Người nghèo không có tội!?

LÊ TRÂM 04/11/2017 09:04

Tôi bị ám ảnh khi đọc Trí Khùng tự truyện (NXB Hội Nhà văn, 2017) của nhà văn Nguyễn Trí.

Trí Khùng tự truyện.
Trí Khùng tự truyện.

Ám ảnh bởi cái sự nghèo và cơ cực. Và bị ám ảnh mãi về cái chết của Thu. Nguyễn Trí viết như thế này: “Tôi nhìn cỗ áo quan của Thu. Nó bình thường như bao cái khác trên trần thế này. Thường nhưng đặc biệt ở chỗ, con bé đã chèn cho cha nó không phải áo quần của người chết mà là sách. Đầu của Thu được gối bằng sách. Phải rồi. Tài sản của anh đi theo anh là quá phải rồi. Đắp mặt Thu không phải giấy vàng bạc thường tình mà là cuốn “Papillon, người tù khổ sai” bản dịch của Thái Huy Quang. Con bé nói cha nó đã dặn vậy từ lâu rồi. Nó phải làm theo điều cha nó dạy... Tôi cũng ước khi chết sẽ được chèn bằng sách. Dạng như tôi còn khuya mới được lên thiên đường của Chúa hay niết bàn của Phật. Tôi nghĩ mình sẽ không vào địa ngục. Vì sao? Vì người nghèo không có tội. Ông Khổng đã dạy “Vạn tội bất như bần”. Bao nhiêu tội lệ trên trần thế này bọn nghèo hứng hết rồi, địa ngục đâu có cửa cho tôi và Thu. Vậy ở nghĩa địa có sách mà đọc kể cũng thú. Đúng không?”.

Nguyễn Trí “rất khôn ngoan” khi “gắn mình” với cái chết của Thu, với sách, nghĩa là một cái chết “không giống ai” và đẹp một cách xa xót. Và gắn thêm một lời nữa, không thể nào bị đày xuống địa ngục, chỉ vì nghèo, bởi, nghèo không có tội!?

Trong Trí Khùng tự truyện, từ “Ba bánh đạp”/ “tình thương mến thương trên ba bánh đạp”/ “Tình se-la-vi đời se la- mua”, đến “Cái chết của Thu”, cùng những câu chuyện khác: “Tha hương ngộ cố tri”, “Ba bánh đạp và kẹo kéo”, “Sơn Đông mãi võ”, “Bóng tối trong rừng cao su”, “Bò sữa và đìa tôm”, “Đại họa”… nhầu nhĩ bao cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Tất cả đã “chảy/trôi” theo những năm tháng gian khó của tác giả. Nhưng vẫn có chút ấm áp như trong “Tôi & văn chương”. Bao nhiêu vinh nhục, sang hèn… đã đến, đã đi khỏi, đã có lúc tôi chạnh nghĩ, Nguyễn Trí đã lựa chọn như thế nào khi bày ra cuộc chơi Trí Khùng tự truyện này? Viết hết, bày hết ra những cơ cực đời mình chắc chắn là không hết rồi, thế thì anh đã chọn như thế nào, từ chỗ đứng nào để “nhớ lại & kể về mình”, về chuyện những người cùng thời, đã qua?

Hiếm có một trường hợp “trải đời” kỳ lạ như Nguyễn Trí cho nên ngoài các truyện ngắn và tiểu thuyết, tự truyện này (lại mang cái tên tự xưng đáng yêu - Trí Khùng) tạo thêm sự gần gũi, chân xác và “tin cậy” từ phía độc giả. Ở đó là đời sống, là thế sự, là nhân tình thế thái,… và tất nhiên lớn hơn hết vẫn là tình người. Có thể có người khác viết truyên ngắn hay tiểu thuyết về nội dung và đề tài này nhưng chắc chắn với loại tự truyện chỉ có một: Trí Khùng tự truyện! Một cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về một thời chưa xa nhưng không phải ai cũng biết! Đọc để cùng rút ra một điều như Nguyễn Trí tự bạch: “Điều lớn lao nhất mà tôi rút ra là “chính cái khổ và cái nghèo sẽ làm nhân cách người ta lớn lên một cách không ngờ, nếu họ biết phục thiện”.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người nghèo không có tội!?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO