Nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện miền núi được đón Tết Nguyên đán trong những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp.
Đổi thay dần những mái lá
Thời gian gần đây, nhờ các nguồn vốn chính sách từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ tối đa cho người dân miền núi chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp dân cư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, trong đó ưu tiên sửa chữa những công trình thiết yếu như trường học, trạm xá, các công trình thủy lợi để tạo thuận lợi cho người dân sản xuất, hướng đến thoát nghèo.
Đưa chúng tôi đến thăm nhà một số hộ dân được hỗ trợ nhà ở, ông Phạm Sáu - Chủ tịch UBND xã Dang, cho biết: “Xã nhận được sự hỗ trợ từ chính sách Trung ương, tỉnh, huyện nên nhiều hộ dân được hỗ trợ nhà ở và sinh kế sản xuất. Có được nhà mới để ở trước Tết Nguyên đán, bà con rất phấn khởi”.
Vừa từ rẫy trở về, bà Rađel Bân (60 tuổi) ra sau vườn chuẩn bị thức ăn cho đàn gà mới thả nuôi. Bà Bân cho biết, căn nhà mới của gia đình vừa được xây dựng xong, trước đó ở trong nhà cũ được ép bằng những tấm gỗ vụn. Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng để làm nhà, công cán thì con cháu, xóm làng giúp đỡ để kịp xong nhà mới đón tết.
Với ông Rađel Bơn, về nhà mới kịp trước Tết Ất Tỵ 2025 là niềm vui lớn của gia đình. Ông thuộc diện hộ nghèo của xã, công việc chủ yếu là làm keo và nương rẫy, kinh tế còn nhiều khó khăn.
Ông Bơn vui mừng nói: “Được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, chúng tôi rất mừng. Hồi tháng 10/2024, từ số tiền 60 triệu đồng hỗ trợ, cùng với số tiền vay mượn, vợ chồng tôi làm được căn nhà mới chừng 120 triệu đồng. Tết có nhà mới, mùa mưa năm sau cũng không lo lắng nữa”.
Ấm áp trong những ngôi nhà mới
Chúng tôi có dịp trở lại xã Sông Kôn (Đông Giang) thăm một số hộ dân được hỗ trợ nhà ở trong năm 2024. Ông Arất Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn giới thiệu về từng hoàn cảnh, từng căn nhà đã được hỗ trợ từ chính sách.
Trong những năm gần đây, nhờ nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống của người đồng bào Cơ Tu ở địa phương ngày càng phát triển.
Điều dễ thấy nhất là hàng loạt ngôi nhà mới được mọc lên, hàng trăm hộ dân được hỗ trợ về sinh kế để vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ khá trong sản xuất.
Ông Trung cho biết: “Hiện nay, bà con đang gấp rút những công đoạn cuối để dọn về nhà mới trước tết. Tính đến nay, trên địa bàn xã có gần 250 hộ được hỗ trợ về nhà ở, đất ở, với số tiền từ 60 - 80 triệu đồng mỗi hộ. Riêng trong đợt này có khoảng 50 hộ được dọn về nhà mới trước tết. Bên cạnh hỗ trợ làm nhà, các hộ cũng được hỗ trợ thêm sinh kế để giảm nghèo bền vững”.
Dịp này, ông Alăng Liên (thôn Blô Bền) tất bật làm việc cùng với thợ, dọn dẹp để về ngôi nhà mới với diện tích gần 100m2. Được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cộng với số tiền vay vốn chính sách 100 triệu đồng và số tiền dành dụm, ông Liên đã dựng được nhà mới với số tiền hơn 300 triệu đồng. Hiện căn nhà của gia đình ông đã trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành và dọn về ở trong vài ngày tới.
Ông Liên cho hay: “Hai vợ chồng chủ yếu làm nương rẫy, thu nhập không ổn định, nên việc trang trải cho gia đình và con cái ăn học cũng gặp khó khăn. Tết này được ở nhà mới, gia đình tôi rất mừng và biết ơn Nhà nước, thời gian tới yên tâm làm ăn để cuộc sống khá hơn”.
Hay gia đình ông Alăng Thương (thôn Pho) là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ nương rẫy, trồng keo. Trước đây, gia đình ông ở trong căn nhà tạm bợ, chủ yếu bằng những ván gỗ, tre ghép lại.
Đợt này gia ông Thương đã được hỗ trợ 60 triệu đồng, cộng thêm tiền dành dụm và vay ngân hàng gần 100 triệu đồng để làm căn nhà mới với diện tích khoảng 70m2. Khi vợ chồng làm nhà, bà con hàng xóm hỗ trợ ngày công để giảm chi phí.