(QNO) - Hàng trăm héc ta tôm thẻ chân trắng chìm trong nước lụt khiến nông dân huyện Núi Thành thiệt hại nặng, thất bát vụ tôm mùa đông. Một phần nguyên nhân là do các hộ dân không làm theo khuyến cáo trước đó của ngành nông nghiệp.
Nước lụt làm sạt lở bờ hồ khiến 30 nghìn con tôm thẻ chân trắng của ông Nguyễn Tấn Thành và bà Nguyễn Thị Lâm Tình trôi ra sông Trường Giang. Ảnh: ĐẠO VIỆT |
Ông Nguyễn Tấn Thành (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) bàng hoàng kể: “Khoảng 1 giờ sáng 10.12, khi tôi đang ngoài hồ để giữ tôm thì nước chảy mạnh xé toang bờ của hồ tôm phía trong. Rồi nước tiếp tục tràn mạnh làm gãy bờ nối giữa 2 hồ liền kề, bờ tiếp giáp với sông Trường Giang. Chỉ trong vài phút, tôi và em ruột mình là Nguyễn Thị Lâm Tình mất trắng 2 hồ tôm”. Theo ông Thành, nguyên do là nước dâng tràn vì mưa lớn, cộng với việc mương thoát nước bị một hộ nuôi tôm khác ngăn lại nên toàn bộ nước tràn về phía hồ tôm của gia đình ông gây gãy bờ.
Ông Thành cho biết, toàn bộ 30 nghìn con tôm thẻ chân trắng gần đến ngày thu hoạch đã trôi hết ra sông. Cùng với đó, căn nhà bếp bị sập hoàn toàn, và chòi phục vụ nuôi tôm cũng bị hư hỏng nặng. “Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là tôi thu hoạch 2 hồ này, còn giờ thì đã mất trắng hơn 400 triệu đồng. Để khôi phục lại chắc mất tầm 80 triệu đồng cho việc thuê xe múc, mua đất về làm lại bờ, phủ bạt ni lông…” - ông Thành ngán ngẩm.
Một phần căn nhà của gia đình ông Thành cũng bị sập đổ vì nước lụt. Ảnh: ĐẠO VIỆT |
Còn tại thôn An Khuông (xã Tam Xuân 2), gần 50ha nuôi trồng thủy sản của người dân đã chìm trong biển nước sau một đêm. Trong đó gần 15ha với khoảng 150 nghìn con tôm thẻ chân trắng gần đến kỳ thu hoạch đã theo dòng nước trôi đi, ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Anh Bùi Văn Bích (thôn An Khuông) cho biết gia đình anh thả nuôi 24 nghìn con tôm thẻ chân trắng, chỉ còn 15 ngày nữa là thu hoạch nhưng đã bị nước lụt cuốn đi hết gây thất thu 100 triệu đồng. “Thấy thời tiết thuận lợi nên tôi mới tiến hành thả nuôi số tôm này. Mặc dù đã có nhiều phương án dự phòng cho mưa lụt, nhưng nước dâng quá nhanh nên tôi đành bó tay nhìn tôm bị nước lũ cuốn đi” - anh Bích thở dài.
Vùng nuôi tôm của người dân xã Tam Xuân 2 vẫn chìm trong biển nước vào ngày 12.12. Ảnh: ĐẠO VIỆT |
Giống như trường hợp của anh Bích, ông Nguyễn Văn Xướng (thôn Bà Bầu, xã Tam Xuân 2) cũng bị nước lũ cuốn trôi gần 50 nghìn con tôm thẻ chân trắng, ước tính mất gần 150 triệu đồng. Số tôm chết và sót lại trong hồ, ông Xướng xót xa vớt về làm thức ăn cho heo, gà.
Ông Võ Công Định - cán bộ phụ trách Ban Nông nghiệp xã Tam Xuân 2 cho biết, vụ tôm trái mùa này đều do người dân tự phát nuôi trồng, không qua sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Ông Định nói rõ thêm: “Xã đã quán triệt kỹ càng lịch chăn nuôi thủy sản cụ thể cho người dân, tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh, nhân dân trên địa bàn xã vẫn nuôi trồng gần 100ha thủy sản. Đến thời điểm này toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân vẫn còn chìm sâu trong nước. Vì thế chưa thể thống kê được thiệt hại, qua báo cáo ban đầu từ các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng thì đến nay trên họ thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Văn Xướng vớt số tôm ít ỏi còn lại trong hồ về làm thức ăn cho heo, gà. Ảnh: ĐẠO VIỆT |
Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại trên đều là các hộ nuôi tôm vùng hạ triều, hồ nuôi sát với bờ sông Trường Giang nên nước dâng lên sẽ gây thiệt hại ngay. Đồng thời thiệt hại này cũng là do một phần từ sự chủ quan, không làm theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương.
“Trước đó, chúng tôi đã có khuyến cáo các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện kết thúc vụ nuôi mùa đông trước ngày 30.9 để đảm bảo an toàn tài sản, tránh các thiệt hại do thiên tai nhưng vẫn có rất nhiều hộ dân nuôi tự phát. Khi xảy ra thiệt hại thế này thì rất khó được Nhà nước hỗ trợ để khôi phục sản xuất. Qua đây, chúng tôi đề nghị bà con cần lắng nghe theo các khuyến cáo, hướng dẫn lịch thời vụ của ngành nông nghiệp đưa ra nhằm sản xuất an toàn, đạt hiệu quả cao” - ông Sơn nhấn mạnh.
ĐOÀN ĐẠO - VĂN VIỆT