Khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Lê Khả Phiêu từ trần, người dân Phương Trung (Đại Quang, Đại Lộc) ai nấy ngậm ngùi thương nhớ.
Khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, nhiều cán bộ, người dân Phương Trung đã hồi tưởng những kỷ niệm, tình cảm mà ông dành cho dân làng, kể từ sau cơn đại hồng thủy 1999 hoành hành, tàn phá làng. Nhiều bậc cao niên ở làng Phương Trung vẫn còn nhớ như in hình ảnh vị nguyên thủ quốc gia vượt qua những con đường ngập bùn đất, lầy lội sau lũ đến thăm ngôi làng vừa xảy ra thảm họa thiên tai. Chứng kiến cảnh tượng tang thương, ông đã bày tỏ niềm xót xa, trăn trở, để rồi chỉ đạo có giải pháp khẩn cấp kiến thiết làng mới.
Ông Nguyễn Văn Mười (71 tuổi), sống trong căn nhà cấp 4 được hỗ trợ xây dựng gần 20 năm trước, nay đã mở rộng, nâng cấp rộng rãi hơn. Ông cho biết gia đình có được ngày hôm nay cũng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Ông Mười nói: “Suốt 20 năm qua, tôi vẫn nhớ hình ảnh bác Lê Khả Phiêu lội bùn, đến viếng hương nhà có người chết và nói chuyện, động viên dân làng vượt qua nỗi đau, mất mát để xây dựng đời sống mới. Bác Phiêu rất chân chất, gần dân, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người Phương Trung chúng tôi”.
Sau trận đại hồng thủy 1999, hễ có điều kiện là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại trở về Phương Trung thăm hỏi trẻ em, chúc thọ người già, không tết nào ông quên gửi thư chúc tết, tặng quà cho dân làng. Còn nhớ, khi về thăm làng Phương Trung vào tháng 3.2016, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hứa sẽ về một lần nữa nếu sức khỏe cho phép, nhưng không ngờ đó là lần cuối cùng. Hơn 20 năm qua, nghĩa tình mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dành tặng cho dân làng vẫn vẹn nguyên.
Ông Nguyễn Văn Tám (84 tuổi) ngậm ngùi kể: “Khi đó tôi là Chi hội trưởng Người cao tuổi, mỗi lần bác Lê Khả Phiêu về đều thăm hỏi ân cần, tặng quà người cao tuổi. Nhân dân ở đây đón tiếp bác niềm nở, gần gũi như người làng ở xa mới về. Nay bác mất, chúng tôi rất muốn ra viếng hương bác ở miền Bắc, thắp nén nhang tri ân, nhưng dịch bệnh thế này, thiệt chẳng đặng đừng!”.
Ông Trần Văn Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Phương Trung tâm sự, khi nghe tin bác Phiêu mất, chi bộ cũng kiến nghị với Đảng ủy xã, Huyện ủy mong muốn lập bàn thờ ở hội trường thôn để nhân dân đến viếng hương, song không thể bởi đang ở thời điểm dịch bệnh.
Ông Sơn hồi tưởng lần bác Phiêu về làng ngay sau khi lũ tàn phá: “Khi ấy bác Phiêu nói trong xúc động, ông đã ví làng Phương Trung bị tàn phá chẳng khác gì một trận B52 oanh tạc ở miền Bắc, quá khủng khiếp. Rồi bác hứa sẽ có hướng chỉ đạo khắc phục, hỗ trợ trước tình cảnh quá đau thương. Cùng với làng Phương Trung là làng Rồng (thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế - NV), cũng được tái thiết”.
Ông Đoàn Tám - Chủ tịch UBND xã Đại Quang bày tỏ, khi nghe tin bác Lê Khả Phiêu mất, cán bộ và nhân dân Phương Trung nói riêng, xã Đại Quang nói chung nghẹn ngào thương tiếc. Bác là một vị lãnh tụ gần dân, vì dân. Hình ảnh đó, công lao đó, tấm lòng với nhân dân đó rất đáng quý và được người dân trân trọng mãi mãi.
Cũng theo ông Đoàn Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước, dân làng Phương Trung nay đã vươn lên thoát nghèo, xứng đáng với sự gửi gắm, kỳ vọng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Cùng với công cuộc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Phương Trung sẽ chung tay khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, dần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nhà nước đã hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân cải thiện thu nhập bằng việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất, gắn với làng trồng cây ăn quả sinh thái...
Phương Trung nay đã khởi sắc. Người dân địa phương nỗ lực vươn lên giảm nghèo hiệu quả. Dành tình cảm và sự tri ân sâu sắc, người dân Phương Trung xin thắp nén tâm nhang vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu!