Xã hội

Người phụ nữ Cơ Tu dùng mạng xã hội “cõng” sản vật vượt núi

NGỌC VY 03/08/2024 09:25

(QNO) - Tạo lập tài khoản tương tác bán hàng trên mạng xã hội, chị Alăng Thị Chon (thôn Xà Nghir, xã Zà Hung, Đông Giang) đã tự quảng bá, giới thiệu nông sản của gia đình và đồng bào Cơ Tu sản xuất ra dễ dàng tìm đường tiêu thụ ở đồng bằng, thành phố.

Chị A Lăng Thị Chon thu mua nông sản tại nhà
Chị Alăng Thị Chon thu mua nông sản tại nhà. Ảnh: N.V

Tốt nghiệp THPT xong, song gia đình không có điều kiện cho đi học tiếp, chị ALăng Thị Chon, thôn Xà Nghir (xã Zà Hung) ở nhà phụ bố mẹ việc nương rẫy rồi lấy chồng, sinh con. Không việc làm, cái đói cái nghèo đeo bám, vợ chồng chị Chon thường xảy ra lục đục. Nhiều lần chị suy nghĩ nếu cứ bám nương, bám rẫy thì cuộc sống chẳng biết bao giờ mới đổi đời?

Alăng Thị Chon nhớ lại: "Mình đọc trên mạng xã hội facebook thấy nhiều người đăng rao bán các sản phẩm nhà làm, thứ gì họ cũng đăng lên đó bán được, tại sao mình không bắt chước?".

Thế là chị học hỏi theo, ban đầu đăng những thứ có trong vườn nhà lên facebook như: Thơm nhà trồng không thuốc, 10 nghìn đồng/ quả. Sau khi đăng bài, rất lâu sau đó mới có vài người tương tác hỏi mua... 1 quả. Không nản chí, cứ thế ngày nào chị cũng đăng, lúc thì đăng bán dứa, lúc thì đăng bán nếp rẫy, đậu đen xanh lòng, chuối, ớt a riêu...

Khi đã kết nối với nhiều thành viên, có nhiều bạn hàng, chị mở rộng mạng lưới bán hàng nông sản bản địa xuống thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ, Đại Lộc… Mỗi ngày vợ chồng chị Chon rong ruổi đi thu mua sản vật của bà con địa phương, bán lại cho thương lái dưới xuôi kiếm lời.

Alăng Thị Chon chia sẻ: “Mới đầu thì ít người mua, nhưng tôi cứ đăng liên tục. Sau này nhiều người mua khen hàng nông sản của tôi ngon, chất lượng nên "tiếng lành đồn xa". Mình cùng chồng lặn lội vào các thôn, xã khác mua các loại nông sản của bà con về bán kiếm lời. Giờ đây người ta quen mình rồi, nên mình bán được nhiều hàng lắm”.

Chính cái mạng xã hội ấy, là “cửa sinh” giúp nông sản trong làng trong rẫy ở thôn Xà Nghir và của xã Zà Hung tìm được đầu ra ổn định; bình quân mỗi tháng gia đình Alăng Thị Chon thu nhập từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Vào mùa thu hoạch trái cây có tháng kiếm hơn 20 triệu đồng. Mùa nào thức ấy, mỗi ngày Chon thu mua khoảng vài tấn nông sản.

Chính quyết tâm và sự gợi ý từ mạng xã hội facebook đã thôi thúc và mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình trên con đường khởi nghiệp

Alăng Thị Chon

Vào mùa thu hoạch nông sản, nhà Alăng Thị Chọn luôn tấp nập người vào ra. Có hôm, bà con gùi đến cả ngàn trái dứa, có ngày cả xe tải củ nghệ, củ gừng, chất đầy nhà. Chị điện thông báo cho mối mua dưới xuôi, sáng sớm hôm sau, xe tải chạy lên bốc chở về xuôi hết.

"Một số biết bài đăng thì mang tới nhà, còn không là em tới nhà nói bà con thu hoạch cho đủ số lượng. Nông sản bà con ở xã này em thu mua hết. Bà con cũng tin tưởng giá cả mình thu mua, nên họ không lo bị ép giá, yên tâm sản xuất” - Chon cho biết thêm.

Mỗi năm vợ chồng chị Chon thu nhập 100 triệu đồng từ nuôi dúi
Mỗi năm vợ chồng chị Chon thu nhập 100 triệu đồng từ mô hình nuôi dúi. Ảnh: N.V

Ngoài thu mua nông sản địa phương, vợ chồng chị Alăng Thị Chon còn nuôi dúi, tái đàn lên đến hàng trăm con. Hiện nay, dúi thương phẩm có giá khoảng 450 - 500 nhìn đồng/kg; dúi giống khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/cặp, trừ tất cả chi phí, đàn dúi đem lại thu nhập cho gia đình chị Chon hơn 100 triệu đồng/năm. Từ thu mua nông sản, nuôi dúi gia đình Alăng Thị Chon đã tạo công ăn việc làm cho 7 phụ nữ và 3 thanh niên.

Chị A Lăng Thị Chon tạo việc làm cho phụ nữ cùng thôn
Chị Alăng Thị Chon tạo việc làm cho phụ nữ cùng thôn. Ảnh: N.V

Chị Bnước Thị Bượu - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Zà Hung khẳng định, vợ chồng Alăng Thị Chon là gương sáng trong khởi nghiệp, điển hình của mô hình vượt khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi.

“Không chỉ làm giàu, chị Chon còn thường xuyên giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống, hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương. Điều ý nghĩa nhất, chị tạo công ăn việc làm cho phụ nữ và thanh niên trong làng" - chị Bnước Thị Bượu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người phụ nữ Cơ Tu dùng mạng xã hội “cõng” sản vật vượt núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO