Đang tham dự một sự kiện được tổ chức nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi vào internet và vô tình đọc được bài báo của một người nước ngoài viết trên tờ VnExpess, đã gây cho tôi ấn tượng đặc biệt.
Jesse Peterson được VnExpess giới thiệu là giáo viên, đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Bài báo nguyên tác tiếng Việt “Bắt nạt trên đường” của anh đề cập vấn đề không phải mới mẻ. Đó là những lỗ hổng văn hóa thường được nhắc đến của người Việt là giao thông, xếp hàng, thờ ơ với cái xấu hay trách nhiệm xử lý phản hồi của những nhà làm dịch vụ... Đáng nói, những điều tưởng như đã cũ đó đã gây ảnh hưởng lớn đến xã hội đang nỗ lực vì mục tiêu văn minh mà điều đầu tiên cần đến là những trật tự được xác lập từ nền cốt văn hóa. Thậm chí, Jesse Peterson còn thừa nhận, sau 9 năm sống ở Việt Nam, anh đã thay đổi giống người Việt hơn là thấy người ta làm điều gì đó không đúng như vượt đèn đỏ, không xếp hàng, chen ngang, tham nhũng… thì hay im lặng. Theo Jesse Peterson, sự im lặng đó sẽ không dẫn đến một sự thay đổi, trong khi phát triển là phép cộng của phản hồi và thay đổi!
Tôi cũng tham gia một diễn đàn nhà báo vì môi trường do một tổ chức phi chính phủ tài trợ. Tham gia diễn đàn này còn có những nhà chuyên môn người nước ngoài về lĩnh vực tài nguyên môi trường, và điều ngạc nhiên là họ viết báo rất có nghề. Những bài báo của họ mà tôi đọc, cảm nhận những vấn đề được nêu ra tại “điểm nóng” môi trường Việt Nam là rất “có lý”, qua cái nhìn rất sinh động, dễ hiểu và phải cần đến một sự phản hồi nào đó từ các nhà quản lý xã hội để tạo ra sự đổi thay. Với những nhà chuyên môn này, có thể báo chí chỉ là phương tiện để chuyển tải những điều cần nói về lĩnh vực mà họ đang hoạt động; và cùng với đội ngũ người nước ngoài làm báo chuyên nghiệp tại Việt Nam, những tiếng nói như vậy ngày càng nhiều hơn, được lắng nghe nhiều hơn bởi cái nhìn rất mới mẻ của họ từ những câu chuyện có thể đã cũ... Ở phía ngược lại, tôi cũng ngưỡng mộ những công dân Việt Nam đang làm báo tại nước ngoài. Ngoài những cây bút tiền bối, đặc biệt gần đây, những nhà báo thường trú của các cơ quan báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam cũng được công chúng biết đến rộng rãi. Những thông tin được họ chuyển tải về nước rất đa dạng, rộng khắp và hấp dẫn bạn đọc cũng bởi những góc nhìn sâu sắc, kịp thời...
Tại sao tôi lại ngạc nhiên với hiện tượng người nước ngoài làm báo như vậy? Có thể, do khả năng hạn hẹp của mình, tôi đã ngưỡng mộ những cái nhìn và cách làm báo mới mẻ của họ. Và có thể cũng do môi trường làm báo đang ngày càng rộng mở hơn; gần đây nhiều cơ quan báo chí đã đầu tư mạnh mẽ cả về phương tiện tác nghiệp lẫn con người để đáp ứng nhu cầu của “khách hàng”. Đó là lý do của tôi, bạn đọc hẳn đã có lý do của riêng mình cho câu hỏi này. Và với tư cách bạn đọc, tôi sẽ không thôi đòi hỏi ở những người làm báo về những sản phẩm chất lượng hơn, đơn giản chỉ để họ được lắng nghe nhiều hơn!
C.B.L