Người nuôi tôm khốn đốn vì nguồn nước ô nhiễm

XUÂN KHÁNH 29/07/2016 16:05

(QNO) - Việc Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai (đóng tại xã Tam Hiệp, Núi Thành, thuộc Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai) lén lút xả thải khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nhiều người nuôi tôm lâm vào cảnh khốn đốn.

Cuối năm 2015, công ty này đã bị Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường) phạt hành chính hơn 730 triệu đồng vì hành vi trên. Mới đây, ngày 23.7, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường cũng đã vào cuộc, làm rõ sai phạm của công ty này vì tiếp tục lén lút xả thải ra môi trường.

Ông Ấu buồn bã nhìn vợt tôm sú bị chết khi chỉ mới thả cách đây không lâu. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Ông Ấu buồn bã nhìn vợt tôm sú bị chết khi chỉ mới thả cách đây không lâu. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Hơn nửa năm, 3 lần tôm chết

Sáng 29.7, có mặt tại một số thôn của xã Tam Hiệp, phóng viên ghi nhận khung cảnh tiêu điều từ các đìa nuôi tôm của người dân ở đây. Cả trăm héc ta diện tích nuôi tôm đều bỏ không, nhiều đìa rong rêu nổi lềnh bềnh, lán trại trống huơ trống hoác. Và khó khăn lắm, chúng tôi mới bắt gặp được một vài người ở các đìa nuôi tôm.

Ông Nguyễn Sung, 68 tuổi, ở thôn Đại Phú cho biết toàn bộ 4 sào nuôi tôm của ông hiện bỏ không. Nguyên nhân là từ tháng Giêng đến nay, toàn bộ tôm, cá nuôi của ông đều bị chết hết, không những 1 mà đến 3 lần, tổng thiệt hại chi phí ban đầu khoảng 30 triệu đồng, chưa tính công sức bỏ ra.

Theo ông Sung, nguyên nhân dẫn đến cá, rồi tôm của ông chết là do Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai lợi dụng những cơn mưa bất ngờ, hay đêm đến lén xả thải ra làm cho nguồn nước nuôi tôm bị nhiễm độc và chết. Cũng theo ông Sung, ở thôn Đại Phú, không riêng gì ông, mà có đến khoảng 30 hộ nuôi tôm cũng đều lâm vào cảnh khốn đốn tương tự.

Ông cũng cho biết, số đìa tôm này trước đây là do con trai của ông nuôi, nhưng kể từ khi nguồn nước bị ô nhiễm, tôm chết liên tục, thì con trai ông bỏ luôn, rồi xin vào làm trong một nhà máy ở Khu kinh tế Chu Lai. Ông Sung còn cho hay, nguồn nước ô nhiễm không chỉ làm tôm, cá chết, mà khiến cho đàn bò của ông cũng như nhiều hộ dân ở đây khi ăn cỏ ven các nguồn nước đó, cũng bị nôn mửa, kiệt sức.

Ông Sung ngồi nhìn đìa nuôi tôm bỏ không sau 3 lần bị tôm chết do nước bị nhiễm độc. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Đìa nuôi tôm của ông Sung bỏ không sau 3 lần bị tôm chết do nước bị nhiễm độc. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Cách đìa nuôi tôm của ông Sung không xa, là đìa nuôi tôm của ông Phạm Văn Ấu, 62 tuổi, cũng ở thôn Đại Phú. Chỉ đống tôm sú nhí vừa thả đã bị chết, ông Ấu lắc đầu ngao ngán: “Chết hết. Tính đầu năm đến chừ, đây là lần thứ 3. Lần đầu là 20.5 âm lịch, chết 4 vạn tôm thịt, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng; lần 2 là ngày 10.6 âm lịch, thiệt khoảng 10 triệu đồng; và lần thứ 3, là mới đây, thiệt hại khoảng 5 triệu đồng. Toàn bộ 1,2ha nuôi tôm của tôi hiện bỏ không, đâu dám nuôi nữa”.

Lúc chúng tôi đến, ông Ấu đang tháo nước trong các hồ nuôi tôm bị ô nhiễm, nhưng ông Ấu không biết phải lấy nguồn nước từ đâu để súc rửa và đưa vào đìa để nuôi tôm, bởi lẽ toàn bộ nguồn nước xung quanh đã bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng từ Nhà máy sô đa Chu Lai lén xả thải.

Trong khi đó, vợ và con trai của ông Ấu dùng gầu đôi tát nước, dùng cuốc để nạo vét bùn ô nhiễm, khơi thông dòng chảy hy vọng nước ở sông Trường Giang khi dâng cao sẽ chảy vào và súc rửa những độc tố đã làm tôm, cá chết.

Vợ con ông Ấu nao vét, tát nước và khơi thông dòng chảy để
Vợ con ông Ấu nạo vét, tát nước và khơi thông dòng chảy để "thanh lọc" nước ô nhiễm. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Chưa có thống kê thiệt hại

Mặc dù xác nhận những thiệt hại về kinh tế của người dân do bị ảnh hưởng bởi Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai, nhưng ông Nguyễn Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết hiện tại vẫn chưa có thống kê thiệt hại cụ thể nào. Cũng theo vị này, kể từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai đã có ít nhất “3 việc” làm ảnh hưởng đến người dân.

Thứ nhất là mỗi lần nhà máy hoạt động, nhất là thời gian đầu, gây ra tiếng ồn rất lớn. Thứ 2, trong quá trình hoạt động, nhà máy này thải ra lượng khói lớn; lúc thời tiết bình thường không sao, khi gặp thời tiết âm u, thì lượng khói này kết lại giống như xỉ than, rơi xuống làm bẩn nhà cửa, quần áo (đang phơi) của người dân. Và thứ 3, cũng nghiêm trọng nhất, đó là lén xả nước thải làm ô nhiễm nguồn nước.

Người nuôi tôm bỏ mặc lán trại, chòi canh xơ xác vì tôm, cá không nuôi được. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Người nuôi tôm bỏ mặc lán trại, chòi canh xơ xác vì tôm, cá không nuôi được. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Ông Anh còn cho biết, hiện chỉ có Khu công nghiệp Bắc Chu Lai mới có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Còn Cụm công nghiệp ở Tam Hiệp chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nên việc xử lý nước thải là việc “nội bộ” của mỗi nhà máy riêng lẻ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các nhà máy đóng ở đây lén lút xả thải ra môi trường, mà gần đây nhất chính là Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai.

Cũng theo ông Anh, toàn xã Tam Hiệp có hơn 200ha diện tích nuôi tôm. “Trước đây, hầu hết người dân ở đây đều nuôi tôm và nuôi rất đạt. Nhưng vài năm trở lại đây, khi có Cụm công nghiệp Tam Hiệp, thì nghề nuôi tôm của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn nước bị ô nhiễm nặng” - ông Anh nói.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người nuôi tôm khốn đốn vì nguồn nước ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO