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội văn nghệ dân gian TP.Hà Nội, còn Đoàn Thị T. nếu còn sống cũng đã ngót 60 tuổi. “Xin hãy nhắn giùm là tôi rất muốn gặp lại Tứ, người đã làm mẫu cho tôi vẽ” - ông Thái tâm sự.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái (giữa) ký họa ở chiến trường khu 5, ảnh tư liệu của họa sĩ Giang Nguyên Thái.
Họa sĩ Giang Nguyên Thái (giữa) ký họa ở chiến trường khu 5, ảnh tư liệu của họa sĩ Giang Nguyên Thái.

Rời mặt trận Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, họa sĩ Giang Nguyên Thái mang theo khoảng 200 ký họa. Trong số đó, có hơn 70 bức vừa được tập hợp, giới thiệu trong cuốn Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960-1975 cùng với 13 tác giả khác từng bám trụ ở chiến trường khu 5 (tổng cộng hơn 300 tác phẩm). Chính ông Thái vừa ở Quảng Nam suốt một tháng để giúp Ban Tuyên giáo Quảng Nam hoàn thành công trình dày dặn này và được ấn hành vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam 24.3.2015 (Tập sách ảnh “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975”, xuất bản tháng 3.2015). Nhưng ít ai ngờ đằng sau những bức ký họa tĩnh lặng kia, sau hàng chục năm im tiếng súng, lại có những đợt sóng cuộn sôi âm ỉ trong ký ức, và có những chuyến thôi thúc tìm về miền đất cũ…  

Họa sĩ Giang Nguyên Thái kể với chúng tôi rằng, ông từng cất công đi tìm hai anh em Hùng và Hinh, những du kích xã Lộc Thuận cũ, nay thuộc xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc). Họ là nguyên mẫu trong bức ký họa đề ngày 17.10.1972. Năm 2005, ông về đến chợ Phú Thuận hỏi thăm, lần ra tung tích một người, còn người thứ hai đã sang Mỹ. Lần khác ở Quảng Ngãi, phải rất lâu thì nhân vật mới nhận ra tác giả: “Tôi vẽ ông Mực hồi năm 1971 ở huyện Sơn Tịnh. Lúc đó ông ấy mới khoảng 40 tuổi, khỏe mạnh lắm, một tay xách đại liên tay kia xách hòm đạn chạy phăng phăng. Năm 2009, tôi tìm đến tận nhà nhưng ông Mực không nhớ. Mãi đến khi tôi đưa bức tranh ra, ông ấy mới ồ lên ôi họa sĩ Thái đây rồi!”.

Khung cảnh bình yên ở bến đò Thu Bồn vẽ tháng 10.1974, không lâu sau đó tác giả Hà Xuân Phong đã hy sinh.
Khung cảnh bình yên ở bến đò Thu Bồn vẽ tháng 10.1974, không lâu sau đó tác giả Hà Xuân Phong đã hy sinh.

Khi ký họa trở thành “di ảnh”

“Tôi sẽ sớm trở lại các vùng đất mà mình từng vẽ” - nhà điêu khắc Phạm Hồng, người có nhiều ký họa được sưu tầm đợt này, cũng quả quyết khi chúng tôi gợi nhắc về bức tranh ông vẽ hồi tháng 6.1968. Bác sĩ Hà khi ấy đang mổ cho một ca bị thương nặng tại bệnh xá dã chiến F1 Quảng Nam ở vùng rừng núi Dương Yên. Không ai ngờ đây lại là di ảnh quý hiếm của chị. “Bởi sau đó chỉ khoảng 2 năm, tôi được tin địch ném bom trúng bệnh xá, bác sĩ Hà bị thương cụt cả 2 chân nhưng cương quyết không chịu băng bó, từ chối uống thuốc vì muốn để dành thuốc men cứu các thương binh khác, và đã hy sinh. Giờ tôi rất muốn đến lại vùng đó, để xem có thông tin nào về chị ấy không” - ông Phạm Hồng xúc động.

Những tác phẩm đẫm máu
Họa sĩ tác nghiệp ở chiến trường khu 5 nhiều lần bị địch phục kích, ném bom hoặc truy đuổi. Họa sĩ tài hoa Hà Xuân Phong (người thiết kế ngôi nhà sàn làm nơi ở của giới họa sĩ và tổ văn - thơ Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung Bộ) đã hy sinh bên dòng Trà Nô năm 1974. Riêng nhóm Giang Nguyên Thái, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Khắc Phục trong lần tiếp cận đồng bào cắm cờ giữ đất gần đồn giặc ở huyện Điện Bàn ngày 29.1.1973 đã bị xe M113 truy đuổi phải chạy tránh đạn men bờ ruộng, vượt sông Thu Bồn, 3 giờ sáng mới về tới Xuyên Thanh. Lần vẽ chân dung một bà mẹ Gò Nổi (Điện Bàn) bám trụ, Giang Nguyên Thái cũng bị xe M113 kéo đến từ ba phía, phải liều bơi qua quãng sông rất rộng để thoát hiểm.

Rất có thể chuyến đi mới của nhà điêu khắc Phạm Hồng sẽ khó thành công như các lần ông trở lại Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Sanh… Bởi nhiều người đã mất, nhiều vùng đất “thất lạc” địa chỉ trên các bức ký họa và cả trong trí nhớ. Trên hàng trăm tác phẩm bằng chất liệu bút sắt, màu nước, mực nho, bút dạ, chì than, phấn sáp…, chỉ còn lại chân dung các già làng, các mẹ, các em, các du kích và người dân bám trụ. Những cái tên rất dễ lẫn vào bất cứ gia đình, thôn xóm nào đó, như mẹ Hòa, mẹ Tứ, mẹ Ký, má Chước, già làng xã Pui, già làng xã Poa, thím Nhẫn, thím Thanh, chị Bảy A, em Lơ… Song cũng có những “di ảnh” khiến tác giả day dứt, như T. của đội biệt động thành Đà Nẵng hay Hà của F1 Quảng Nam. Nên họ vẫn tin sẽ có được những cuộc trùng phùng giữa họa sĩ và nguyên mẫu: Hoa - du kích xã Đại Đồng (tranh của Nguyễn Đức Hạnh), anh hùng Lê Thị Thanh trong hội nghị A7 Quảng Nam (Hồng Chinh Hiền), má Sáu - mẹ chiến sĩ vùng Sơn Cẩm Hà (Trần Việt Sơn), nàng Keo dệt vải ở vùng tây Quảng Nam (Hoàng Đình Tài), cựu tù Côn Đảo Lê Xuân Long (Triệu Khắc Lễ)…

Nhiều ký họa chiến tranh của họa sĩ bám trụ khu 5 đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sưu tầm. Khi trưng bày tại Bulgari năm 1978, họa sĩ Giang Nguyên Thái chỉ bán một số bức sơn dầu cho Viện Bảo tàng mỹ thuật trung ương Bulgaria, quyết giữ 100 bức ký họa chiến trường vì ông bảo đó là tư liệu quý gói ghém hình ảnh của đồng bào khu 5. Và nhiều “hình ảnh” như thế đang khiến họ đau đáu: “Xin nhà báo hãy cùng chúng tôi tìm giúp xem các chiến sĩ dũng cảm của Đội biệt động Lê Độ ngày ấy giờ còn ai không” - họa sĩ Giang Nguyên Thái khẩn khoản.

 HỨA XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Người mẫu" thời chiến, giờ biết tìm đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO