|
Một chiều cuối tháng 4.1970, Nguyễn Quang Hiệp đang ở trong trại của đội công tác nội ô thị xã. Vừa ở vùng địch về, mấy hôm nay ông hơi mệt nên còn nghỉ lấy sức. Trong bóng chiều nhập nhoạng, nhìn ra đường ông thấy bộ đội V18 kéo xuống khá đông. Ông liền chạy xuống chặn hỏi tối nay thị đội định tổ chức đánh hướng nào, sao không trao đổi trước với đội công tác. Ban chỉ huy V18 bảo hôm nay cử trung đội 1 đi bảo vệ cho quân khu xuống cõng gạo tại phường 3. Ông Hiệp hỏi ai chỉ huy, cán bộ thị đội hay V18? Anh em bảo giao cả cho anh Phúc bên hậu cần thị đội. Hỏi Phúc thì anh bảo hậu cần quân khu chuyển tiền xuống nhờ mua giúp 2 tấn gạo, gửi dưới đó đã 2 tuần nay, tối nay anh em xuống cõng. Nguyễn Quang Hiệp bảo: “Các anh nghỉ tại đây, chờ tôi về lấy súng đi với”. Khi quay lại, ông Hiệp tập hợp anh em phổ biến nguyên tắc đi đường và ám hiệu. Nếu gặp nhau, người nói Đá Thác thì người kia trả lời Thọ Tân. Mọi người phải thuộc lòng, nếu không cẩn thận có thể bắn nhầm nhau. Rồi ông Hiệp giao cho trung đội 1 tổ chức mũi trinh sát xuống bám đường. Qua khỏi đồi Thanh Phong, thôn Đồng Nghệ, xã Tam Ngọc, anh em cho người về báo không thấy động tĩnh gì, cả đoàn quân lên đường. Đi giữa đoàn quân, qua khỏi đồi Thanh Phong bỗng ông Hiệp nghe trên đồi có tiếng báng súng đụng nhau. Ông Xuyến, Trưởng ban Binh vận thị xã cũng nghe tiếng động liền chạy lại hỏi: “Anh có nghe tiếng gì không?”. Ông Hiệp bảo nghe như có tiếng báng súng đụng nhau. Nhưng ông Xuyến lại bảo: “Tôi nghĩ là tiếng heo rừng táp”. Ông Hiệp bảo: “Cứ để anh em đi, chúng ta nấp lại đây xem động tĩnh ra sao?”. Năm phút sau, ông Hiệp nhìn lên giữa đồi Thanh Phong thấy nháy lên ba tia đỏ; bên phải và bên trái đồi lần lượt nháy lại 3 lần. Ông hiểu ngay, địch đã biết chuyến đi của ta nên bày trận phục kích với 3 nhóm khóa đầu khóa đuôi, chờ khi trở về mới tiêu diệt để thu chiến lợi phẩm. Bây giờ chúng không phòng bị gì, chỉ ung dung chờ “cất vó”, ta nên tương kế tựu kế tổ chức trận phản phục kích để chúng nhớ đời.
Nghĩ vậy ông Hiệp đuổi theo đoàn quân, yêu cầu mọi người dừng lại, phổ biến tình hình và thăm dò ý kiến. Cả trung đội 1 của thị đội quyết đánh, 45 cán bộ chiến sĩ của hậu cần quân khu và đội công tác phường 3 cũng giơ tay quyết đánh. Nguyễn Quang Hiệp nói: “Đề nghị các đồng chí ở quân khu cho chúng tôi mượn AK và lựu đạn. Mai về chúng tôi sẽ trả. Các đồng chí vòng đường khác quay về căn cứ, tối mai chúng ta sẽ đi trở lại. Trận này để chúng tôi lo vì thông thuộc địa hình”. Quân số còn lại được chia làm 3 mũi, cử mũi trưởng để chỉ huy. Trinh sát của các mũi vòng lên phía sau đồi Thanh Phong tìm hiểu tình hình bố phòng của địch. Mười giờ đêm, các mũi trinh sát quay lại báo cáo tình hình: địch đang đào công sự chiến đấu. Đặc biệt ổ phục kích ở giữa đồi có tiếng lính Mỹ xí lô xí là qua bộ đàm. Chắc hẳn bọn chỉ huy đóng ở đây. Ông Hiệp ấn định giờ G nổ súng và điểm phát hiệu lệnh là mũi giữa đồi, cần tập trung hỏa lực đánh phủ đầu, diệt bọn chỉ huy và thông tin để chúng hết đường kêu pháo Chu Lai chi viện. Đúng kế hoạch, 12 giờ đêm, một tiếng nổ vang lên dữ dội hòa cùng tiếng súng các cỡ, 3 mũi tiến công đều phát triển thuận lợi. Địch phản ứng yếu ớt, nhưng vì sợ mìn địch gài chung quanh nên anh em được lệnh không sục sạo thu chiến lợi phẩm mà tập hợp cùng rút.
Vài hôm sau có tin nội tuyến từ tỉnh đường Quảng Tín chuyển lên rằng trong trận đồi Thanh Phong, địch đã mất 2 trung đội thám báo và 1 trung đội biệt kích có một tên Mỹ làm cố vấn. Trong trận này, ý đồ của bọn cố vấn Mỹ là tiêu diệt cộng sản đồng thời phải thu gạo tại chỗ để cảnh báo cũng là cảnh cáo Đào Mộng Xuân - Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Tín. Thế nhưng với tinh thần cảnh giác cao của ta, bọn chúng đã bị no đòn bởi trận phản phục kích rất ngoạn mục.
Một ngày tháng 5.1972, Nguyễn Quang Hiệp dẫn đội công tác, cán bộ ban đấu tranh chính trị, binh vận và anh em văn phòng thị ủy xuống phường 3 cõng gạo. Quy định 3 giờ sáng mọi người có mặt tại ngã ba Cò Bang để cùng đi lên, nhưng một số mũi không chấp hành đã lên trước. Còn chờ ở ngã ba Cò Bang chỉ có đội công tác nội ô và một số đồng chí cõng gạo. Thấy quá giờ quy định Nguyễn Quang Hiệp tổ chức cho anh em rút lên. Vừa đến trước cổng nhà ông Trí, Hiệp phát hiện có địch liền đánh một quả lựu đạn, hô anh em rút qua trái, chạy lên. Nhưng một đồng chí tưởng ta đánh nhầm ta, không chịu rút, bị địch bắn ngã xuống bên kia đường. Địch vẫn bắn nhưng không dám xung phong. Ông Hiệp nằm lại, định chờ xem đồng chí bị thương nếu bò được qua bên này đường sẽ cõng đi nhờ cơ sở che giấu. Chờ một hồi không thấy động tĩnh gì, ông Hiệp quyết định đi lên nhưng chỉ được một quãng đã thấy rạng sáng rồi, giờ này không còn kịp qua khỏi đồn Sân Bay được, chỉ còn cách tìm nhà cơ sở nhờ giúp. Ông Hiệp băng ra xóm ngoài, cách nơi địch phục kích lúc nãy khoảng hơn 500m, tìm nhà ông Ch. gõ cửa kêu thầm: “Anh Ch. ơi, anh Ch. ơi!”. Trong nhà vọng ra tiếng phụ nữ: “Không có ông Ch. ở nhà. Kêu nữa tôi la làng chừ”. Ông Hiệp thoáng nghĩ có lẽ mình gõ cửa hơi mạnh, nhà ông Ch. sợ địch giả Việt cộng nên không mở cửa. Ông quay trở ra, nghĩ bây giờ chỉ còn nhà ông Nhạc may ra có chỗ cứu nguy. Băng qua xóm Bình Hòa vào kêu cửa, ông Nhạc hé liếp phên, ông Hiệp nói: “Em đợi anh em cõng gạo nhưng họ đã lên trước nên bị muộn, giờ sáng mất rồi anh chị cho chỗ nấp”. Ông Nhạc bảo: “Cuộc chạm súng hồi gần sáng khiến cả vùng ni động rồi. Hồi nãy Hiệp vào đây, chó sủa dữ quá. Sáng mai nhất định bọn địch sẽ bố ráp khu vực này truy lùng, Hiệp cũng nguy mà gia đình ni cũng chết”. Không biết đi đâu nữa, ông Hiệp nói: “Thôi được, em sẽ bò sang bờ rào bên kia, nấp vào đó. Nếu sáng ra địch sục sạo đúng chỗ nấp, em sẽ đánh trả và chấp nhận hy sinh. Tối mai anh em có xuống tìm, anh nói giùm Hiệp gửi lời thăm tất cả mọi người, chúc anh em đồng chí vững lòng chiến đấu cho đến ngày toàn thắng”. Ông Hiệp quày quả đi ra, được mấy bước thì nghe ông Nhạc kêu lại: “Thôi, đến nước này anh chị không thể bỏ em một mình ngoài rào được. Nhà anh có 11 người, cả mi nữa là 12, có chết thì chết luôn một thảy”. Nói đoạn ông Nhạc dẫn Hiệp ra xế bên hông nhà, đưa xuống hầm trú ẩn.
(Còn nữa)
DUY HIỂN