Người phụ nữ kiên trung

Ký của PHẠM THÔNG 03/01/2018 09:26

Lê Thị Hoàng có chồng bị địch bắt đi đày Côn Đảo từ 1956, bọn tề ngụy địa phương cố tình dùng mọi thủ đoạn o ép, ly gián nhưng chị vẫn một lòng chung thủy, phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi nấng con cái. Chị chờ chồng với quan niệm: “Chung thủy với chồng là trung thành với cách mạng”. Chồng bị tù, thân gái cô đơn nhưng chị Hoàng không hề nao núng, tiếp tục thay chồng cùng với những người đồng chí hướng hoạt động giữ lửa cách mạng tại quê nhà.

Ngày 7.1.1965, Lê Thị Hoàng là người phụ nữ duy nhất có mặt trong Đội công tác, cùng đồng đội đồng chí tiến công trụ sở hội đồng, diệt bọn tề ngụy, giải phóng hoàn toàn xã Phú Thọ. Từ năm 1965 đến năm 1970, với vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ, Trưởng ban tiền phương xã chị Hoàng luôn bám sát quần chúng tổ chức hàng chục cuộc đấu tranh trực diện với địch tại quận lỵ Quế Sơn, thị tứ Hương An, quận lỵ Hà Lam; cùng Ban binh vận xã động viên gia đình binh lính kêu gọi con em lầm đường lạc lối bỏ ngũ quay và với gia đình, quê hương; động viên hàng trăm thanh niên Phú Thọ lên đường nhập ngũ; vận động nhân dân, thương gia, người buôn bán nhỏ thu gom, mua bán, cung cấp hàng nghìn tấn lương thực cho cách mạng qua cửa khẩu chợ An Xuân... Trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân (1968) chị Hoàng là một trong những cán bộ dẫn đầu hàng nghìn quần chúng kéo đến quận lỵ Quế Sơn, phối hợp với lực lượng vũ trang nổi dậy cướp chính quyền. Đại sự không thành, địch đàn áp vô cùng dã man, chị Lê Thị Hoàng băng mình trong lửa đạn khiêng cõng bà con bị thương về tuyến sau, cứu sống nhiều đồng bào đồng chí.

Sau Tổng tấn công Mậu Thân, liên quân Mỹ - ngụy phản công lấn chiếm vùng giải phóng Quế Sơn. Lính Mỹ đổ quân đóng đồn ở nhiều điểm cao, hỗ trợ bọn ngụy quyền, ngụy quân, Quốc dân đảng lưu vong trở về lấn chiếm lập các khu dồn trên đất Phú Thọ. Ta mất đất, dân bị địch xúc tát vào khu dồn, làng xóm, vườn nhà vắng lạnh, tình hình trở nên vô cùng khó khăn, ác liệt. Chị Hoàng dù đã đứng tuổi nhưng không hề quản ngại gian khổ hiểm nguy vượt qua cái chết trên từng bước đi, cùng đồng đội tiềm nhập vào các khu dồn để xây dựng cơ sở, gìn giữ mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân, chuẩn bị lực lượng đợi thời cơ đứng lên phá khu dồn, diệt ác, phá kiềm, giải phóng trở lại quê hương.

Tháng 10.1969, chị Hoàng cùng chị Nhì, anh Cang đi họp chi bộ tại căn cứ Hố Tre, An Xuân, Phú Thọ. Trên đường về, tới thôn 2 gặp địch từ Hà Lam lên bao vây tứ phía, bắn phá ngút trời. Với kinh nghiệm dày dạn chiến trường, chị Hoàng nói với đồng chí của mình: “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”. Chị cùng đồng đội lần theo sông Lốt xuôi xuống sát vùng địch chiếm, chôn mình dưới vũng lầy giữa cánh đồng ven sông. Bầy xe tăng địch 12 chiếc băng ngang, một chiếc lăn xích sát người, chị Hoàng bấm bụng nằm tại chỗ, thà chết một mình chứ nhất quyết phải bảo vệ an toàn cho đồng đội...

Đầu năm 1970, ta tập trung chống lại kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch, không để mất thêm dân, thêm đất. Trong chiến dịch đó, vào đêm 22.7.1970 chị Lê Thị Hoàng cùng Trần Đình Cang từ căn cứ về thôn 2 Phú Thọ, trú tại nhà ông Trần Cửu là một cơ sở tin cậy của đội công tác xã. Lúc này địch đã xúc tát hết dân, chỉ còn một số gia đình trung kiên nhất làm chỗ dựa cho du kích, cán bộ. Họ bị địch coi là thành phần cứng đầu, địch muốn bắn, muốn giết khi nào cũng được. Họ giữ lòng chung thủy với cách mạng là đồng nghĩa với chấp nhận hy sinh. Thực ra thì ông Cửu là cha anh Cang, cha mẹ mà không che chở con mình thì giúp ai được trên đời này nữa. Trong khi bà Cửu nấu ăn cho hai người, đột nhiên có ông Trần Đình Tát nhà hàng xóm giả dạng đến hỏi mua chuối. Tát phát hiện thấy có người liền tháo lui. Lập tức bọn địch xông tới bao vây nhà ông Cửu.

Chị Hoàng ẩn nấp tại hầm bí mật nằm phía dưới bàn thờ nhà ông Cửu, Trần Đình Cang chui xuống một hầm khác. Tên Tát ngầm làm gián điệp cho giặc từ lâu, hắn quả quyết “Việt cộng” còn ở ngay trong nhà ông Trần Cửu. Bọn địch lục tung khắp nơi, cuối cùng chúng khui được hầm, bắt cả hai người. Bọn Quốc dân đảng địa phương biết rất rõ lai lịch của anh Cang và chị Hoàng, liền trói gô anh Cang đưa đi nơi khác. Chúng đạp chị Hoàng chúi nhủi ra góc vườn, trói chặt vào gốc mít, dùng báng súng, đòn cây đập vào người cả tiếng đồng hồ, máu me tuôn lai láng. Biết mình sẽ chết, chị Hoàng liên tiếp hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Bọn địch đã giết chết chị Hoàng bằng 3 phát súng. Sau khi địch rút lui, bà con dân làng thôn 5 chạy xuống đưa thi thể chị Hoàng về chôn trong vườn nhà cha chồng.

Trước đó, trong những năm địch tái chiếm, làng của chị Hoàng bị địch đóng giữ canh phòng vô cùng nghiêm ngặt, chị thoát ly ra ngoài hoạt động, mẹ chồng và con trai duy nhất của chị đói khổ ngã bệnh không người chăm sóc. Những người thân của chị đã phải lần lượt chết trong cảnh đói đau, chị vô cùng đau khổ nhưng không thể cứu lấy những người ruột thịt giữa bốn bề giặc bủa vây. Lúc bấy giờ chị Hoàng ghìm mình nấc nghẹn giữa bời bời lửa đạn, đau thương: “Đời tôi bây giờ chỉ còn Đảng, đồng đội và quê hương; đời tôi chỉ còn lại là đấu tranh, là sống chết với kẻ thù…”. Và, chị Hoàng, người phụ nữ kiên trung đã anh dũng hy sinh trong  tiếng hô bất tử “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Chị đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chị đã trọn đời chung thủy với chồng con, với quê hương, đồng đội, gia đình, dòng tộc. Chị xứng danh là liệt nữ của đất Phú Thọ anh hùng.

Ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người phụ nữ kiên trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO