Người nuôi heo gặp khó

VIỆT NGUYỄN 27/02/2019 07:39

Trong khi giá heo thịt trên thị trường cao chót vót thì giá heo hơi bán tại chuồng của nông dân lại ở mức rất thấp. Quảng Nam đã xây dựng chuỗi thịt heo sạch để giúp nông hộ gỡ khó “bài toán” đầu ra nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng.

Không ít nông hộ không dám nuôi heo thương phẩm vì sợ bấp bênh đầu ra, thua lỗ. Ảnh: QUANG VIỆT
Không ít nông hộ không dám nuôi heo thương phẩm vì sợ bấp bênh đầu ra, thua lỗ. Ảnh: QUANG VIỆT

Chênh lệch quá lớn

Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Nhân (thôn Phú Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đang nuôi 4 con heo nái. Chị Nhân loay hoay, chưa quyết định nên tiếp tục nuôi heo thịt hay sẽ bán tất cả số heo con sau vài ngày nữa heo nái đẻ ra. “Chi phí nuôi heo thương phẩm quá lớn. Nhiều khi giá thành cho mỗi ký heo hơi lớn hơn giá trị bán ra tại chuồng. Những lúc đó, gia đình thua lỗ” - chị Nhân nói. Mỗi lứa heo nái đẻ khoảng 15 con, chị Nhân muốn bán nhưng lãi ít nên cứ phân vân. “Nông hộ chỉ muốn giá heo hơi ổn định là nuôi có lãi nhưng quá bấp bênh trong thời gian qua nên cứ lo ngay ngáy” - chị Nhân nói thêm. Cách đây chưa lâu, gia đình chị Nhân bán lứa heo hơi sau tết với giá chỉ 42 nghìn đồng/kg, tương đương với giá bán heo hơi cận tết. Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi trên thị trường, giá heo thương phẩm được tư thương bán ra với giá 110 nghìn đồng/kg, cao hơn cận tết gần 20 nghìn đồng/kg. Nhiều nơi ở các chợ, tiểu thương bán với giá cao đến 120 nghìn đồng/kg heo thịt.

Ông Lê Văn Tại - cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Phú cho rằng, nông dân chịu quá nhiều vất vả để nuôi heo thương phẩm nhưng đến khi xuất chuồng thì chịu thiệt, bán giá quá thấp còn tư thương mua giá thấp, bán cao nên mới thực sự hưởng lợi. “Nông dân nuôi heo không được lợi mấy. Người tiêu dùng cũng bị “móc túi” vì giá rất đắt đỏ. Chỉ có tư thương thu lợi lớn từ mua heo, mổ thịt, bán ra thị trường” - ông Tại nói. Theo ông Tại, khi mua heo hơi, tư thương chủ động tính phí vận chuyển, phí thú y, phí giết mổ, phần lãi qua trung gian phân phối rất cao nên thêm một lần nữa thu lợi. Ngoài ra, họ còn chê ỏng chê eo heo tại chuồng để làm giá mua thấp. “Chỉ có nuôi heo theo chuỗi, khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ thì mới đem lại lợi nhuận cho người nông dân. Tuy nhiên, cái khó là nông dân huy động vốn thấp, đầu tư chuồng trại không đảm bảo, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường còn hạn chế nên rất khó nuôi heo theo chuỗi với quy mô lớn. Doanh nghiệp chê nông dân còn nuôi heo nghiệp dư nên ngại liên kết sản xuất theo chuỗi” - ông Tại cho biết.

Khó về thị trường

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, nhận thấy người nuôi heo gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm nên từ năm 2017 đã phối hợp với Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ hỗ trợ heo giống cho 7 nông hộ trên địa bàn xã Tam Phú thí điểm nuôi heo sạch theo chuỗi với quy mô 11 con/hộ. Theo đó, với hợp đồng ký kết, Hợp tác xã Nông nghiệp & dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn (huyện Duy Xuyên) sẽ thu mua heo hơi của nông hộ với giá cao hơn mặt bằng thị trường 1 giá. Tuy nhiên, quá trình này gặp trở ngại khi đơn vị thu mua heo cho rằng, thịt heo của 7 hộ dân xã Tam Phú có lượng mỡ quá nhiều, không đảm bảo chất lượng, khó tiêu thụ trên thị trường nên thôi. Để giải quyết khó khăn này, trong năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã hỗ trợ cho mỗi hộ chăn nuôi kể trên 2 con heo nái để tạo đàn giống tốt, nuôi heo thương phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đến nay, ngành chức năng đã liên hệ với hộ kinh doanh Ung Duy Vũ đang có 2 cửa hàng bán thịt heo sạch ở đường Trưng Nữ Vương và Huỳnh Thúc Kháng (TP.Tam Kỳ) để ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm. “Tôi chỉ mua heo sạch, có nguồn gốc dân dã về giết mổ và bán tại 2 địa điểm cố định. Tôi đã liên hệ với các nông hộ xã Tam Phú để thỏa thuận thu mua heo, qua đó kỳ vọng gắn bó, tạo mối làm ăn lâu dài” - anh Vũ nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thành, ngành chức năng đã hỗ trợ các nông hộ trên địa bàn xã Bình Chánh, Bình Phú, Bình Định Nam (Thăng Bình) nuôi heo sạch theo chuỗi từ năm 2016. Thời gian đầu, Công ty TNHH Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam đóng tại xã Bình Phục (đầu mối thu mua, giết mổ, xây dựng cửa hàng kinh doanh sản phẩm thịt heo sạch trước cổng chợ Hà Lam) đã tiêu thụ rất tốt, nhưng chuỗi thịt heo này đã phải dừng lại do không thể cạnh tranh với thị trường. “Đàn heo từ Bình Định và các tỉnh, thành phía Nam đã được thương lái ồ ạt vận chuyển về Quảng Nam rồi chiếm lĩnh thị trường vì giá heo hơi thấp đến vài giá. Công ty TNHH Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam vì mua của nông dân với giá cao đã không thể cạnh tranh nổi trên thị trường nên chuỗi heo sạch được kỳ vọng rất lớn đã phải dừng lại” - ông Thành nói.

Theo ngành chức năng, qua triển khai chuỗi heo sạch đã có tác động lớn thay đổi ý thức của nông hộ về đầu tư hạ tầng nuôi heo, chuồng trại, nguồn nước, môi trường..., quy trình nuôi sạch, yêu cầu khắt khe của thị trường. Các địa phương cũng đã nhận thấy nhu cầu mua heo sạch của các siêu thị, bếp ăn tập thể nên có thể liên kết giúp nông hộ ổn định đầu ra.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người nuôi heo gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO