Người Quảng đi... khoe Quảng

PHAN VĂN MINH 01/04/2017 10:07

Tôi có một người bạn thuộc loại công dân Quảng Nam “đặc sệt”, Quảng Nam… “thuần chủng”, không chỉ về phong cách nói năng mà cả trong cái vẻ tự hào đôi khi hơi cực đoan của anh về quê hương mình. Trong mỗi cuộc tiếp xúc với người xứ khác, anh thường tìm cách lái câu chuyện sao cho có thể “pi-a” về xứ Quảng, rồi cứ thế thao thao bất tuyệt…

Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Anh nhớ lại, thời còn học ở Sài Gòn trước năm 1975, anh thường xuống miền Tây chơi với mấy thằng bạn cùng lớp. Người miệt vườn rất hiếu khách, anh tha hồ thưởng thức miễn phí đủ loại trái cây từ vườn này sang vườn khác. Rồi chiều lại, thế nào cũng có nhà mời anh sang chơi. Và anh cũng tập tành “lai rai ba sợi” cùng các chú Năm, anh Hai và đám trai tráng trong xóm ấp. Khi anh bảo mình quê Quảng Nam, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên: “Quảng Nam là xứ nào vậy cà?”, “Quảng Nam có thuộc nước Việt Nam không?”.

Hồi đó, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều người vẫn chưa hiểu mấy về các vùng miền của đất nước ngoại trừ Nam bộ, còn Quảng Nam lại càng lạ lẫm. Khi anh nói tổ tiên nhiều dòng tộc ở trong này có quê gốc Quảng Nam thì không mấy ai tin. Họ càng sửng sốt khi biết Thoại Ngọc Hầu, tức Nguyễn Văn Thoại, cũng quê Quảng Nam, người có công lớn trong việc mộ dân lập ấp, đắp đường, đào kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà ở vùng biên giới tây nam từ mấy trăm năm trước. Một ông chú hỏi: “Ở ngoải có món gì ngon hông?”, anh bảo “Mỳ Quảng” - “Ủa, dzậy sao? Cái món mỳ Quảng ở Bảy Hiền Sài Gòn đó hả? Chời! Hồi chạy xe lam ở trển sáng nào mình cũng mần một tô, bữa nay mới biết, thiệt tình!”.

Vài năm trước đây trên một chuyến tàu từ Nam ra Bắc, tôi và anh tình cờ ngồi cùng toa với một nhóm sinh viên bách khoa đi du lịch về. Nhóm này khá đông, hình như là cả lớp bởi họ chiếm gần hết toa. Họ tổ chức sinh hoạt giao lưu ngay trên tàu, có mời một số hành khách khác cùng tham gia. Một cô bé, có vẻ là trưởng nhóm, khởi xướng trò chơi “thu hoạch” cho các bạn trình bày những hiểu biết của mình về các vùng đất đã đi qua. Rồi cô tiên phong nói về tỉnh Quảng Ngãi. Cô bảo: “… Đó là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhà yêu nước… Huỳnh Thúc Kháng…”. Một cậu bảo cụ Phan Châu Trinh người… Quảng Trị. Một cậu khác “thuyết trình” về tỉnh Khánh Hòa, sinh quán của chí sĩ… Trần Quý Cáp(!). Tôi giật mình còn anh thì… tức mình, giơ tay ngăn lại: “Các bạn nghiên cứu kỹ rồi hãy nói. Cả ba vị trên đều là người Quảng Nam hết đó” - “Thật vậy hả, chắc không chú?” – “Tôi dân Quảng thứ thiệt mà. Nói về danh nhân lịch sử Quảng Nam thì không chỉ chừng đó mô. Còn rất nhiều chí sĩ khác mà cả nước xưa nay đều ngưỡng mộ như Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La, Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến… Ngay cả cụ Hoàng Diệu, vị Tổng đốc Hà Ninh bao gồm Hà Nội và các tỉnh thành lân cận thời nhà Nguyễn, cũng đã ra đi từ làng lụa Xuân Đài, Quảng Nam. Cụ đã tuẫn tiết oanh liệt trong cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Hà thành năm 1882. Nói không ngoa, trên đoạn quốc lộ dài 85km đi qua quê tôi, nếu cứ 5km lại xây tượng đài cho một danh nhân thì không đủ chỗ”.

Nghe đến đây, các cô cậu sinh viên đều có vẻ ngạc nhiên, nín khe trong giây lát. Rồi một cô bé đứng lên lễ phép hỏi: “Thế về văn hóa - văn nghệ có gì đặc sắc không thưa chú?”. Như được gãi trúng chỗ ngứa, anh… làm luôn một tràng: “Ui chao, cái mảng ni thì mênh mông, kể răng cho hết. Chắc các bạn biết rồi, trong 8 di sản thiên nhiên, văn hóa của nước ta được UNESCO công nhận thì Quảng Nam ẵm hết 2, đó là Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn. Còn nhân vật há? Các bạn cứ hỏi về lĩnh vực nào thì Quảng Nam cũng có những con người lỗi lạc, thuộc hàng cây đa cây đề. Thơ có Phan Khôi, người khai sáng cho nền thơ mới của Việt Nam; có Thu Bồn, nhà thơ Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng của Hội nhà văn Á Phi; có Bùi Giáng, một nhà thơ “điên rực rỡ” (chữ của Bùi Giáng đó nghe!), một hiện tượng thơ vô tiền khoáng hậu ở nước ta…; văn có Nguyên Ngọc, Vũ Hạnh, Nguyễn Nhật Ánh…, đặc biệt cả 3 nhà văn này đều sinh ra từ huyện Thăng Bình, và có một dạo Nguyên Ngọc làm Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam còn Vũ Hạnh làm Tổng thư ký Hội văn nghệ TP.Hồ Chí Minh; nhạc có La Hối, Lê Trọng Nguyễn, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến…; riêng về lĩnh vực ca hát thì chỉ kể các “thương hiệu” đình đám nhất cũng đã khá đông: Tường Vy, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Sơn, Ánh Tuyết…”. Trong khi anh đang… nuốt nước bọt thì các sinh viên thầm thì với nhau điều gì đó rồi một bạn lên tiếng: “Còn chuyện học hành thì sao chú?” -  “Wow, chuyện này càng kinh nữa. Chắc các bạn đã nghe danh xưng “Ngũ phụng tề phi” do vua Thành Thái ban tặng cho 5 danh sĩ Quảng Nam cùng đỗ đại khoa năm 1898. Thời xưa thi cử rất nghiêm ngặt, không có chuyện chạy chọt mua bằng bán cấp được đâu nhé! Năm đó cả nước chỉ lấy đỗ 8 tiến sĩ và 9 phó bảng thì Quảng Nam chiếm hết 5. Xưa vậy còn nay, về toán học có GS. Hoàng Tụy, cùng với GS. Lê văn Thiêm là 2 người tiên phong xây dựng ngành Toán học Việt Nam; có GS. Nguyễn Đăng Hưng, nhà cơ học xuất sắc, nhận Huân chương đại thần ở Vương quốc Bỉ; có Dương Quang Trung, giáo sư trẻ ngành Viễn thông tại Vương quốc Anh”. May mà nói tới đây, tàu đã tới ga Hà Nội. Nếu không, có lẽ các cô cậu  sinh viên còn tiếp tục bị anh “tra tấn” chưa biết đến bao giờ.

Anh bạn tôi quả là một nhà Quảng đi… khoe Quảng. Có lần tôi to nhỏ với anh: “Anh khoe vừa vừa thôi, kẻo người ta lại cho là mình cục bộ địa phương” – “Cục bộ chi, có răng nói rứa chớ mình có bịa đặt chi mô” - “Nhưng mà, người ta vẫn bảo dân mình còn nghèo lắm, nhất là ở vùng sâu vùng xa”. Anh trợn mắt: “Ai bảo Quảng Nam nghèo? Nghèo mà có mỏ vàng, có núi sâm? Năm 2016 đã vào top 10 tỉnh thu ngân sách cao nhất nước rồi đó, đừng có giỡn nghe!”.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng đi... khoe Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO