Tôi trở về quê cũ vào một chiều cuối tháng 7.2018. Làng quê xưa một thời đói nghèo đeo bám bởi vùng đất bạc màu cát trắng, đầy nắng gió. Con sông Trường Giang không chở phù sa bồi đắp đôi bờ. Sông mang trong mình hai dòng mặn ngọt nên cánh đồng quanh năm suốt tháng gánh chịu chất đất chua phèn. Đó là xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ.
Tam Thăng là cửa ngõ vùng đông Tam Kỳ. Nơi đây có vị thế chiến lược vô cùng quan trọng, là vành đai bảo vệ tỉnh đường Quảng Tín của chế độ cũ. Năm 1964, Tam Thăng được cách mạng giải phóng, phá ấp chiến lược, diệt đồn bốt địch, làm bàn đạp trọng điểm mở rộng vùng giải phóng cho các xã Kỳ Anh, Kỳ Phú, một phần xã Kỳ Trung (Tam Tiến ngày nay) dọc bên kia sông Trường Giang và một số xã vùng đông Thăng Bình như Bình Nam, Bình Sa, Bình Hải… Ngày ấy, những người mẹ, người chị nô nức đưa tiễn con em mình lên đường ra mặt trận gia nhập quân giải phóng hoặc tham gia đội du kích… Năm 1975, kết thúc chiến tranh, xã Tam Thăng có 1.250 liệt sĩ, với 17 gia đình có 3 liệt sĩ trở lên; có 49 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 9 mẹ hiện còn sống. Trong số những người mẹ ấy, phải kể đến liệt sĩ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Nhiều. Mẹ cùng với chồng và ba người con trai đều hy sinh vì quê hương, đất nước.
Tháng 4.1965, con trai lớn của mẹ là du kích Phạm Nữa tham gia trận chống càn của địch. Quân địch có cả tiểu đoàn với súng ống, xe tăng trang bị hiện đại. Còn đơn vị anh Nữa chưa đầy một tiểu đội. Giữa vòng vây quân thù anh đã bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Địch kéo lê thi thể anh ra cánh đồng phơi nắng giữa trưa mùa hè 1965. Con trai thứ hai của mẹ tên Phạm Huế, tham gia bộ đội chủ lực quân khu 5 thuộc Trung đoàn 1, Tiểu đoàn 90, Đại đội 2. Hồi ấy anh Huế và tôi cùng học lớp y tá, ra trường anh được điều về trực tiếp phục vụ chiến đấu. Lúc hành quân vào đánh trận Ba Gia, Quảng Ngãi, trong lúc đơn vị nghỉ giải lao tôi có gặp anh, từ dạo ấy không còn gặp nhau nữa. Thời gian sau, đơn vị hành quân xuống đánh Vạn Tường tôi gặp một bạn đồng hương báo tin buồn, anh đã hy sinh trong trận Ba Gia, đồng đội mai táng dưới chân một quả đồi thuộc huyện Sơn Tịnh. Sau năm 1975, gia đình đưa hài cốt anh về cải táng ở đồi sim quê nhà. Người con thứ ba của mẹ tên Phạm Hàng, đang học dang dở chương trình cấp II thì xung phong vào Ban an ninh huyện Bắc Tam Kỳ. Sau Tết Mậu Thân 1968, Phạm Hàng cùng đội công tác về quê hoạt động, quyết không cho địch xây dựng lại chính quyền chống phá cách mạng… Lúc ấy mẹ Nhiều làm nhiệm vụ cảnh giới địch, báo cho đội công tác và ngụy trang hầm bí mật cho anh em. Nếu địch về ban đêm mẹ thắp ba cây hương trước bìa sân, nếu ban ngày thì mẹ giả vờ đuổi gà. Nhờ đó mà đội công tác an ninh huyện Bắc Tam Kỳ tránh tổn thất về lực lượng.
Vào một đêm không trăng, anh Hàng và đội công tác “mò” về hoạt động. Lúc đó, địch ở trên nổng cát cách nhà mẹ chừng hơn 2km. Anh em ở tạm hầm trú ẩn của mẹ định sáng mai địch càn tới sẽ “chui” hầm bí mật. Không ngờ, nửa khuya chúng ập đến phía sau rừng. Mẹ phát hiện, báo tin khẩn cấp, anh em vội thoát thân, bỏ lại thùng đạn đại liên trong đó đựng nhiều tài liệu tối mật của ban an ninh. Mẹ đào chôn vội vã ở luống cải sau vườn… Địch ập vào nhà, phát hiện có 3 cái chén và 3 đôi đũa cùng nồi cháo còn dang dở mẹ chưa kịp dọn. Biết có cộng sản vừa mới ở đây, chúng lục soát tung tóe trong hầm, ngoài bụi tre. Không phát hiện ra dấu vết gì, chúng tra hỏi mẹ đủ điều. Mẹ quyết không khai báo. Bọn chúng cho mẹ là ngoan cố, lôi ra bắn giữa sân nhà. Địch rút đi, bà con hàng xóm sang chôn cất mẹ. Không có quan tài, thi thể mẹ được bọc bằng tấm chiếu và mấy nẹp tre tươi bó kẹp ở ngoài… Bà con hàng xóm ngậm ngùi đưa tiễn mẹ với nỗi đau thương chồng chất.
Lúc ấy, anh Hàng và đội công tác thoát hiểm nguy, chạy ra hướng xã Bình Sa, Thăng Bình “chui” hầm bí mật. Địch lần theo dấu chân các anh, phát hiện được hầm bí mật. Chúng la ó kêu gọi các anh đầu hàng. Nhưng với ý chí kiên trung, lòng dũng cảm, các anh không chịu khuất phục trước kẻ thù. Anh Hàng cùng đồng đội tung nắp hầm ném lựu đạn mở đường thoát. Tuy nhiên anh Hàng đã trúng đạn của kẻ thù, anh dũng hy sinh, được nhân dân Bình Sa mai táng ngay bên hầm bí mật. Sau năm 1975, gia đình đưa hài cốt anh về cải táng ở quê nhà.
Sau năm 1969, gia đình mẹ Nhiều chỉ còn người con gái Phạm Thị Chánh và con trai út là Phạm Hồng Yên, mới 10 tuổi. Chị em dắt díu nhau ra trú đỡ một nhà người thân ở Đà Nẵng cho Yên ăn học.
Sau này, Phạm Hồng Yên trở thành bác sĩ, sống ở TP.Tam kỳ nhưng anh thường xuyên về quê cũ làm vườn. Một hôm anh cuốc đất trồng rau, nhát cuốc bổ sâu vào lòng đất chạm phải một vật cứng. Anh bới lên, thấy một thùng đạn hoen gỉ. Đem vào nhà, anh mở nắp thùng, bên trong có một bọc ny lon màu đen. Anh cẩn thận bóc từng lớp, từng lớp, dần lộ ra một bọc giấy đã ố vàng. Đó chính là tài liệu đội công tác bỏ lại khi chạy thoát hiểm trong vòng vây của địch được mẹ Nhiều chôn dưới lòng đất. Hồi ấy, các anh ở đội công tác còn sống có quay lại tìm thùng tài liệu nhưng không thấy. Mẹ Nhiều đã hy sinh mất rồi, các anh cứ ngỡ địch đã lấy thùng tài liệu ấy…
Hôm về quê thắp hương cho gia đình mẹ Nhiều, bác sĩ Yên cho tôi xem số tài liệu ấy. Tôi lật mở từng trang, chậm rãi đọc từng câu, từng chữ được in ly tô và có bản viết tay, tôi nhận ra ngay đó là nét chữ của anh Hàng, còn nguyên nét bút học trò. Trong tài liệu có những chỉ thị của cấp trên, tên các điệp viên nằm vùng và những đối tượng chống phá chính quyền cách mạng… Điều bất ngờ và kỳ diệu là bọc tài liệu nằm trong lòng đất mấy mươi năm nhưng những trang giấy với nét chữ của liệt sĩ Phạm Hàng vẫn còn nguyên, và nay lại trở về với người thân yêu của gia đình là một việc hiếm có. Tôi có gợi ý với bác sĩ Yên đem tài liệu gửi Bảo tàng Quảng Nam, bởi đây là tư liệu quý về cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân dân ta. Bác sĩ Yên trầm tư không nói thành lời. Trong suy nghĩ của tôi, hay là bác sĩ Yên còn khiêm tốn, không muốn phô trương, cũng như mẹ anh - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Nhiều đã luôn âm thầm hy sinh vì cách mạng, vì quê hương.
PHẠM PHÚ HƯNG