Người phụ nữ kiên cường, chung thủy

DUY THỦY 03/03/2020 13:55

Bà là Trần Thị Điểm, quê Quảng Nam, cán bộ hưu trí đang sống cùng gia đình tại khu tập thể cán bộ Trung ương, số 261 Thụy Khuê, Hà Nội.

Bà Điểm sinh ra trong một gia đình nông dân, có truyền thống yêu nước. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, bà được đi học văn hóa. Từ năm học lớp 6 ở Trường Tam Kỳ II, bà đã tham gia tuyên truyền thu thuế nông nghiệp ở một số xã, huyện trong tỉnh Quảng Nam, vận động thanh niên tham gia tòng quân và dạy bình dân học vụ, bổ túc văn hóa cho nhân dân.

Năm 1953, bà Điểm nghỉ học, giúp bố mẹ làm ruộng, tham gia công tác địa phương, phụ trách thiếu nhi và là thành viên trong đoàn cán bộ xây dựng tổ chức phụ nữ thị xã Tam Kỳ. Năm 1954, bà lấy chồng là cán bộ công tác ở Huyện ủy Tam Kỳ.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ngụy quyền Sài Gòn ráo riết rà soát, bắt bớ, giam cầm cán bộ cách mạng. Chúng bắt, giam chồng bà tại nhà lao quận Tam Kỳ. Không tìm được chứng cứ kết tội chồng bà là Việt cộng, chúng buộc phải thả ra.

Để chuẩn bị lực lượng cho miền Nam sau này và bảo vệ cán bộ, đầu năm 1955, chồng bà được tập kết ra Bắc. Bà Điểm ở lại quê hương, vừa làm ruộng và buôn bán kiếm sống, vừa tham gia cùng bà con địa phương đấu tranh chính trị, vạch mặt bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, lên án chúng bắt bớ, đàn áp dân lành. Bà Điểm và một vài anh em cơ sở bị bọn an ninh bắt giam vào nhà lao quận Tam Kỳ. Nhà lao rộng khoảng 30m2 nhưng chúng nhốt tới 50 người, cả đàn ông lẫn đàn bà. Tối ngủ mọi người phải nằm nghiêng. Lúc đó bà Điểm đang mang thai 7 tháng.

Trước sự lên án bắt bà Điểm vô cớ của nhân dân địa phương, bọn an ninh buộc phải trả tự do cho bà. Tháng 9.1955, bà Điểm sinh con trai trong thiếu thốn cùng cực, không có gạo ăn. Mẹ chồng phải cắt lúa chưa chín đem về rang, giã nấu cơm cho bà.

Sau năm 1956 - 1957, ngụy quân, ngụy quyền tỉnh Quảng Nam tăng cường phá hoại việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ. Chúng ra sức truy tìm, lùng sục, bắt bớ cán bộ cách mạng, đàn áp dân lành. Chúng còn lập ra nhiều đồn bốt, ngăn chặn hoạt động của ta. Trong tình hình ấy, bà Điểm kết hợp việc đi lại buôn bán kiếm sống tại các địa phương Khánh Thọ, Tam Dân, Suối Đá, Cẩm Khê với việc làm liên lạc, bí mật chuyển công văn giấy tờ của cấp trên tới cơ sở và thư của cán bộ tập kết gửi về gia đình. Năm 1957, dù phải chịu tang cha chồng, rồi cha đẻ, nhưng bà vẫn nén đau thương hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

Nghi bà là Việt cộng, ngụy quyền thị xã Tam Kỳ, gọi lên trụ sở, hỏi: “Chị đi đây, đi đó nhiều để móc nối Việt cộng phải không?”. Bà đáp: “Đói đầu gối phải bò, đàn bà con dại không làm ruộng được phải đi buôn gánh kiếm ăn chứ sướng chi. Việt cộng đâu còn mà móc nối”.

Một buổi tối đầu tháng 7.1959, bà Điểm vừa ở Cẩm Khê về nhà mẹ chồng thì mấy tên ngụy quyền Tam Kỳ ập đến bắt lên quận tra hỏi, dọa nạt, bắt khai cơ sở cách mạng. Không khai thác được gì, chúng thả bà ra. Hai hôm sau, bà đang ở Tam Kỳ thì nửa đêm có 5 tên an ninh đến bắt đưa lên nhà giam quận. Chẳng nói chẳng rằng, chúng trói hai tay bà quặt ra sau lưng, bắt đứng lên bàn, lấy dây chão buộc vào hai tay, rút lên xà nhà. Rồi chúng khiêng bàn đi. Bà bị treo lơ lửng giữa nhà, hai khớp vai bị thân người kéo xuống đau nhói. Uất ức và căm phẫn tột độ, bà dồn sức nhoài người, dùng hai chân quắp vào cổ một tên. Nó tức tối, gỡ chân bà ra và lấy thanh gỗ đánh bà tới tấp đến sáng. Toàn thân bà nhiều chỗ thâm tím, rỉ máu, đau đớn nhức nhối. Sáng ra, bọn an ninh lôi bà lên xe, đưa nhốt vào xà lim chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ bằng bàn tay. Suốt gần 3 tuần, mỗi ngày chúng chỉ cho bà ăn hai vắt cơm với muối và ca nước lã để uống.

Thực hiện luật 10-1959 của Ngô Đình Diệm, ngụy quyền, ngụy quân ở Quảng Nam gia tăng bắt người nghi là Việt cộng hoặc có mối liên hệ với gia đình cán bộ cũ, có người đi tập kết, trong đó có cả người già và trẻ em 12, 13 tuổi. Các nhà giam ở Tam Kỳ chật ních người. Những người bị bắt liên tục bị đánh đập dã man, hoặc bị giết, thả xuống sông, xuống biển…

Sau 3 tháng giam cầm, tra tấn nhiều lần, bà Điểm một mực kêu oan, ngụy quyền Tam Kỳ phải thả bà về nhà và bắt mỗi ngày lên trụ sở xã trình diện một lần. Chúng còn buộc bà tập trung học cải huấn, đứng sám hối. Có thời gian chúng bắt bà đem gạo, đem giường đến ăn ngủ ở trại cải huấn cả tháng trời…

Để tránh cho bà không rơi vào tay ngụy quân ngụy quyền, có điều kiện nuôi con khôn lớn, chờ ngày thống nhất đất nước sum họp với chồng, tổ chức của ta ở Tam Kỳ mật báo cho bà tìm cách vào Sài Gòn làm ăn và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Biết vào Sài Gòn xa quê hương, gia đình, đồng chí, một mình nuôi nấng, chăm sóc con là gian khổ, nhưng bà quyết tâm lên đường.

Tới Sài Gòn, bà được tổ chức giới thiệu đến ở nhờ một gia đình thợ dệt, để vừa học nghề, làm việc kiếm sống, vừa tiếp xúc với công nhân và nhân dân, bí mật tuyên truyền về đường lối tiến hành vũ trang cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bà còn động viên mọi người tham gia đấu tranh chính trị, chống lại sự đàn áp, tù đày của ngụy quyền Sài Gòn và phổ biến bài hát “Giải phóng miền Nam” tới một số công nhân... Trong 2 năm ở Sài Gòn, bà Điểm chịu khó học nghề dệt vải. Tay nghề của bà dần dần khá lên, thu nhập ngày càng cao, tự túc được lương thực, thực phẩm, quần áo của hai mẹ con và hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức giao phó.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người phụ nữ kiên cường, chung thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO