Người Quảng Nam

Người mê cổ vật

PHAN VINH 04/08/2024 13:33

“Cổ vật quý giá nhất là ở câu chuyện đằng sau đó, giá trị mà nó mang lại phải được lan tỏa một cách tích cực”. Từ tâm niệm này, có một người Quảng mê đồ cổ và ghi dấu ấn với cộng đồng từ chính đam mê của mình.

Anh Trần Duy Lập giao lưu cùng một bộ vật phẩm với khách. Ảnh: PHAN VINH
Anh Lập (bìa phải) bên một bộ vật phẩm. Ảnh: PHAN VINH

Anh là Trần Duy Lập (SN 1975, quê ở xã Quế Ninh, Nông Sơn), hiện sinh sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều cổ vật có giá trị trong bộ sưu tập của mình, anh đã không ngại ngần góp vào các phiên đấu giá để hỗ trợ đồng hương xứ Quảng.

Đam mê cổ vật

Gia đình anh Trần Duy Lập vào Nam sinh sống và lập nghiệp đúng nghĩa đen của cụm từ “tha hương cầu thực”. Cuộc “tha hương” thứ nhất, lúc anh chưa ra đời, gia đình dắt nhau lên Đà Lạt sau khi mất trắng tất cả bởi cơn lũ lịch sử năm Giáp Thìn (1964).

Sau ngày giải phóng (1975), gia đình anh về lại quê hương Nông Sơn. Nhưng khi anh được 1 tuổi, ba anh mất sau một biến cố. Quê nhà khó khăn, gia đình anh lại có cuộc “tha hương” thứ hai. Năm 1980, cả gia đình lại tìm đến tỉnh Đồng Nai, ở nhờ nhà bà con để sinh sống, lập nghiệp.

“Từ phận ăn nhờ ở đậu, đến gần 5 - 7 năm sau mới có đất, xây nhà, căn nhà dù trống hoảnh nhưng vẫn là niềm hạnh phúc với cả gia đình hơn 10 người lớn nhỏ. Nhà càng trống, thì mình càng ước nhiều thứ.

Hồi đó, mỗi lần đi ngang nhà hàng xóm, mình cố tình đi thật chậm nơi cửa để được liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường, 12 con số La Mã, 3 cây kim và những nhịp lắc đơn điệu nhưng lại khơi dậy trong mình nhiều sự thích thú kỳ lạ” - anh Lập kể.

Anh Lập bên bộ sưu tập cổ vật và đồ xưa của mình. Ảnh: PHAN VINH
Anh Lập bên bộ sưu tập cổ vật và đồ xưa của mình.

Yêu mến cái đẹp và có năng khiếu ở những bộ môn nghệ thuật, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh thi đậu vào một trường mỹ thuật ở TP.Hồ Chí Minh. Những ngày ở thành phố, tiếp xúc thêm về mỹ học, tiềm thức yêu mến đồ cũ, đồ xưa lại trỗi dậy.

Cuối tuần, khi bài vở ít một chút, Trần Duy Lập đạp xe dạo các con đường mua bán đồ cũ ở thành phố, buổi sáng anh lê la ở đoạn Trường Sa, chiều tà lại rảo bước sang chợ Nhật Tảo...

“Sinh viên, chạy ăn từng bữa, nên làm gì có tiền mua đồ. Mình chỉ tới để ngắm cho thỏa thích thôi, riết rồi mấy chợ đồ cũ, ai cũng quen mình. Không mua mà họ cũng mến, mình hỏi cái gì họ cũng nói” - anh Lập kể.

Từ những ngày “lê la” đó, anh bắt đầu nghĩ đến chuyện sưu tầm những đồ cũ, đồ xưa. Sau này, có điều kiện hơn, Trần Duy Lập “chi mạnh tay” để có được những món đồ cổ giá trị.

Hiện nay, anh Lập sở hữu hơn 1.000 vật phẩm, trong đó có khoảng 100 vật phẩm là đồ xưa với tuổi đời 50 năm trở lại. Trong đó, hơn 50 vật phẩm đồ cổ, đồng hồ, loa kèn... của các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ... với niên đại từ năm 1900.

Anh Lập cũng từng đưa các vật phẩm của mình đến trưng bày tại nhiều triển lãm đồ cổ ở Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh thành khác. Có một chiếc đồng hồ tủ sản xuất tại Anh khoảng năm 1830 với dòng máy 2 tạ cáp, chuông ché là vật anh trân quý nhất trong bộ sưu tập của mình.

Anh Lập kể, trong giới chơi đồ cổ ở Việt Nam, rất nhiều người sở hữu những vật phẩm độc bản, quý hiếm nhưng họ ít xuất hiện trước truyền thông bởi thị phi xung quanh bộ môn này rất phức tạp.

Bản thân anh, đến nay đã tương đối am hiểu về đồ cổ, nhưng trước đó, phải trả “học phí” rất nhiều lần. Anh bị lừa bán hàng giả, hay chuyển cọc mà không được nhận hàng...

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bà Rịa - vũng Tàu. Ảnh: PHAN VINH
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bà Rịa - vũng Tàu. Ảnh: PHAN VINH

“Đồ cổ là môn chơi dễ làm cho người ta đi đến con đường sai trái nếu thực tâm họ không yêu mến giá trị đằng sau đó. Đầu tiên, việc định giá một vật phẩm hiện vẫn rất mơ hồ, đặc biệt là những vật hiếm, gia chủ hoàn toàn có thể hô giá trên trời.

Hơn nữa, công nghệ làm giả đồ cổ hiện nay rất tinh vi, người mới chơi không thể nắm được. Chưa kể việc lừa đặt cọc, hủy cọc, bùm hàng...

Đồng tiền dễ dắt người chơi đi xa với câu chuyện ban đầu, nên bản thân mình ý thức rất rõ và vô cùng nghiêm khắc với bản thân cũng như việc lựa chọn cộng đồng để giao lưu đồ cổ” - anh Lập khẳng định.

TP.Vũng Tàu là nơi tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2 (2023 - 2028) của Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại khu vực phía Nam, ông Nguyễn Văn Đẩu - Chủ tịch hội cho biết, khi tổ chức sự kiện này, gần như tất cả đầu mối đều liên hệ chỗ anh Trần Duy Lập.

“Anh Lập là người ít nói nhưng việc gì liên quan đến đồng hương anh cũng xung phong đảm nhận. Anh còn không ít lần ủng hộ hiện kim, vật phẩm đấu giá và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong công tác đồng hương ở các tỉnh thành phía Nam”.

Gây quỹ hỗ trợ đồng hương

Hình như những tâm niệm trong thú chơi đồ cổ cũng vận vào tính cách con người. Đối với việc mua bán, giao lưu, Trần Duy Lập nói, anh phải nhìn thấy được đối tác có sự đam mê, trân quý vật phẩm một cách đặc biệt thì anh mới trao gửi, còn người chi tiền mua vì mục đích khác, anh sẽ tìm cách từ chối một cách tinh tế.

Anh Lập giới thiệu về vật phẩm máy hát loa kèn cổ (Thụy Sĩ) do mình tặng được đưa ra đấu giá gây quỹ ủng hộ đồng hương quê nhà. Ảnh: PHAN VINH
Anh Lập giới thiệu về máy hát loa kèn cổ (Thụy Sĩ) do mình tặng được đưa ra đấu giá gây quỹ ủng hộ đồng hương quê nhà. Ảnh: PHAN VINH

Tuy nhiên, cũng có đôi lần anh Lập “phá lệ” khi đưa sản phẩm của mình xuất hiện ở các hoạt động đấu giá, nhưng là đấu giá gây quỹ hỗ trợ đồng hương quê nhà Quảng Nam.

Anh Lập cho biết, ở Bà Rịa - Vũng Tàu có khá đông người Quảng sinh sống, tập trung ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, thị xã Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu.

Khoảng năm 2008, anh có chơi với một nhóm bạn ở TP.Vũng Tàu, kỳ lạ là 8 anh em đều là người Quảng Nam, quê ở các huyện Thăng Bình, Đại Lộc, Duy Xuyên...

Mọi người cùng rủ nhau tham gia Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.Vũng Tàu do ông Nguyễn Thành Sỹ lúc bấy giờ làm Chủ tịch hội.

Sau đó, năm 2009, anh Lập thành lập Câu lạc bộ Trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến năm 2019, được sự động viên của ông Châu Văn Mẫn, câu lạc bộ chính thức ra mắt và trực thuộc Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay câu lạc bộ đã có đến 200 người.

Anh Lập tham gia công tác đồng hương tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: PHAN VINH
Anh Lập tham gia công tác đồng hương tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: PHAN VINH

Trong giai đoạn COVID-19, anh Lập đứng ra kêu gọi, quyên góp tiền, nhu yếu phẩm ở miền Nam gửi về quê nhà Quảng Nam hỗ trợ lực lượng chống dịch và bà con.

Thấy được ý nghĩa của việc hỗ trợ đồng hương, gợi lại cho anh kỷ niệm về những ngày đầu cùng gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp được sự giúp đỡ của bà con, anh càng hăng hái hơn.

Tại những ngày họp mặt đồng hương, ra mắt các Hội Doanh nhân Quảng Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu hay các tỉnh phía Nam, anh Lập đều tặng các món đồ cổ để ban tổ chức đấu giá gây quỹ hỗ trợ quê nhà. Những vật phẩm được anh Lập mang đến phiên đấu giá đồng hương đã kêu gọi được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ cho bà con quê nhà.

“Như mình đã nói, cổ vật quý giá nhất là ở câu chuyện đằng sau đó, giá trị mà nó mang lại phải được lan tỏa một cách tích cực. Và những vật phẩm mình tặng cho các hội đồng hương đã thực hiện trọn vẹn ý nghĩa đó.

Có thể trong phiên đấu giá đó, chiếc đồng hồ cổ chỉ được đấu tới 100 triệu đồng thôi, nhưng bà con còn đồng hành ủng hộ thêm vài trăm triệu nữa để hưởng ứng, tức là từ vật phẩm này, bà con ở quê được giúp đỡ thêm một phần nào đó. Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì thú chơi đồ cổ của mình mang lại một giá trị nào đó cho quê nhà Quảng Nam” - anh Lập nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người mê cổ vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO