Đời sống

Người mẹ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm

VÂN TRÌNH 05/05/2024 10:16

Bà Doãn Ngọc Trâm - mẹ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, vừa qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 100 tuổi. Ít ai biết, chính người mẹ - một phụ nữ trí thức của Quảng Nam, đã định hướng nghề nghiệp, bản lĩnh và phẩm chất anh hùng cho con gái mình.

459-202404241045581.jpg
Dược sĩ Doãn Ngọc Trâm, người mẹ của Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn nhật ký chiến trường nổi tiếng, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ không chỉ của Việt Nam mà còn lay động trái tim của bao con người yêu chuộng tự do, hòa bình, bác ái trên thế giới.

Người phụ nữ trí thức

Bà Doãn Ngọc Trâm sinh ngày 23/12/1925, quê làng Mỹ Hảo - một làng quê hiền hòa, thơ mộng bên dòng Vu Gia, nay thuộc xã Đại Phong, huyện Đại Lộc. Theo thông tin từ một người bà con trong tộc là ông Doãn Đức Ba thì bà Doãn Ngọc Trâm thuộc đời thứ 10, phái Nhì, chi Nhất của tộc Doãn làng Mỹ Hảo.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, khá giả, bà là con cả trong gia đình ông Doãn Tư Kỉnh (còn gọi là ông Trợ Kỉnh). Trong kháng chiến chống Pháp, bà từng dạy học ở Trường Thiếu sinh quân do Thiếu tướng Nguyễn Sơn làm Hiệu trưởng. Về sau, bà học Trung cấp, rồi Đại học Dược Hà Nội và trở thành giảng viên của trường này cho đến lúc nghỉ hưu.

Xây dựng gia đình với ông Đặng Ngọc Khuê, bác sĩ, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngoại, Bệnh viện Xanh Pôn, bà Doãn Ngọc Trâm có 4 người con gái đều mang tên giống mẹ, chỉ khác nhau tên đệm: Thùy Trâm, Phương Trâm, Hiền Trâm, Kim Trâm. Trong đó, Đặng Thùy Trâm là con cả và cũng là người con duy nhất theo nghề của ba mẹ.

Sinh thời, bà Doãn Ngọc Trâm cho biết: “Thùy Trâm rất thích môn Văn, không những thích mà còn giỏi Văn nữa, sinh hoạt trong nhóm văn nghệ riêng của trường, được nhiều giải thưởng về Văn, trong đó có giải thưởng toàn quốc. Dù rất đam mê văn học nhưng trong thời chiến tranh, gia đình đã động viên Đặng Thùy Trâm rẽ theo ngành y để phục vụ Tổ quốc, giúp đỡ được nhiều hơn người dân bằng tài năng của mình”.

Bà Trâm đã khuyên con gái: “Văn thì có thể từ từ, suốt đời phục vụ, nhưng chiến tranh thì chỉ có một nên hiện giờ con hãy cố gắng vào ngành y để phục vụ trực tiếp, còn văn học thì để sau này vẫn kịp”. Chính từ sự định hướng của người mẹ mà Đặng Thùy Trâm đã học Đại học Y Hà Nội và năm 1966 khi tốt nghiệp, người nữ bác sĩ này đã xung phong vào miền Nam công tác, sau đó phụ trách Bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - một địa bàn chiến tranh ác liệt ở khu 5.

Phẩm cách cao quý

Bà Doãn Ngọc Trâm là một người điềm đạm, nhân hậu nhưng cũng rất giàu nghị lực. Theo người con gái Đặng Kim Trâm, “các con cháu thừa hưởng được tính kiên cường của bà. Mẹ tôi luôn vượt qua mọi khó khăn mà không chịu đầu hàng việc gì cả”.

dang-thuy-tram-cung-me-truoc-ngay-len-duong-vao-nam.-anh-tu-nhat-ky-dang-thuy-tram-.jpg
Đặng Thùy Trâm cùng mẹ trước ngày lên đường vào Nam. Ảnh từ “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Phẩm cách cao quý ấy của người mẹ đã truyền lại cho người con gái cả - Đặng Thùy Trâm, hình thành nên phong cách, khí phách của một bác sĩ, chiến sĩ. Trung thành với lý tưởng sống đã chọn, Đặng Thùy Trâm lao vào công việc với nghị lực phi thường.

Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi - thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở.

Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm và hy sinh anh dũng. Chính trong trang nhật ký viết ngày 10/6/1970, chị nhắn nhủ: “Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần”.

Khi còn sống, trò chuyện với báo chí, bà Doãn Ngọc Trâm bộc bạch: “Năm 1970, nghe tin Đặng Thùy Trâm hy sinh, tôi như đứt từng khúc ruột. Hình ảnh bé Thùy Trâm chăm chỉ học hành, săn sóc các em, tần tảo công việc giúp bố mẹ làm sao có thể nguôi ngoai trong trái tim tôi…

Nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc, vẫn chăm sóc các con chu đáo để không ai nhìn thấy nỗi đau cào xé trong tôi. Đêm về tôi mới mặc cho nước mắt rơi để vơi đi đau đớn, xót xa”.

Những năm cuối đời, bà Doãn Ngọc Trâm thường xuyên làm việc từ thiện giúp đỡ người nghèo. Bị gãy chân không đi được nhưng bà vẫn ngồi đan áo để gửi cho các cháu học sinh nghèo.

Tuổi cao, song bà cũng cố gắng về thăm lại quê nội - làng Mỹ Hảo và tặng quà cho Trạm Y tế xã Đại Phong. Bà cũng đã trao tặng một số kỷ vật của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cho Bảo tàng Hà Nội để góp phần “giữ lửa” cho các thế hệ mai sau.

Bà Doãn Ngọc Trâm đã đi xa nhưng ấn tượng sâu đậm về một phụ nữ trí thức Quảng Nam luôn sống mãi trong lòng người. Điếu văn đọc tại Lễ tang bà nhấn mạnh: Với “nụ cười hiền hậu và mẫn tiệp luôn thường trực trên môi, bà tiếp nhận sự yêu thương, nể trọng cũng như sự quan tâm của bạn bè trong nước cũng như quốc tế một cách giản dị, khiêm nhường.

Bà luôn khẳng định mình chỉ là một bà mẹ liệt sĩ như hàng triệu bà mẹ liệt sĩ Việt Nam khác đã hiến dâng đứa con yêu cho đất nước, không hề có gì đặc biệt hơn. Bằng cuộc đời mình, bà đã dạy các con luôn kiên cường, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh...”..

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người mẹ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO