Cách đây 60 năm, với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, những người con Thanh Hóa đã vượt Trường Sơn vào chiến trường đất Quảng, góp phần giải phóng Quảng Nam. Từ đó đến nay, nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam vẫn tiếp tục được vun đắp. Trong đó, các địa phương của hai tỉnh cũng đã kết nghĩa với nhau bền chặt bằng những việc làm ý nghĩa.
Từ lịch sử cho đến hiện tại, những câu chuyện đẹp về nghĩa tình của hai vùng đất vẫn được gìn giữ, phát huy qua bao thế hệ. Tại TP.Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam đã đón bao người con của xứ Thanh từ những năm khó khăn gian khổ và họ đã gắn bó với mảnh đất này trọn vẹn cả cuộc đời.
1. Bà Nguyễn Thị Thành năm nay đã 80 tuổi, quê ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hiện ở phường An Xuân, TP.Tam Kỳ. Chồng bà là ông Đoàn Văn Bảy, người Quảng Nam, tập kết ra Bắc năm 1957.
Ngày đó cả hai anh em ông Bảy tập kết ra Bắc được gia đình bà Thành giúp đỡ, sau đó ông Bảy và bà Thành kết hôn tại quê nhà, cả 4 người con cũng lần lượt được sinh ra ở đó.
Năm 1974, chồng bà Thành trở về chiến trường Quảng Nam phục vụ kháng chiến chống Mỹ. Hai năm sau ngày giải phóng, ông Bảy mới ra Thanh Hóa đưa vợ con vào Quảng Nam sinh sống. Lúc bấy giờ cuộc sống ở miền Bắc đã khá ổn định nhưng bà Thành vẫn quyết tâm theo về quê chồng, nơi còn quá nhiều khó khăn thiếu thốn sau chiến tranh.
Thế rồi thấm thoắt đến nay đã 43 năm bà Thành ở lại xứ này, ông Bảy đã qua đời 18 năm, cả đại gia đình 4 thế hệ vẫn cùng nhau ở tại quê hương thứ hai là Tam Kỳ.
Năm nào bà Thành cũng về quê, rồi cũng có người bà con ở Triệu Sơn, Thanh Hóa vào Tam Kỳ thăm bà. Câu chuyện tình của bà Thành và ông Bảy trở thành minh chứng cho sự thủy chung sắt son của hai quê hương Thanh Hóa - Quảng Nam từ trong chiến tranh cho đến ngày hòa bình phát triển.
“Bao nhiêu người Thanh Hóa đã tình nguyện vào Nam đánh Mỹ thì việc tôi đưa con về ở quê chồng sau ngày hòa bình cũng không có gì phải suy nghĩ. Dù biết cuộc sống nơi ở mới sẽ khó khăn, vất vả hơn nhưng rồi chúng tôi cũng đã cùng vượt qua. Đến nay tôi luôn cảm thấy hạnh phúc” - bà Thành tâm sự.
2. Mới tuổi 18, ông Đỗ Xuân Phùng quê ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã viết đơn tình nguyện vào Nam, ngay sau khi hai tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa kết nghĩa. Ròng rã 50 ngày hành quân, ông Phùng mới đến được đất Quảng. Năm 1964, ông được biên chế vào Sư đoàn 2 Quân khu 5, đơn vị được mệnh danh “Sư đoàn thép”. Về sau ông làm Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 886 Tỉnh đội Quảng Nam. Ông tham gia nhiều trận đánh ở khắp mặt trận Quảng Nam. Ba lần ông bị sức ép B52 và một mảnh đạn găm trên trán.
Sau khi hòa bình lập lại, ông quyết định lập nghiệp tại quê hương thứ hai Quảng Nam, và hiện ở tại khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ. Đến nay vết thương chiến tranh vẫn khiến ông nhức nhối khi trái gió trở trời, duy chỉ có tình cảm mặn nồng của người Quảng là khiến ông ấm lòng mãi.
“Ngày đó, thanh niên miền Bắc chúng tôi rất khí thế tình nguyện vào Nam dù biết sẽ hy sinh. Đường vào Nam muôn vàn khó khăn gian khổ nhưng chúng tôi rất xúc động vì được các má ở Quảng Nam thương yêu như con trong nhà. Cho đến ngày hòa bình tôi cũng luôn được cán bộ và nhân dân Tam Kỳ giúp đỡ để có cuộc sống ổn định” - ông Đỗ Xuân Phùng nói.
3. Ông Vũ Tiến Nam đã có 50 năm gắn bó với mảnh đất Tam Kỳ, ông được biết đến là vị khối phố trưởng lâu năm nhất ở Tam Kỳ khi có đến 14 năm ở cương vị này. Và nhờ vai trò của ông, khối phố 5 luôn là đơn vị dẫn đầu của phường An Xuân, được TP.Tam Kỳ tuyên dương đơn vị tiêu biểu 5 năm liền.
Ông Nam kể lại, năm 1973 ông vào chiến trường miền Nam công tác ở đơn vị Bộ Tư lệnh quân khu 5, được phiên về Trung đoàn 773 Tây Nguyên, sau đó về Phòng Cơ khí Ban Nông nghiệp khu 5 đóng ở Hiệp Đức, phục vụ đắc lực cho công cuộc khôi phục sản xuất tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Ngày đó dù cuộc sống khó khăn, nhưng ông Nam vẫn quyết đưa vợ con đang ở Hà Nội vào Tam Kỳ sinh sống. Cho đến nay dù tuổi cao, nhưng ông Nam vẫn tích cực với công tác xã hội, là thành viên trong Ban liên lạc đồng hương Thanh Hóa ở Quảng Nam.
“Hội đồng hương Thanh Hóa chúng tôi luôn bảo ban nhau sống, cống hiến cho quê hương Tam Kỳ, Quảng Nam bởi chúng tôi đã trưởng thành từ mảnh đất này và con cháu tôi cũng sinh ra, lớn lên ở đây. Và hôm nay chúng tôi thật sự tự hào vì mình đã góp phần tô thắm nghĩa tình của hai địa phương” - ông Nam tâm sự .
4. Không thể kể hết những đóng góp hy sinh của người con Thanh Hóa đối với đất Quảng Nam. Đi qua chiến tranh, nặng nghĩa nặng tình, nhiều người con Thanh Hóa đã ở lại với mảnh đất Tam Kỳ, Quảng Nam để tiếp tục cống hiến cho quê hương này. Và không ít các thế hệ người Thanh Hóa tiếp tục đến Tam Kỳ, đất Quảng định cư như nơi “đất lành”.
“Tiếp nối nghĩa tình keo sơn từ trong lịch sử, ngày nay TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) và huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã không ngừng vun đắp cho mối quan hệ này thêm bền chặt. Hằng năm, lãnh đạo hai địa phương gặp gỡ, trao đổi và ký kết thực hiện chương trình hợp tác để cụ thể hóa mối thâm tình giữa hai địa phương. Trong đó hỗ trợ giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt quan tâm đến gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng để phần nào tri ân những người đi trước đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho quê hương hòa bình hôm nay” - ông Nguyễn Hồng Quang, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói.
Đã qua 60 năm từ sau sự kiện lịch sử kết nghĩa giữa hai tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa, và 45 năm đã qua từ sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, Tam Kỳ hôm nay đã trở thành một thành phố trẻ, và để có được dáng dấp hôm nay, Tam Kỳ vẫn nặng nghĩa ân tình với người Triệu Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Lịch sử sẽ vẫn được viết tiếp để ở hai miền quê hương vẫn đón đợi nhau trên hành trình kiến tạo quê hương.