Ông Ngô Tiến Hùng - chủ cơ sở trầm hương Đạt Ngô (47/2 Nguyễn Thái Học, TP.Tam Kỳ) vì đam mê trầm hương mà mấy chục năm qua bước chân không mệt mỏi tìm kiếm, sưu tầm loại hương rừng đặc biệt này...
Ám ảnh hương trầm
Ông Ngô Tiến Hùng sinh năm 1970. Từ rất lâu, ông luôn bị ám ảnh bởi mùi hương quyến dụ của trầm và dành cả cuộc đời để theo đuổi. Thời thanh niên đi khắp các cánh rừng ở miền núi Quảng Nam, ông Hùng đã may mắn tìm được nhiều khối trầm hương đến hàng chục ký.
Mới đây, tác phẩm “Khát vọng vươn khơi” chế tác từ trầm hương của ông Ngô Tiến Hùng đã được UBND tỉnh chấm giải B vinh danh Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2023. Từ khối trầm hương nguyên chất, ông Hùng đã đục đẽo nên hình tượng con tàu, mái chèo, cờ Tổ quốc, ngư dân giữ biển. Đó cũng là khát vọng đưa các sản phẩm điêu khắc trầm hương của ông Hùng vượt biên giới xuất khẩu đến các nước trong khu vực và thế giới sau khi chinh phục hàng triệu khách hàng ở khắp các vùng miền Tổ quốc.
Hiện nay, hễ nghe ở đâu có trầm hương tự nhiên là ông Hùng lại tìm đến hỏi mua để làm giàu thêm những câu chuyện về trầm hương. Ông Hùng nói, ở nhiều nơi người ta cấy vi sinh vào cây dó bầu và chờ vài năm để nó sinh ra thành trầm. Đó là trầm vi sinh, trầm hóa chất.
Còn ông đằng đẵng thời gian tìm trầm ở khắp các cánh rừng miền tây của tỉnh. Có nhiều khi ông Hùng đau ốm liên miên, đôi lúc tưởng đã chết vì rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí. “Để có được trầm hương tôi đã đánh đổi rất nhiều” - ông Hùng nói.
Trầm hương được hình thành từ những vết thương trên cây dó bầu. Trải qua thời gian, cây dó bầu tự sản sinh ra dòng nhựa thanh khiết len lỏi vào từng thớ gỗ để chữa lành. Phần gỗ đó được gọi là trầm hương.
Ông Hùng nói mùi hương thanh tao thuần khiết của trầm hương rất gần gũi, quen thuộc. Từ trầm hương, ông Hùng cũng đến với đạo Phật thật tự nhiên. Với ông Hùng, một nén trầm hương, một làn khói tỏa của trầm hương cũng khiến cho con người lắng lòng, sống chậm và trân quý những giá trị trong cuộc sống.
Quý như trầm hương
Sau thời gian dài tìm kiếm, sưu tầm, ông Ngô Tiến Hùng đã sở hữu gia tài trầm hương và phát triển kinh doanh thông qua Cơ sở trầm hương Đạt Ngô. Hiện cơ sở có các sản phẩm như nhang trầm hương, bột trầm, viên nén trầm hương đến trầm hương miếng, các loại tượng tâm linh bằng trầm hương, các loại vòng đeo tay, rượu trầm hương.
Theo ông Hùng, đến nay chưa có một cơ quan hay tổ chức nào có tiêu chuẩn phân loại, đánh giá phẩm cấp trầm hương. Hầu hết việc phân loại đều dựa vào sự kết hợp của nhiều yếu tố như nguyên xứ, cường độ, loại hương, hình thù, kích cỡ, màu sắc, trọng lượng, tỷ trọng, độ tinh khiết...
Trong giao dịch mua bán, việc phân loại trầm hương phần lớn dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm, đồng thuận thông qua việc trực tiếp đánh giá như nhìn, sờ, đốt, nếm, ngửi…
Ông Hùng cho biết, trầm hương hảo hạng quý giá nhất đó là kỳ nam. Trầm hương được chia thành thứ hạng theo màu sắc khác nhau: nhất bạch (trắng), nhì thanh (xanh), tam huỳnh (vàng), tứ hắc (đen). “Trên thế giới có rất nhiều trầm hương ở các nước Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc... Tuy nhiên theo đánh giá thì trầm hương Việt Nam đứng đầu. Ở trong nước cũng có nhiều tỉnh, thành có trầm hương nhưng dẫn đầu chất lượng vẫn là Quảng Nam” - ông Hùng nói.
Theo Đông y, trầm hương là vị thuốc quý hiếm bổ thận, tráng dương, chữa các bệnh đau bụng, đau ngực, hen suyễn, lợi tiểu, giảm đau, trấn tĩnh, hạ sốt... Theo Tây y, trầm hương có tính kháng sinh tạo kháng thể mạnh, có tác dụng chữa một số bệnh về tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiêu hóa.
Ông Hùng nói, trong trầm hương, tinh dầu có giá trị đặc biệt, ngoài dược liệu còn được sử dụng cho các loại hương liệu như nước hoa, mỹ phẩm cao cấp. Ở Quảng Nam, trầm hương được đốt trong dịp cúng tổ tiên, đất trời.
Vào đầu năm mới hoặc khi có khách đến chơi nhà, đốt một ít trầm hương để mang đến sự thanh khiết, dễ chịu cho mọi người. “Hương thơm của trầm hương được cho giúp tạo ra sự thư thái, tĩnh lặng trong tâm hồn. Mùi thơm của trầm hương cũng giúp con người giảm bớt những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống” - ông Hùng nói.
Tạo tác tuyệt mỹ
Mỗi cây dó bầu có cách thức riêng tạo nên trầm hương nên ông Ngô Tiến Hùng tuân theo cách ấy để đục đẽo tạo tác nên những thế phượng, rồng, quy, lân tuyệt đẹp cho trầm hương. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trầm của ông Hùng được khách hàng khắp nơi ưa chuộng.
Chia sẻ về nghề trầm hương trên địa bàn tỉnh, ông Ngô Tiến Hùng nói, trầm hương thiên nhiên hiện nay đặc biệt khan hiếm, dường như không còn để khai thác. Trong khi đó, ở Quảng Nam cũng như cả nước, nhiều sản phẩm trầm hương giả, nhái, không đảm bảo chất lượng vẫn có mặt trên thị trường, tác động tiêu cực đến những người làm trầm hương chân chính và đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Hùng mong mỏi các cơ quan chức năng vào cuộc làm sạch thị trường trầm hương. “Trầm hương tự nhiên là tinh chất của đất trời, nếu được thưởng thức hương trầm sẽ ấn tượng khó phai. Trầm hương tự nhiên vẫn mãi mãi không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần, y học và trong mỗi tâm thức của người Việt yêu quý những tinh hoa của trời đất” - ông Hùng nói.
Nếu ai chứng kiến các khoảnh khắc điêu khắc, tạo tác tác phẩm thủ công mỹ nghệ từ trầm hương của ông Hùng sẽ khâm phục sự tỉ mẩn, kiên trì. Với kinh nghiệm của mình, ông Hùng nhìn cây dó bầu “đọc” được trong đó có bao nhiêu trầm hương để tạo tác nên sản phẩm mỹ nghệ lớn, nhỏ, hình thù đặc trưng.
Công đoạn đầu tiên của điêu khắc, tạo tác sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương là dùng đục đẽo hết phần gỗ không có trầm hương trên cây dó bầu. Từ đó bắt đầu bóc tách phần thịt cây dó bầu để lộ dần ra những mạch trầm hương màu đen bên trong. Ông Hùng sử dụng chiếc đục có kích cỡ nhỏ tỉa những phần thân cây không phải trầm, cứ thế len lỏi vào từng thớ trầm hương để tạo nên hình thù riêng.
“Những sản phẩm trầm hương tự nhiên có nhiều dầu sẽ bóng loáng trông rất bắt mắt. Theo thời gian sử dụng, sản phẩm càng lên nước óng ánh và mùi hương vẫn cứ thoang thoảng dễ chịu” - ông Hùng nói.
Các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương của ông Hùng hiện cung cấp cho nhiều nhà phân phối ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng để bán cho khách hàng. Tùy chất lượng, hình dáng, kiểu mẫu, sản phẩm điêu khắc từ trầm hương của ông Hùng có giá 5 triệu đồng, 10 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Ngoài các tác phẩm mỹ nghệ từ trầm hương, ông Hùng còn dùng bột trầm hương sau khi đục đẽo để làm nhang trầm hương và dùng các phần gỗ thừa ra khi hoàn thiện tác phẩm mỹ nghệ trầm hương để tạo nên các vòng chuỗi, nhẫn, đồ trang sức có giá trị kinh tế.