Người nội ô

DUY HIỂN 25/07/2016 09:57

Nguyễn Quang Hiệp sinh năm 1929 tại làng Vĩnh An (nay thuộc xã Tam Xuân 2, Núi Thành), sau đó theo gia đình chuyển ra ngụ cư tại Gò Nha (nay thuộc phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ). Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) bùng lên, Nguyễn Quang Hiệp tham gia công tác rồi tập kết ra Bắc, đến tháng 10.1963 được điều về Nam. Cuối tháng 10.1964, Nguyễn Quang Hiệp nhận quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác tại Thị ủy Tam Kỳ, đóng tại xã Kỳ Quế, nay đã chìm dưới hồ Phú Ninh. Bí thư Thị ủy Tam Kỳ - Đỗ Thế Chấp (còn gọi là Mười Chấp) trao đổi tình hình rồi giao cho ông phụ trách văn phòng, Đội công tác Thị ủy và tổ chức ban cán sự. Thời gian đầu, các đồng chí lãnh đạo Thị ủy thường xuyên dẫn ông đi cơ sở, xuống vùng địch để làm quen với địa bàn.

Một ngày cuối tháng 5.1968, Nguyễn Quang Hiệp đi công tác phường 3 (xã Tam Ngọc ngày nay). Vừa bước vào nhà ông Nhạc - cơ sở cách mạng - ở đuôi sân bay Kỳ Nghĩa, ông Hiệp nghe bảo: “Từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối, có hàng chục máy bay trực thăng đổ xuống đây, quân Mỹ đông lắm. Không biết bọn chúng đang trù tính âm mưu chi đây?”. Nguyễn Quang Hiệp nhận định: sáng mai chắc chắn bọn Mỹ sẽ tổ chức trận càn vào cơ quan Thị ủy ở Kỳ Quế. Ông liền gọi đồng chí Kiểu và Nam Bình, an ninh thị xã, nói: “Hai đồng chí cùng đội công tác trở về khẩn trương báo cáo với anh Mười Chấp là sáng mai bọn Mỹ sẽ đánh vào cơ quan Thị ủy, để các anh biết và khẩn trương chỉ đạo. Tôi sẽ ở lại đi công tác rồi về sau”.

Sau khi nghe báo cáo, ông Mười Chấp nhận định bọn địch sẽ dùng trực thăng đổ quân xuống Đồng Cát để tiến đánh cơ quan Thị ủy, bèn cho anh chị em ở văn phòng và người đau ốm nhanh chóng di tản lên thôn 6 Kỳ Quế. Bộ đội V18 cùng những cán bộ khỏe mạnh, có khả năng chiến đấu ở lại thu dọn cơ quan, cất giấu đồ đạc, chuẩn bị súng đạn ra bố trí dọc kênh Ba Kỳ ở rìa Đồng Cát để sẵn sàng “đón” quân Mỹ. Thế là bộ đội V18 và cán bộ, đội công tác nội ô nhanh chóng triển khai phương án chiến đấu, nhưng rồi chờ đợi mãi từ 5 giờ sáng đến nửa buổi tình hình vẫn yên ắng.

Nguyễn Quang Hiệp ở lại phường 3 đi công tác  rồi về nhà cơ sở ngủ. Sáng hôm sau ông Hiệp hỏi ông Nhạc: “Trực thăng Mỹ ở sân bay Kỳ Nghĩa sáng nay có cất cánh chở quân đi đâu không?”. Ông Nhạc bảo sân bay vẫn im lìm. Nguyễn Quang Hiệp nghĩ kiểu này ở nhà ông Mười Chấp và anh em cơ quan chắc chủ quan lắm. Phải về ngay xem sao. Nguyễn Quang Hiệp bươn bả lên hướng Đá Chẹt về tới cơ quan thì đã gần trưa, gặp anh em bảo: “Anh không về sớm mà nghe ông Mười rầm”. Nguyễn Quang Hiệp hỏi: “Anh Mười đâu rồi?”. Anh em kể lại rằng chờ cả sáng không thấy động tĩnh gì, ông Mười Chấp la om sòm, cho anh em nghỉ. Thế là quân tướng giải tán, một số theo ông Mười Chấp đi xuống sông đánh cá. Nguyễn Quang Hiệp chạy ra sông, quả nhiên thấy ông Mười Chấp đang ngụp lặn bắt cá, bèn bước lại hối: “Quần áo anh đâu, mặc vô về ngay, Mỹ nó chụp quân xuống ngay bây giờ”. Ông Mười Chấp giọng vẫn còn bực: “Tập kích cái gì giờ chừ nữa. Nhưng thôi sẵn cậu về, ăn cơm xong ta họp thường vụ luôn”.

Ăn cơm trưa xong, ông Mười Chấp triệu tập họp Ban Thường vụ. Cuộc họp bắt đầu chưa được bao lâu thì từ đồn Chóp Chài nghe vọng lên tiếng pháo đề pa, ngay sau đó 3 đụn khói màu đỏ bùng lên giữa Đồng Cát. Cùng lúc các trận địa pháo Chu Lai, Tuần Dưỡng, Núi Cấm đồng loạt trút đạn xuống khu vực Đồng Cát. Ngay lập tức, lực lượng V18 vận động ra bố trí hướng kênh Ba Kỳ cản địch. Vừa dứt trận pháo, hàng chục chiếc HU1A đã đổ quân Mỹ xuống Đồng Cát, một số trực thăng vẫn quần thảo bắn như vãi đạn quanh cơ quan. Nguyễn Quang Hiệp và Mậu Đông tức tốc leo núi chạy sang thôn 4 Kỳ Quế. Lính Mỹ bắt đầu triển khai tiến vào khu vực cơ quan Thị ủy đóng. Ngay vào thời điểm ấy, không ai biết rằng ông Mười Chấp đã quay trở lại để xem anh em ai còn chưa kịp rút. Quả đúng như điều ông Mười Chấp lo, anh Lưu và cô Lý vừa chạy được một đoạn thì trúng đạn. Ông Mười Chấp liền cõng anh Lưu ra hầm cá nhân bên bờ ruộng, rồi lại bò vào cõng chị Lý ra.

Quân Mỹ bị bộ đội V18 chặn đánh nên không dám lùng sục sâu vào núi. Đến chiều, tình hình bớt căng thẳng, anh em trong cơ quan Thị ủy lần tìm nhau. Gặp Nguyễn Quang Hiệp, ông Mười Chấp nói: “Đúng là mình chủ quan, không nghĩ đến chuyện chúng có thể thay đổi quy luật đi càn. Bọn này đã đánh lạc hướng chúng ta khi đổ quân 12 giờ trưa. May mà cơ quan đã chuẩn bị trước, không thì nguy to. Cảm ơn cậu lắm, Hiệp nghe!”. Nghe người lãnh đạo cao nhất của Thị ủy nói với giọng tự phê bình như vậy, Nguyễn Quang Hiệp nhìn ông Mười Chấp, lòng càng thêm khâm phục. Bởi ban trưa chỉ có ông Mười Chấp với sự điềm tĩnh, dũng cảm vốn có và lòng thương yêu cấp dưới mới dám băng lửa đạn quay lại cứu anh em.

Đầu năm 1969, Bí thư Thị ủy Tam Kỳ - Đỗ Thế Chấp mời lãnh đạo Tỉnh đội Quảng Nam, Thị đội Tam Kỳ và Đội công tác nội ô họp bàn tổ chức trận đánh thọc sâu vào nội thị Tam Kỳ và trụ lại chiến đấu ban ngày ở Trường Xuân Đông. Phương án đưa ra: Dùng Tiểu đoàn 72 đánh đồn rừng Ông Hiểu ở Bình Hòa, trụ lại đó bảo vệ phía sau. Đơn vị V18 chia làm 2 mũi đánh vào Tam Kỳ và trụ sở xã Châu Thành. Thời điểm nổ súng là 3 giờ sáng. An ninh tỉnh cải trang lính ngụy, 5 giờ sáng diệt ác tại khu vực Trường Tàu. Sau đó V18 và an ninh tỉnh rút lên, trụ lại tại khu vực trên đường sắt.

Nguyễn Quang Hiệp đang đi công tác, ở lại nhà chị Chín Nhân ở Đồng Sim, Tam Ngọc. Hai giờ sáng thì đồng chí Trần Hành, Đội trưởng Đội công tác phường 3 ghé lại nói: “Tối mai sẽ có trận đánh hiệp đồng các lực lượng. Ông Mười Chấp dặn báo để anh biết chừng kẻo lúc súng nổ không hiểu việc gì xảy ra”. Ông Hiệp bảo: “Vậy chúng ta phải trở lên, hỏi anh Mười thử là đánh lớn có phối hợp với các chiến trường, nếu chỉ mình ta đánh và trụ lại ở Trường Xuân Đông thì phải coi chừng”. Về tới căn cứ, Hiệp đi gặp Mười Chấp. Ông Chấp bảo chỉ một mình thị xã đánh thôi. Hiệp hỏi tiếp: “Vậy ai chỉ huy đội quân tổng hợp này?”. Ông Mười Chấp nói: “Đơn vị 72 có chỉ huy của họ. Lực lượng thị đội và an ninh tỉnh giao cho đồng chí V. Thị ủy viên, Thị đội phó chỉ huy. Thường vụ đi triển khai công tác hết rồi, Hiệp mới về còn mệt, nghỉ đi. Tối nay mình sẽ đi với anh em, có gì thì giúp V. đối phó”. Nguyễn Quang Hiệp bảo: “Không được đâu anh Mười. Anh xuống đó, nếu có tình huống xấu thế nào anh cũng lao vào thì khó an toàn lắm. Thôi anh ở nhà, để tôi đi”.

(Còn nữa)

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người nội ô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO