(QNO) - Một số thành phố và tiểu bang của Hoa Kỳ đang đề xuất những sản phẩm nước ngọt lưu hành cũng phải được dán nhãn cảnh báo sức khỏe, tương tự như trên bao thuốc lá hoặc đồ uống có cồn. Điều này đến từ mối lo ngại về bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường mà những đồ uống này đang gây ra.
Theo sau đề xuất của những dân biểu và thượng nghị sĩ, một nghiên cứu được thực hiện cũng chỉ ra rằng dán nhãn cảnh báo trên nước ngọt khiến mọi người tiêu thụ chúng ít hơn. Khảo sát cho thấy các bậc cha mẹ cũng sẽ tránh sản phẩm có nhãn cảnh báo sức khỏe trên đó cho con cái họ.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Pediatrics.
Một ý tưởng thiết kế: Sản phẩm này có thể gây tiểu đường loại 2 |
Một ý tưởng thiết kế: Sản phẩm này có thể gây tiểu đường loại 2
“Có nhiều cách tiếp cận để giảm lượng đường chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Học tập theo cách mà chúng ta dán nhãn với rượu và thuốc lá là một trong số đó. Chúng ta cũng đã trải qua và có kinh nghiệm trong hàng thập kỷ với phương pháp này”, tiến sĩ chính sách Y tế Laura Schmidt đến từ Đại học California cho biết.
Những lon nước ngọt đang làm nên tội
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu tiết lộ rằng đường fructose hay còn được gọi là đường hoa quả, được tìm thấy nhiều trong nước ngọt, trái cây, mật ong, thực phẩm chế biến sẵn, sẽ khó được hấp thụ bởi cơ thể hơn đường glucose.
Tuy nhiên, bởi vì hoa quả cung cấp cả chất xơ, vitamin và nhiều loại hoa quả chứa ít đường, ăn trái cây vẫn là tốt cho cơ thể. Thế nhưng, các loại thực phẩm khác chứa nhiều đường fructose sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
“Bằng chứng cho thấy một điều rõ ràng rằng tiêu thụ đường fructose trong các loại hoa quả là tốt cho tim mạch. Trong khi đó, nếu chúng đến từ đồ uống thì lại không lành mạnh”, Schmidt nói. “Nó đóng vai trò trong việc đẩy cao lượng đường trong cơ thể, đi liền với đó là nhiều hệ lụy khác”.
Nói về đường glucose, tuy có một số ưu điểm so với fructose, loại đường này vẫn có mối liên hệ với những rối loạn trao đổi chất gây béo phì, bệnh gan nhiễm mỡ hoặc tiểu đường loại 2.
Những sản phẩm nước ngọt đang được mua sắm một cách tùy tiện |
Nước ngọt đóng chai là một trong những nguồn thực phẩm chứa nhiều đường nhất. Loại mặt hàng này được nhận định là kẻ thù số một gây ra tình trạng thừa cân và béo phì ở nhiều quốc gia. Các nhà nghiên cứu Anh Quốc chỉ ra: bí mật giảm lượng đường trong nước ngọt có thể đưa 1 triệu người ra khỏi danh sách béo phì.
Trong khi ý tưởng này là tương đối nhẹ nhàng cho các nhà sản xuất nước ngọt, các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng mỗi lon nước ngọt cần được dán nhãn cảnh báo sức khỏe, giống như chúng ta đã làm với rượu hay thuốc lá. Điều này sẽ mang tính giáo dục tốt hơn.
“Những nhãn cảnh báo mang tính giáo dục, nhưng không chỉ có vậy”, tiến sĩ Christina Roberto dẫn đầu nghiên cứu tại trường Y Đại học Pennsylvania cho biết. “Chúng cũng có mặt như một lời nhắc nhở. Những nhãn dán sẽ cố gắng nhắc nhở bạn tại những thời điểm quan trọng, khi cần ra quyết định”.
Thực trạng cho thấy cứ 2 trong 3 trẻ em Mỹ, trong độ tuổi từ 2 đến 11, uống đồ uống có đường mỗi ngày. Nghiên cứu của Roberto chỉ ra nguyên nhân đến từ việc nước ngọt được bán tràn lan và dễ dàng mua được nơi các tiệm tạp hóa.
“Những chai nước ngọt này được mọi người mua sắm một cách tùy tiện”, Roberto nói. “Khi ai đó đã quyết định tránh xa chúng, nhãn dán cảnh báo có thể một lần nữa nhắc nhở họ để đưa ra lựa chọn cuối cùng của mình”.
Đồ uống có đường “lành mạnh”
Một ý tưởng cảnh báo trên lon nước ngọt được đưa ra trước đây ở California |
Sự thật là ngay cả khi chúng ta biết rằng nước ngọt là có hại cho sức khỏe, nhiều loại đồ uống có vẻ lành mạnh khác đã không được chú ý đến. Bạn có biết trong nước tăng lực, đồ uống dành cho thể thao hay nước ép hoa quả đóng chai cũng chứa rất nhiều đường?
Roberto nói “Không phải ai cũng nhận ra điều này”. Nếu một dự luật được đưa ra bởi một tiểu bang hoặc chính quyền địa phương, nhà sản xuất sẽ phải công bố lượng đường mà họ thêm vào sản phẩm. Điều này giúp xác định đồ uống có đến mức độ phải dán nhãn cảnh báo hay không.
Tuy nhiên, các khảo sát của Roberto hiện nay cũng chưa động chạm đến những loại đồ uống thể thao này hay sữa có đường. Chúng ta chưa thể biết nhiều về những loại đồ uống này.
Rất nhiều người ủng hộ, nhãn cảnh báo sẽ sớm phổ biến
Roberto rất ngạc nhiên khi có đến 75% những người được hỏi trong khảo sát sẽ ủng hộ nhãn cảnh báo sức khỏe trên sản phẩm nước ngọt.
Con số là rất đáng khích lệ. Cùng với ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra tác hại của nước ngọt, sự ảnh hưởng tích cực của nhãn dán cảnh báo trong thói quen mua sắm, có lẽ những nhãn dán sẽ sớm phổ biến ở Mỹ.
“Như bất kể một thay đổi cách mạng nào, trường hợp này sẽ cần rất nhiều nỗ lực”, Roberto cho biết. “Bằng chứng khoa học đến nay đã quá rõ ràng. Chúng ta cũng không thể gánh chịu được những khoản chi phí cho chăm sóc sức khỏe hiện nay nữa rồi”.
Theo GENK