Người ở Cửa Đại

22/10/2015 08:15

Năm ngoái, cũng vào thời điểm này, người dân vùng biển Cửa Đại (Hội An) lập đàn cầu an, cầu bồi cho bờ biển Cửa Đại. Năm nay, cửa biển vẫn tiếp tục lở sâu, và những nén nhang vẫn đỏ dọc bờ kè cát…

Người thường xuyên mang hương cắm xuống cát biển, mỗi sớm khấn vái thần linh đừng cướp đi bờ biển của họ, không ai khác, là những người buôn gánh bán bưng. Họ, đã mấy chục năm ròng bám vào bờ biển này để sinh tồn và nuôi lớn con cái…

1. Những ngày này, bờ biển Cửa Đại buồn hiu hắt. Khách du lịch, tây ta gì cũng vậy, tạt qua bờ biển, ngó bờ kè được dựng cao chừng hơn 3m, nhìn sóng đập ầm ào rồi trở vô. Chẳng ai buồn để mắt tới những người phụ nữ, đàn ông đang bày biện bàn ghế, mắt buồn hắt hiu. “Buồn chớ, tháng này mấy năm trước dù sai cũng còn có khách, hai năm trở lại đây thì coi như không. Xưa Tây tới đây kêu được chai nước, chừ họ tới biển rồi quay trở vào không kịp, huống chi nước nôi” - ông Nguyễn Bi nói. Câu nói nhẹ bâng, tưởng như đã quen hẳn với cảnh huống này. Nhưng vẫn khấp khởi hy vọng, nhen lên đâu đó bởi cái ý nghĩ dựa vào sức mạnh thần bí. Từ đâu thì không biết. Mỗi ngày trước khi dọn hàng ra biển, ông Bi, hay bà Năm, bà Nga, chị Hai… hơn cả 10 người như vậy, thắp hương khấn vái thần linh thương tình đừng “nuốt” thêm bờ biển của họ. Công cuộc giữ đất, giữ bờ giờ phải cầu cứu đến thần linh. Từ mấy chục mét, bây giờ tính bằng mấy trăm, sóng cứ ăn mòn đoạn bờ biển đã từng được bình chọn là đẹp nhất hành tinh. Coi vậy thôi, mà cái đoạn bờ biển này đủ làm sinh kế cho hàng chục gia đình xóm biển, đủ để những người vợ không phải dựa cột buồm ngóng chồng đi biển trở về, đủ để những đứa con làng biển lớn khôn, trưởng thành và… thoát biển. Nên bây giờ, nó đủ sức để làm ray rứt ký ức …

Vắng khách nên những người buôn bán ở biển Cửa Đại rất “thảnh thơi”. Ảnh: SONG ANH
Vắng khách nên những người buôn bán ở biển Cửa Đại rất “thảnh thơi”. Ảnh: SONG ANH

Đại Chiêm hải khẩu - tên của Cửa Đại xưa, được gọi lên từ thời người Chiêm Thành, đóng nhiều sứ mệnh lịch sử khác nhau. Từ suốt thế kỷ thứ II đến XIV thời Chămpa, sang đến thế kỷ XVI - XVII thời Đại Việt, tàu bè Á - Âu tấp nập cùng hàng hóa đổ về giao thương, tạo nên cảng thị Hội An - Faifo sầm uất vang danh trong lịch sử. Nhiều nghiên cứu văn hóa của vùng đất này cho biết, trong hải trình của “con đường tơ lụa trên biển”, Đại Chiêm hải khẩu có một vị trí đặc biệt. Bây giờ, biết vậy từ sách vở, chứ dấu tích có còn lại gì. Không chỉ có độc vai trò cửa khẩu, Cửa Đại là nơi tiếp nhận và gắn liền với những con sông ký ức của xứ Quảng. Là một Cổ Cò thơ mộng đã bị bồi lấp để người đời gợi nhắc trong những hành trình địa chí, hành trình lịch sử Chiêm Thành - Đại Việt. Thương hải tang điền, để rồi bây giờ, Cửa Đại từ một bờ biển du lịch của người Việt hiện đại, thành một Cửa Đại sạt lở với số lượng tìm kiếm đứng hàng đầu trên các trang mạng xã hội.

Từ sau khi lập đàn cầu an vào tháng 10.2014 đến nay, mỗi sáng người dân Cửa Đại vẫn khấn vái thần linh thương tình đừng “nuốt” thêm bờ biển của họ. Ảnh: SONG ANH
Từ sau khi lập đàn cầu an vào tháng 10.2014 đến nay, mỗi sáng người dân Cửa Đại vẫn khấn vái thần linh thương tình đừng “nuốt” thêm bờ biển của họ. Ảnh: SONG ANH

Câu chuyện lịch sử của Cửa Đại càng nhắc càng buồn. Đó là mỗi buồn của những nhà nghiên cứu văn hóa, khi nền móng dấu tích ngày một mất đi. Bản sắc của làng quê xứ biển chỉ còn lại trong tâm thức, khi du lịch “cày xới” vùng bờ biển. Làn sóng làm du lịch khiến thứ gì cũng có thể diễn, từ nếp sống đến hội hè. Nhưng chuyện đã cũ, thiên nhiên ban tặng thì cũng có thể lấy đi, nếu con người không biết trân quý. Bà Nguyễn Thị Năm, một người bán hàng trên bãi biển công cộng Cửa Đại thuộc hàng lâu nhất, nói như trách móc, mà lời trách này chẳng biết dành cho ai: “Tụi tui nghĩ do mấy khu resort phía trên đoạn này, phía dưới đoạn này kè đá kỹ quá, sóng biển cứ xô về đây mà ăn mòn hết cái bãi tắm này”. Bây giờ tìm lý do sạt lở bờ thì cũng như người ta đi tìm lại gốc tích lịch sử của Cửa Đại, nói thì biết vậy, chứ lấy gì làm bằng cớ. Mà bây giờ, buồn nhất vẫn là những người như bà Năm, ông Bi, hàng chục con người chỉ quen dựa vào bán bưng ở đây.

2. Có những nghiên cứu các nhà khoa học thế giới cho rằng, biến đổi khí hậu chịu tác động lớn nhất từ con người. Tích lũy dần những tác động nhỏ, đến thời điểm thì nó bùng lên, không cách gì ngăn được. Biển Cửa Đại là một điển hình. Gần 30 năm trước, Cửa Đại từng một lần sạt lở lớn. Khoảng những năm 1987 -1988, lần sạt lở đầu tiên khiến cư dân vùng Cửa Đại ăn ngủ không yên. Khi ấy, chính những người đàn ông đã xin chính quyền lập đàn cúng tế cầu cho biển bồi trở lại. Cầu 3 ngày 3 đêm. Ông Bi nói lúc ấy biển bồi trở lại một ít. Nhưng từ thời điểm đó đến nay thì sạt lở quá nhiều, mỗi năm sạt một ít, đến khoảng năm 2013 - 2014 thì sóng biển ăn mòn đến nhìn thấy cả bằng mắt thường, như hiện tại. Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2030 do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, dự báo đến năm 2020, gần 1/3 Hội An sẽ bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu. Nghe tưởng là chuyện ở đâu trong tương lai xa, nhưng với tình trạng hiện tại ở Cửa Đại, đó là một cảnh báo nghiêm túc.

Câu chuyện sạt lở biển bây giờ không còn thời sự với cư dân Hội An nữa. Nhưng nó luôn là “điểm nóng” với chính những người sinh sống ở Cửa Đại. Mỗi ngày, biển lại gần hơn một chút. Những hàng dừa chắn sóng ngày một vơi. Ban đầu một hai hàng bị sóng nuốt, bây giờ, không còn tính bao nhiêu hàng dừa mất đi, mà phải đếm những hàng dừa còn lại trên bờ biển. “Đau xót lắm chứ!” - bà Nguyễn Thị Nga phân trần. Rời Sài Gòn về lại quê hương, hai mươi năm có lẻ, hai vợ chồng bám víu vào đây, nuôi con gái, con rể và giờ là cháu ngoại. Những người khó nghèo của vùng biển này, đều coi Cửa Đại là “cuộc đời” của mình. Được ở bên biển là may mắn, ân huệ, nhưng đó cũng là món quà nham hiểm, đánh đố và thách thức khắc nghiệt của trời đất. Những người đàn ông ở vùng biển này ít nhiều đều đã đi “bờ”, đi “bạn” cho tàu cá khắp nơi. Họ hiểu cái cảm giác “nổi giận” của thiên nhiên, mỗi khi có bão biển, gió giật, gió thốc. Mà cả nước Việt mình, ngun ngút quay mặt nhìn về phía Biển Đông. Nên biển, cũng là cội nguồn của mình.

Bãi tắm công cộng mất. Không gian công cộng ven biển coi như không còn. Các khu resort ven biển đã đi vào hoạt động lâu nay, đã kè cứng bằng nhiều biện pháp để “giữ đất” cho mình. Giữ đất chứ không thể giữ khách. Lượng khách đến vùng ven biển hao hụt dần. Nhiều biệt thự hàng tỷ đồng đã xây mấy năm nay dọc vùng biển này, coi như bỏ không. Mất mát đến hàng chục tỷ đồng, nhưng thà như vậy, còn hơn đầu tư thêm vào, hoàn thiện, rồi lại mất trắng. Rủi ro không đong đếm nổi, khi đối chọi với thiên nhiên. Tôi đọc đâu đó một thông tin, rằng các tỉnh ven biển miền Trung đều sở hữu những bờ biển đẹp bởi cảnh quan thiên nhiên, mặt nước biển xanh, có bãi cát mịn chảy dài theo nước, có rừng dương xanh, có gò đất đồi, ghềnh đá… tạo nên những sắc thái riêng, diện mạo riêng. Thế nhưng, hơn 10 năm qua những vùng biển này đã được các địa phương lần lượt đưa vào đầu tư và khai thác phục vụ cho du lịch. Hàng loạt resort, khu nghỉ dưỡng, biệt thự, sân golf mọc lên bao quanh như tường rào che chắn, phân chia sử dụng bãi biển trở thành của riêng. Người dân sở tại không được hưởng phúc lợi quê mình…

Bây giờ, hơn chục hộ buôn bán ở bờ biển Cửa Đại, được phường này chia thành hai nhóm, mỗi nhóm có 6 chủ chia luân phiên ra để buôn bán. Thành ra tháng bây giờ bán được 15 ngày, mỗi ngày nhiều nhất được 50 nghìn đồng. Ít vậy, nhưng họ không bỏ. Bởi cái hy vọng đơn giản lắm. “Mong thành phố giải quyết việc làm mới, thì có tên của chúng tôi. Chứ bỏ ở đây đi kiếm chuyện khác, cũng không đành” - bà Trần Thị Năm nói. Mỗi tuần 3 ngày đi bán ở biển, 3 ngày họ làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy, từ đàn ông đến đàn bà. Tôi nói với bà Nga, người ở xa đến Hội An, ai cũng nói dân cư thành phố du lịch, chắc khá giả lắm. Nhưng giữa phố và ven đô, giữa trung tâm phố và phường ven biển, cách nhau dữ lắm. Bà Nga nói, giờ đi tới gần nhà tôi, ở khối Phước Tân, phường Cửa Đại, ăn dĩa cơm khoảng 10 ngàn, chứ đi lên phố, ăn dĩa cơm gà vỉa hè thôi, cũng đã 35 ngàn…

Ghi chép của SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người ở Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO