Người phụ nữ trí thức cách mạng tài hoa

VÂN TRÌNH 28/09/2013 08:41

Bà Lê Thị Xuyến sinh năm 1909 tại làng Thạch Bộ, tổng Mỹ Hòa, nay là thôn Hòa Thạch, xã Đại Hòa (Đại Lộc). Mồ côi  cha mẹ từ bé, bà được gia đình nội ngoại thương yêu nuôi nấng. Học sơ học ở trường làng, học tiểu học ở thị xã Hội An, học trung học ở trường Đồng Khánh (Huế); năm 1928, tốt nghiệp thành chung, Lê Thị Xuyến là phụ nữ đầu tiên ở đất Quảng nhận bằng "diplôme"- văn bằng danh giá lúc bấy giờ!

Người sở hữu nhiều cái "đầu tiên"

Chân dung bà Lê Thị Xuyến.
Chân dung bà Lê Thị Xuyến.

Sau khi tốt nghiệp, bà được giữ lại làm giáo viên trường Đồng Khánh. Cùng năm đó, bà kết hôn với nhà trí thức cách mạng nổi tiếng Phan Thanh, từ đó tham gia các phong trào cách mạng một cách âm thầm, kín đáo. Năm 1931, gia đình bà ra Hà Nội, dạy học ở các trường tư thục Sùng Đức, Hoài Đức và Thăng Long. Nhà bà trở thành đầu mối liên lạc của các đồng chí Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai.... Bản thân bà là thành viên tham gia sáng lập Hội truyền bá quốc ngữ. Tháng 5.1945, bà nhận nhiệm vụ do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giao, chuyển tài liệu Việt Minh về Quảng Nam và bí mật tuyên truyền chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Không bao lâu sau đó, bà tham gia Ủy ban hành chính Trung Bộ, làm Ủy viên cứu tế xã hội.  Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (6.1.1946), Lê Thị Xuyến là một trong số 14 vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của Quảng Nam và là một trong số 10 nữ đại biểu đầu tiên của cả nước.

Tháng 10.1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ra mắt tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, Lê Thị Xuyến được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch đầu tiên của hội và giữ chức vụ này suốt 10 năm liền.

Bà Hà Giang, người từng có thời gian cùng công tác với bà Lê Thị Xuyến ở cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương nhận xét: "Lúc nào trông chị (bà Xuyến-NV) cũng nghiêm chỉnh trong bộ áo dài màu sắc rất "nhu" nhưng không kém thanh lịch. Chị thương yêu mọi người và đầy lòng vị tha. Cái chất nhân hậu xuyên suốt cuộc đời chị thể hiện trên nét mặt, đôi mắt, nụ cười, tiếng nói nhỏ nhẹ. Ai đã từng tiếp xúc, làm việc với chị cũng yêu mến, kính trọng chị".

Theo bà Hà Giang, đối với cán bộ trong cơ quan, bà Xuyến rất coi trọng. Khi cán bộ đi công tác cơ sở về báo cáo, bà lắng nghe ý kiến của chị em. Bà nói ít, suy nghĩ nhiều. Cán bộ có khó khăn gì, bà bàn bạc với cơ quan tìm cách giải quyết. Đặc biệt, bà quan tâm nhiều đến chị em cấp dưỡng, anh em lái xe, những cán bộ nhân viên có mức lương thấp.

Hết mình vì nữ quyền

Bà Xuyến rất quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Ngoài thủ đô Hà Nội, bà thường xuyên đi cơ sở ở các vùng lân cận, đến một số ngành có đông lao động nữ để tìm hiểu đời sống chị em, đề xuất ý kiến với cấp ủy địa phương, các ngành tăng cường bồi dưỡng, chống tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ. Bà  trọng những cán bộ trẻ thông minh dám nghĩ dám làm và cũng thông cảm với nhược điểm bồng bột, thiếu kinh nghiệm. Chính sự gần gũi, giúp đỡ động viên kịp thời đã giúp chị em yên tâm, cố gắng phấn đấu trở thành những cán bộ giỏi.

Trong báo cáo của Chánh mật thám Trung Kỳ L.Sogny tháng 12.1938 có viết: “Ở Hà Nội, Phan Thanh đã thành lập được Hội truyền bá quốc ngữ và cho bất kỳ người nào tình nguyện đến dạy ở các lớp. Hiện các tối ở đấy có từ 6 đến 8 lớp học do bà Phan Thanh quản lý và được ông Phan Thanh quan tâm theo dõi chặt chẽ”.

Ấn tượng sâu sắc về vị tiền nhiệm, bà Hà Thị Quế, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kể: “Những năm tháng công tác ở núi rừng Việt Bắc, thực phẩm đắt đỏ, khan hiếm, kinh phí có hạn, đời sống chị em hết sức khó khăn. Bữa ăn nào cũng toàn cơm hẩm, ăn với muối trắng và măng rừng. Hôm nào đặc biệt lắm mới được ăn mắm tôm trộn muối trắng và da bò kho. Song, chị Xuyến vui vẻ ngồi ăn ngon lành. Về Hà Nội, ngoài công tác quốc tế, chị Xuyến được phân công phụ trách công tác xã hội. Vốn quan tâm đến đời sống phụ nữ và nhi đồng, chị dành hầu hết sức lực, tâm huyết cho việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở các thôn xóm, xí nghiệp. Chị cho rằng có quan tâm đến nhóm trẻ, mẫu giáo mới thiết thực giải phóng sức lao động phụ nữ, kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ nhi đồng góp phần đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm lương thực chi viện cho tiền tuyến. Năm 1960, khi được giao trách nhiệm chủ trì biên soạn Luật Hôn nhân gia đình, chị cùng với luật sư Bùi Thị Cẩm tập hợp đội ngũ luật sư có trình độ, tâm huyết soạn thảo bộ luật có tác dụng như một cuộc cách mạng, góp phần giải phóng phụ nữ, chống tàn dư tư tưởng phong kiến, bảo vệ quyền lợi phụ nữ Việt Nam. Khi đạo luật được ban hành, chị là người hăng hái phổ biến đạo luật xuống cơ sở.

Bà Hà Thị Quế còn cho hay, trong phong trào "Ba đảm đang", nhận thấy trình độ phụ nữ cơ sở còn non kém, bà Xuyến cùng cán bộ sang bàn bạc với Bộ Giáo dục soạn thảo kế hoạch tổ chức các lớp bổ túc văn hóa và các kiến thức quản lý hành chính, quản lý kinh tế, bảo đảm công tác hậu phương cho chị em. Nhờ vậy, sau quá trình được tỉnh, huyện, xã bồi dưỡng, ở cơ sở đã xuất hiện rất nhiều nữ đảng viên, nữ thủ tịch, nữ chủ nhiệm xuất sắc, bảo đảm công tác hậu phương, động viên hội viên phụ nữ hăng hái tham gia sản xuất phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện chiến trường miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ.

VÂN TRÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người phụ nữ trí thức cách mạng tài hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO