Người muôn năm cũ

THÀNH CÔNG 20/06/2017 14:00

Ông đưa tôi xuống phân xưởng, trong tiếng máy móc ầm ào giữa đống giấy in chất cao lút đầu. Ánh mắt lướt qua những chật hẹp của các chồng giấy và máy móc, như có chút gì rưng rưng, khi tháng năm qua vội để những người cùng thời với ông đã thưa vắng đi nhiều. Chỉ còn ông, khi đã bạc đầu, vẫn là người muôn năm cũ, mà mảnh hồn chưa bao giờ chịu đi xa khỏi nơi này, như tên ông: Huỳnh Đây!

Ông Huỳnh Đây - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP In - phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Nam. Ảnh: THÀNH CÔNG
Ông Huỳnh Đây - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP In - phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Nam. Ảnh: THÀNH CÔNG

1. Dãy nhà làm việc nằm ngay phân xưởng sản xuất, có đóng kín cửa vẫn không thoát khỏi tiếng máy móc liên tục vận hành. Tờ báo Quảng Nam nằm trên bàn làm việc, như một thói quen suốt 20 năm ròng, từ ngày rời phố xá lên đường “Nam tiến”. Câu chuyện, bắt đầu từ những ngày đầy suy tư đó. “Cán bộ công nhân, hầu hết đều băn khoăn, kể cả một số đảng viên. Chỉ có một điều biết chắc, là khổ. Lương chỉ bằng 1/3, nhà cửa vợ con ở lại Đà Nẵng. Tất cả hợp đồng in ấn phải trả lại. Thứ chúng tôi được mang theo, là vài ba cái máy in vừa đủ đặt trong gian xưởng đơn sơ vừa dựng. Cán bộ, công nhân thì sống nhờ, ở đậu nhà dân” - ông Huỳnh Đây - Nguyên Giám đốc Xí nghiệp in báo Quảng Nam (cũ) nhớ lại.

Gắn bó với nhà in suốt 20 năm, ông Đây nhớ “lịch sử” cụ thể của các loại máy móc ở xưởng in.
Gắn bó với nhà in suốt 20 năm, ông Đây nhớ “lịch sử” cụ thể của các loại máy móc ở xưởng in.

Vào cùng ông, là gần 80 cán bộ công nhân, những người bước qua lựa chọn khó khăn giữa ở - đi thời khắc ấy. Đường Hùng Vương, mùa mưa bùn ngập lút gối, giữa đường là đá hộc, xe cộ chỉ chạy được hai bên lề. Bốn bề dế kêu, nhìn quanh, là trập trùng… mồ mả, công việc duy nhất thời ấy, là in Báo Quảng Nam… Không có chỗ làm việc, ông kê bàn ngay bên chiếc giường ngủ để viết. Nhiều đêm vận hành, côn trùng, phù du bay vào bít chữ máy in, công nhân phải hì hục canh giữ suốt đêm bên ánh đèn tù mù trong nhà xưởng. Chưa hết khổ, thì đợt lụt dữ năm 1999 nhấn chìm toàn bộ máy móc. Ai cũng nghĩ, nhà in… thôi rồi. Ba năm ròng, ngập trong gian khó, cán bộ, công nhân chật vật với mức lương bèo bọt, đến độ, vợ con tìm đến tận nhà ông Đây mà khóc. Ông vẫn kiên gan. Giữ người, bằng chính sự cần mẫn của mình. Khổ cùng cái khổ, sống cùng đời sống, làm cùng việc. Ông giám đốc nhà in thời ấy vẫn cơm bụi mỗi ngày, rồi ngược xuôi Quảng - Đà suốt 15 năm ròng bằng xe buýt…

Không có chỗ làm việc, ông kê bàn ngay bên chiếc giường ngủ để viết. Nhiều đêm vận hành, côn trùng, phù du bay vào bít chữ máy in, công nhân phải hì hục canh giữ suốt đêm bên ánh đèn tù mù trong nhà xưởng. Chưa hết khổ, thì đợt lụt dữ năm 1999 nhấn chìm toàn bộ máy móc...

Những ngày cũ. Là những ngày bản ma-két báo được làm thủ công, rồi bỏ vào ống nhựa cho khỏi ướt trên đường chuyển sang nhà in. Hàng chục người đêm trắng ngồi xếp chữ, làm chữ, canh bản kẽm khỏi bị mớ côn trùng vây. Một tuần ba số cách nhật, hì hục cả đêm với số lượng báo rất nhỏ, mà đến tận 5 - 6 giờ sáng mới xong. Cả nhà in chật vật xoay xở nhờ nguồn ngân sách eo hẹp. Ông nghĩ cách đi tìm nguồn thu. Năm 2000, ông mời kế toán lên tham mưu, rồi đăng ký đấu thầu in sách giáo khoa quốc tế. Đơn vị trúng thầu. Tỉnh ủy mời họp, ông Nguyễn Xuân Phúc - khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh - hỏi thẳng, nhà in mới vào, liệu có làm nổi không. Ông khẳng định, được. Tỉnh cấp ngân sách gần 3 tỷ đồng đầu tư máy móc để in, nhưng ông chỉ nhận một nửa. “Tôi tìm hiểu kỹ, thấy chừng đó đủ để đầu tư máy móc, đảm bảo đúng chất lượng. Rồi quyết hết sức làm. Kết thúc gói thầu, nhà in thu về được 5 tỷ, lãi lớn. Đó cũng là dấu mốc thay đổi của nhà in, chấm dứt chuỗi ngày gian khó suốt 3 năm anh em công nhân không được tăng một đồng lương nào” - ông kể.
2. Thắng lớn trong hợp đồng kinh tế đầu tiên, ông Đây làm việc với Đảng ủy khối các cơ quan của tỉnh, xin chủ trương đổi tên công ty thành Công ty In và dịch vụ Quảng Nam, đồng thời xin trực thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa thông tin, thay vì Tỉnh ủy. Đổi tên, là cách để kéo nguồn hàng về với công ty, khi cơ chế thị trường bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ. Những hợp đồng đã trả bằng nước mắt khi trước, nay bắt đầu về lại. Trụ sở làm việc, nhà xưởng được mở rộng. Năm 2007, công ty chính thức chuyển đổi sang cổ phần hóa, đời sống cán bộ công nhân viên đã ổn định hơn nhiều so với trước. Đến năm 2009, công ty chính thức xin gia nhập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được Tỉnh ủy chấp thuận, sau đó đổi tên thành Công ty CP In - phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Nam đến tận bây giờ. Thu nhập bình quân của cán bộ công nhân từ vài trăm nghìn đồng, nay đã lên hơn 7,5 triệu đồng/tháng. Cuộc hồi sinh diệu kỳ của nhà in sau những chông gai, bằng dấu mốc đóng góp ngân sách mỗi năm từ 20 triệu đồng trước đây lên gần 3 tỷ đồng hiện nay. Những thiết bị máy móc được trang bị mới, thay đổi hoàn toàn công nghệ. Thay cho hơn 30 người sắp chữ thủ công trong suốt 2 tiếng đồng hồ, nay, chỉ cần 6 người làm việc trên máy tính, xuất trong vòng 6 phút là ra bản kẽm. Chạy theo những hợp đồng sản xuất, phân xưởng nhà in hoạt động liên tục cả ngày đêm. Ánh đèn công xưởng, nay không còn tù mù dấu vết khó khổ của ngày xưa…

Ông Đây dẫn tôi xuống khu nhà xưởng. Từng chiếc máy, năm nhập về, đặc tính từng loại… được nhắc nhớ bằng những đêm dài đắn đo, bằng lo lắng, và cả những kỷ niệm không thể quên trong tâm trí ông, dù đã chạm mốc 67 tuổi đời. Ông dừng lại trước chiếc máy in 4 màu giữa xưởng, bàn tay chạm vào lớp sơn cũ, mà như lần giở lại ký ức của hơn chục năm trời. Năm 2005, tỉnh chủ trương cấp một chiếc xe ô tô trị giá hơn 300 triệu để phục vụ lãnh đạo công ty in. Khi ấy, ông đang phải loay hoay đi vay tiền để mua một chiếc máy in 4 màu, có giá khá đắt đỏ. Bằng số tiền cấp để mua xe và hai trăm triệu đồng vốn của công ty, ông làm thủ tục vay ngân hàng, đầu tư mua một chiếc máy in 4 màu loại hiện đại nhất thời ấy.

Chiếc máy in 4 màu nơi ông đang đứng, là kết quả của lựa chọn phần nào “liều lĩnh” ấy. “Khi làm thủ tục cổ phần hóa, các đơn vị xuống định giá chiếc xe được cấp, tôi đứng lên nhận trách nhiệm về mình. Nhưng tôi khẳng định, việc mua máy in là vì công ty, tôi chấp nhận bỏ qua lợi ích riêng cho điều đó. Nhờ cái máy này, mà công ty mới làm ăn tốt, “đẻ” ra thêm 3 máy in 4 màu, máy xuất kẽm và 2 máy in 2 màu khác ngày hôm nay. Tờ báo Quảng Nam bây giờ, chất lượng in không thua kém các tờ báo tỉnh khác. Sau vụ đó, tôi không bị kỷ luật, mà còn được đánh giá cao, được biểu dương. Anh em công nhân cũng vì thế mà quý mến” - ông tâm sự. Lúc mua máy, ông cử anh em vừa tham gia lắp ráp, vừa tự học hỏi vận hành, đến khi công nhân thao tác, làm chủ được thiết bị, sản phẩm hoàn thiện theo yêu cầu, ông mới đồng ý nghiệm thu giao nhận máy móc, như là một sáng kiến chống lãng phí theo cách của công ty mình. Con người là cốt lõi. Những người này, cùng với ông, cũng chính là cốt lõi giá trị nhất, cho những bước đi vững chắc của công ty đến thành công bây giờ.

Đi cùng ông, những tiếng chào, những ánh nhìn của các cán bộ nhân viên, như một niềm xác tín cho tình cảm của họ, dành cho vị giám đốc cũ. Nay, khi đã là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty, ông vẫn dành nhiều thời gian sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến của từng người. Chừng ấy năm gắn bó, chừng ấy việc đã làm, đổi lại, là niềm tự hào giản dị của ông khi tất cả cán bộ, công nhân công ty đều được… làm hộ chiếu. Từ những chật vật, những người cùng gắn bó với ông, và sau ông, nay đã được ra nước ngoài tham quan, được sống một cuộc sống đủ đầy hơn vì họ xứng đáng. Còn ông, vẫn lặng lẽ gắn bó với nơi này, như một phần không thể tách rời của đời mình suốt 20 năm giữa những ngọt ngào và gian khó đã qua. Và với Báo Quảng Nam, từ muôn năm cũ…

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người muôn năm cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO