Người nuôi giữ niềm tin

HỒ DUY LỆ 08/01/2015 09:00

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều lần bị địch bắt giam, tra tấn hết sức dã man, nhưng chiến sĩ cách mạng Hà Kỳ Ngộ luôn giữ một niềm tin với Đảng và hun đúc niềm tin này trong đồng chí, đồng đội.

Hà Kỳ Ngộ sinh ngày 22.12.1921, quê xã Điện An, huyện Điện Bàn. Từ tháng 5.1945 ông đã tham gia tổ chức công nhân cứu quốc Đề-pô xe lửa Đà Nẵng. Tháng 10.1945 ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1946, ông làm Bí thư Chi bộ Hỏa xa Đà Nẵng... Năm 1951, Trung ương điều ông ra Việt Bắc, đưa đi học tại Học viện Mác - Lênin ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm 1953 ông về nước, sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông đưa vợ con tập kết ra miền Bắc. Năm 1959 ông làm Bí thư Đảng ủy Công ty Tàu cuốc ở Hải Phòng.

Vào một ngày xuân đầu năm 1961, ông đưa vợ và các con từ Hải Phòng lên thủ đô Hà Nội dạo chơi hồ Hoàn Kiếm, ra tiệm ảnh chụp hình kỷ niệm. Sau đó ông bí mật rời Hà Nội lên đường vào miền Nam, gửi lại cho các con bài thơ “Thương con”, viết trong đêm 14.2.1961, trong đó có những câu thơ đẫm đầy cảm xúc: “…Con à tình nước tình non/ Trăng trong vành vạnh con còn lớn khôn/ Ẵm con dạ những bồn chồn/ Quê Nam còn giặc bốt đồn thù sâu/ Thương con thức với đêm thâu/ Lòng cha ấm lại từng câu thơ buồn/ Ngày mai cha vượt Trường Sơn/ Hôn con hơi sữa còn thơm dọc rừng”.

 Cuối năm 1961, Hà Kỳ Ngộ cùng một số cán bộ từ miền Bắc về đến quê hương liền được tăng cường cho Đà Nẵng. Tháng 9.1964, Khu ủy 5 quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Đà, trực thuộc Khu ủy, thành lập Thành ủy Đà Nẵng do đồng chí Hồ Nghinh làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Hà Kỳ Ngộ làm Phó Bí thư Thành ủy. Ngày 24.3.1966, Hà Kỳ Ngộ bí mật vào nội thành trực tiếp chỉ đạo tập hợp “lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng”, chuyển cuộc đấu tranh ly khai giữa các thế lực, các chính đảng trong nội bộ chính quyền Sài Gòn thành phong trào chống Mỹ - Thiệu - Kỳ, đẩy mạnh các cuộc đấu tranh công khai, thông qua các cuộc biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị… Cuộc đấu tranh đã huy động hàng vạn nhân dân thành phố xuống đường, làm chủ thành phố. Báo Tiếng Vang xuất bản tại Sài Gòn, số ngày 5.4.1966 đưa tin “Đà Nẵng được coi như đã rơi vào tay Cộng sản”.
Tham gia chiến dịch xuân Mậu Thân - 1968, Hà Kỳ Ngộ là Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, phụ trách đấu tranh chính trị và dân vận. Chiều 17.1.1968, nhằm ngày 18 tháng Chạp, Hà Kỳ Ngộ vào nội thành, trực tiếp chỉ đạo các công việc cần phải làm trước giờ G. Tổng khởi nghĩa không thành, chấp hành lệnh của Hồ Nghinh, tất cả cán bộ bất hợp pháp ngoại thành phải tìm cách thoát ra khỏi TP.Đà Nẵng. Hà Kỳ Ngộ đã chỉ đạo cơ sở bố trí đưa các đồng chí Hồ Nghinh, Trần Thận thoát ra khỏi thành phố an toàn, còn ông ở lại tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương của cấp trên.

Sáng 29.2.1968, nhằm ngày mồng hai tháng Hai năm Mậu Thân, ông đang ngồi đọc báo thì lính an ninh quân đội Sài Gòn tại Đà Nẵng ập vào soát nhà, bắt ông đưa về phòng hỏi cung của Sở An ninh. Tra hỏi ba ngày không lấy được lời khai, chúng chuyển ông ra nhà giam Thanh Bình. Đây là một trại giam do CIA - Mỹ và an ninh Sài Gòn phối hợp tra tấn khai thác thông tin từ tù nhân, đặt tại bờ biển Thanh Bình, nên gọi là lao Thanh Bình. Tại đây ông bị đóng 9 cây đinh bảy phân sắt gỉ vào xương bánh chè, hai bàn chân, mắt cá chân làm gân chân co rút lại nhưng ông vẫn không khai. Đêm nằm trên nền xi măng lạnh trong phòng biệt giam, ông nhẩm “Lời thề với Đảng”: “Cắn răng thề với Đảng ta/ Trung kiên một chết hơn là sống dơ/ Dù ta có chết tự giờ/ Hay trăm hình phạt xác xơ thân tàn/ Không gì lay chuyển tim gan/ Hiếu trung ghi tạc tấc lòng đảng viên”.

Tra tấn cực hình, hù dọa, dụ dỗ, không lấy được lời khai, địch đưa ông vào khám Chí Hòa, Sài Gòn. Chúng cho ông ăn đói, uống khát trong suốt năm mươi ngày. Lần thứ hai, rút ngắn còn ba mươi ngày… Không khai thác được gì, ngày 6.9.1969, địch đưa ông ra Côn Đảo. Vừa xuống xe, ông nằm lăn dưới đất, không đi tiếp. Một tên bảo ông vào chào cờ, ông nói đã chống chào cờ từ khi vào tù ở Đà Nẵng. Ở nhà tù Côn Đảo, ông bị giam trong chuồng cọp, mùa hè gió biển thổi vào còn chịu được, mùa đông nằm trên nền xi măng lạnh thấu xương.

Mỗi buổi sáng, chiều, anh em tù bị giam phòng gần nơi ông luôn nghe tiếng hát vang vang, giọng trầm hùng “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước…”. Nghe là biết tiếng chuông trầm quen thuộc muốn đánh thức, động viên của Hà Kỳ Ngộ vẫn còn. Ông muốn gieo vào mọi người, nhất là anh em tù trẻ, một tinh thần lạc quan, tin tưởng. Ông hát để tin rằng, cuộc chiến đấu của quân giải phóng dù còn nhiều cam go, nhiều hy sinh gian khổ, nhưng đang hừng hực tiến gần đến ngày thắng lợi.

 Những ngày trong “địa ngục trần gian” ở lao cấm cố số 5 Côn Đảo, hồi hộp chờ tin thắng trận, người chiến sĩ Hà Kỳ Ngộ với hơn nửa thế kỷ làm một đảng viên kỳ cựu trung kiên đã mơ: “…Ngày hạnh phúc đón tàu từ đất mẹ/ Hỡi trời lam rừng tía sóng ca/ Tù chiến sĩ thác hồn thiêng cho Tổ quốc/ Chim én bay làm chủ biển trời ta” (Xuân về trên Côn Đảo).

Giấc mơ của ông đã thành hiện thực trong buổi sáng tuyệt trần ngày 1.5.1975, khi mấy anh em tù chạy vào lao cấm cố số 5 bồng ông ra phòng họp, mời ông cùng dự cuộc họp của những người chỉ huy cuộc nổi dậy, phối hợp với bộ đội vừa từ đất liền vượt biển khơi, kịp cập bờ, giải phóng nhà lao Côn Đảo. Sau ngày quê hương giải phóng, ông tiếp tục tham gia công tác và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến năm 1984 thì nghỉ hưu. Hà Kỳ Ngộ mất ngày 28.2.2008. Ngày 9.10.2014, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Hà Kỳ Ngộ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

HỒ DUY LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người nuôi giữ niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO