Người mẹ Điện Minh

NGUYỄN AN KHÁNH 23/07/2018 09:49

“Ai chê quần vận yếm mang/ Về xem phụ nữ Quảng Nam diệt thù”. Câu ca xưa đã đưa tôi đến xứ Quảng, tìm hiểu về cuộc đời một người mẹ trung dũng, kiên cường: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thị Cận.

Bà Nguyễn Thị Cận, quê ở làng La Qua, nay là thôn Trung Phú, xã Điện Minh (Điện Bàn), tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, khi tuổi đời chưa đến đôi mươi. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, chồng bà là ông Nguyễn Tấn Minh - Huyện đội phó Điện Bàn kiêm Xã đội trưởng Điện Minh lên đường tập kết ra Bắc. Nơi quê nhà, bà Cận vừa chuyên tâm nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già, vừa phải luôn cảnh giác để không mắc mưu địch, lại vừa tìm cách “giữ lửa” phong trào cách mạng địa phương. Bà đã vận động tập hợp số đảng viên còn lại sau cuộc tố cộng, diệt cộng của địch để thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Điện Minh trong kháng chiến chống Mỹ, do bà làm Bí thư. Thời kỳ đầu chống Mỹ, các đội công tác, tổ chức Đảng, phụ nữ… cơ bản nằm im nghe ngóng tình hình và hoạt động bí mật. Sau năm 1955, tuy đã có dấu hiệu khởi sắc, song khi nhận nhiệm vụ thì phần ai nấy biết, không để người thứ ba hay. Bà Nguyễn Thị Nhẫn - nguyên du kích xã Điện Minh nhớ lại: “Bấy giờ, tôi chỉ biết đến chị Cận là Bí thư Chi bộ. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, tôi chỉ thực hiện, không hỏi thêm điều gì”.

Suốt 15 năm (1954 - 1969), bà Cận đã cùng Chi bộ xã Điện Minh kiên cường đứng vững ngay trong lòng địch, xây dựng trong nhân dân niềm tin thắng lợi. Phát huy truyền thống gia đình, 3 người con của bà là Nguyễn Minh Huy (sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Nguyễn Thị Tùng và Nguyễn Phước Hùng đều tham gia hoạt động bí mật, trở thành đảng viên trong cùng chi bộ. Năm 1968, trước sự truy bắt gắt gao của kẻ thù, bà Nguyễn Thị Cận phải cùng các con thoát ly lên rừng.

Nhớ về người đồng chí năm xưa, ông Nguyễn Nhẫn, giao liên hợp pháp lúc bấy giờ, bùi ngùi chia sẻ: “Trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của chị Cận, lòng căm thù giặc càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm chiến đấu”. Trong trí nhớ của ông Nhãn, đêm 23.9.1969 nhằm ngày 12.8 năm Kỷ Dậu, giữa bộn bề công việc, Bí thư Chi bộ xã Nguyễn Thị Cận vẫn không quên lo cái Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi. “Hôm đó chị Cận ở nhà tôi ăn cơm tối cùng với 5 người khác trong tổ công tác mà tôi chỉ biết có anh Bờ và anh Hoằng. Chị nói là đi vận động tiền để mua quà và tổ chức phân phát cho các cháu thiếu nhi xã Điện Minh. Sau bữa ăn tối, họ nhanh chóng rời khỏi nhà tôi” - ông Nhẫn hồi tưởng. Xóm ông Nhẫn cách đồn Gò Đinh không xa, những đêm trăng sáng có thể thấy quân lính trên vọng gác. Tuy nhiên hôm ấy trời âm u nên tầm nhìn bị hạn chế. Lúc bấy giờ đang trao đổi công việc với đồng chí cán bộ phụ nữ xã là Nguyễn Thị Niệm thì bà Cận được chiến sĩ du kích làm nhiệm vụ cảnh giới thông báo “quân Mỹ đã kéo lên đến gần xóm rồi”. Bà Niệm lao nhanh vào nhà trong, đóng cửa nhẹ nhàng như không có gì xảy ra. Còn bà Cận nép vào cây rơm, cúi thấp người, cố gắng quan sát hướng đi và xác định quân số của địch, đồng thời mở khóa an toàn khẩu súng K54. Cạnh đó, đồng chí du kích cũng chuyển khóa khẩu AK về vị trí sẵn sàng chiến đấu. Dưới ánh trăng mờ ảo, toán lính địch hành quân theo hàng dọc tiến sát vào vị trí hai người đang ẩn nấp. Sau khi nhận định tình hình, bà Cận nói với chiến sĩ du kích: “Em nhanh chóng thông báo đến các anh em còn lại rút lui ngay đi. Chị ở lại đánh chặn bọn chúng. Anh em lên bố trí tại Gò Vôi. Nếu chúng ngoan cố truy kích thì sẽ sa vào bẫy phục kích của anh em du kích. Chờ tôi ở đó!”.

Toán lính đầu tiên đến gần cây rơm cạnh sân nhà bà Nguyễn Thị Niệm, nơi bà Cận đang ẩn nấp, nhưng chúng không vào nhà mà tiếp tục đi dọc theo con đường làng cạnh nhà. Ở đó, chiến sĩ du kích tên Bờ đang đứng gác bên bụi chuối. Phát hiện  địch đi lên từ phía đông, cự li quá gần nên anh chủ động nổ súng trước. Chúng lập tức tập trung hỏa lực bắn về phía anh. Để chi viện cho đồng đội, bà Cận một tay cầm súng ngắn đã lên đạn, tay kia là quả lựu đạn đã rút chốt, vận động đến chỗ anh Bờ đang chiến đấu. Hỏa lực địch mỗi lúc một mạnh, cuộc giao tranh không cân sức đã gây cho ta nhiều bất lợi. Bằng sự quyết đoán của người chỉ huy, bà Cận lệnh cho đồng chí du kích rút lui trước để bảo toàn lực lượng, còn một mình bà ở lại quyết đấu với quân thù. Nhằm mục đích bắt sống đối phương, quân địch rạp mình bò về phía bụi chuối. Du kích Bờ vừa rút lui vừa bắn vào đội hình địch để mở đường. Bà Cận hướng nòng súng K54 vào các tên địch bám theo, siết cò từng phát một và từng bước cơ động về phía sau. Khi đến bờ mương thủy lợi, hướng về Gò Vôi, nơi anh em du kích đang mai phục và chờ bà ở đó, bất ngờ một tràng đạn của địch bay đến ghim khắp người nữ bí thư chi bộ. Biết mình đã bị thương nặng, khó có thể sống được, bà Cận hướng nòng súng về phía quân địch, bắn nốt các viên đạn cuối cùng cản đường quân địch để du kích Bờ có thêm chút ít thời gian rút lui. Và bà Cận đã anh dũng hy sinh!

Hòng mai phục quân ta ra giải cứu đồng đội, địch canh thi thể người nữ bí thư chi bộ kiên trung đến sáng hôm sau mới đem về đặt ngay trước trạm bơm nước thủy lợi cạnh đồn Gò Đinh. Chúng cố tình phơi thi thể bà dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Sau đó không lâu, người con gái của bà Cận là Nguyễn Thị Tùng cũng anh dũng ngã xuống khi vừa mới bước sang tuổi 18.

Để ghi nhận công lao của người nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên, ngày 25.4.2013, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng bà Cận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và đến ngày 14.10.2016 bà Cận tiếp tục được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Điện Minh hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt. Nơi diễn ra trận đánh trong dịp Tết Trung thu năm xưa đã trở thành cánh đồng xanh trù phú. Căn hầm bà Nguyễn Thị Cận nuôi giấu cán bộ chỉ còn trong ký ức. Nhưng những gì người nữ chiến sĩ anh hùng của đất La Qua xưa đã cống hiến cho quê hương đất nước thì không thể nào quên.

NGUYỄN AN KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người mẹ Điện Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO