Người Quảng đóng ghe thuyền

TRẦN VĂN AN 07/04/2018 09:04

Truyền thống hàng hải, mức độ tiếp cận, thích nghi, tương tác với biển, với đại dương của một cộng đồng dân cư, một dân tộc không chỉ được thể hiện ở khả năng, kinh nghiệm đi biển, ở kho tri thức về biển đảo mà còn được lưu dấu đậm nét ở sự phát triển của các ngành nghề kinh tế liên quan đến biển, trong đó nghề đóng ghe thuyền là một dấu hiệu không thể thiếu để nhận diện truyền thống này.

Nghề đóng thuyền đua của gia đình ông Phạm Nhứt (thôn Đông Thạnh Tây, Tam Hòa, Núi Thành). Ảnh: tư liệu
Nghề đóng thuyền đua của gia đình ông Phạm Nhứt (thôn Đông Thạnh Tây, Tam Hòa, Núi Thành). Ảnh: tư liệu

Trong quá khứ, xứ Quảng là một địa phương nổi tiếng về nghề đóng ghe thuyền với các địa chỉ tiêu biểu như Thi Lai, Hà Mật, Ngọc Sơn, Bình Sơn, Bàn Thạch, Kim Bồng...

Ghi dấu ấn lịch sử

Trong Giáp Ngọ Bình Nam đồ, một bản đồ hoàn chỉnh vào thế kỷ 18 có ghi một địa danh là Chu Tượng (舟匠: thợ đóng ghe). Vị trí địa danh này nằm giữa cửa Đại Chiêm và cửa An Hòa thuộc phạm vi huyện Duy Xuyên ngày nay. Được đánh dấu trên bản đồ như vậy chứng tỏ nghề đóng ghe thuyền ở đây phải có sự phát triển nổi trội nhất định về trình độ tay nghề, quy mô tổ chức thi công… Qua tư liệu này, có thể xác định đây là một địa điểm quan trọng tập trung nhiều thợ đóng ghe thuyền và là nơi có nhiều xưởng, trại đóng ghe thuyền ngay từ thời các chúa Nguyễn. Rất ít tư liệu đề cập thực tế này nhưng may mắn trong một ghi chép của Thomas Bowyear, thương nhân người Anh đến Đàng Trong năm 1695 - 1696 cho biết như sau: “… Các chiến thuyền đều do xưởng của phủ chúa đóng. Xưởng đóng tàu Hà Mật có tới 4.000 thợ và đóng được những chiến thuyền trọng tải đến 400 tấn” (Nguyễn Văn Đăng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Di sản văn hóa biển trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đại học Quảng Nam 2016).

Địa danh Chu Tượng được đánh dấu trong Giáp Ngọ Bình Nam đồ.
Địa danh Chu Tượng được đánh dấu trong Giáp Ngọ Bình Nam đồ.

Liên quan đến địa danh Thi Lai - Hà Mật có một truyền thuyết lưu truyền phổ biến ở các địa phương xứ Quảng về nhân vật tên là Thầy Thiểm, quê ở Thi Lai - Hà Mật, một pháp sư người Chăm chuyên đóng ghe bầu thuê cho người Việt. Câu chuyện phản ánh niềm tin dân gian về sự tiếp nối Chăm - Việt ở nghề đóng ghe bầu - một loại thuyền buôn, thuyền vận tải đường biển nổi tiếng của người Chăm rồi đến người Việt và về vai trò cội gốc của Thi Lai - Hà Mật trong nghề đóng ghe thuyền ở xứ Quảng, Đàng Trong. Thi Lai - Hà Mật được dân gian chỉ định thuộc huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn. Các địa danh này vẫn còn tuy địa giới hành chính có sự thay đổi qua các thời kỳ. Trong Đồng Khánh dư địa chí, phần tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn có ghi địa danh châu Hà Mật. Hiện nay chợ Hà Mật thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn. Còn Thi Lai hiện nay thuộc huyện Duy Xuyên. Thi Lai - Hà Mật có thể là biến âm của từ Sriboney hoặc Sriviyana trong tiếng Chăm dùng để chỉ các bến cảng, bến thuyền tương tự trường hợp Sriviyana biến âm thành Thi Lị Bị Nại rồi Thị Nại.

Trung tâm đóng thuyền

Một số tư liệu thư tịch khác góp phần củng cố tính xác thực về vai trò trung tâm phát triển của nghề đóng ghe thuyền xứ Quảng trong các thế kỷ trước đây. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục khi ghi chép về Quảng Nam đã cho biết ở đây có  “10 xã, 11 thôn, 40 phường, 1 tộc” làm nghề đóng ghe thuyền với các tên xã phường quen thuộc như Bình An, Ngọc Sơn, Phúc An, Hương An, Ngọc An, An Phước, An Mỹ… Đây là địa phương duy nhất trong xứ Thuận Hóa được Lê Quý Đôn ghi chú có các chu tượng và theo ghi chép này thì vào cuối thế kỷ 18 ở Quảng Nam ít nhất cũng có 63 địa chỉ đóng ghe thuyền. Trong bản khai dân đinh của xã Minh Hương năm Thái Đức 11 (1788) xuất hiện tên các chu tượng Ngọc Sơn, Phú An hạ, Bình An thượng, Hoa An, Hưng An. Các chu tượng này thuộc huyện Duy Xuyên, huyện Diên Phước, xứ Quảng Nam.

Đến cuối thế kỷ 19, trong Đồng Khánh dư địa chí, khi liệt kê tình hình dân đinh các phủ huyện thuộc tỉnh Quảng Nam đã cho thấy lực lượng thợ đóng thuyền ở đây rất hùng hậu và chiếm đa số so với các tỉnh khác: phủ Điện Bàn, huyện Duy Xuyên thợ đóng thuyền 92 người; thợ xảm thuyền 6 người. Phủ Thăng Bình, thợ cục xảm thuyền 460 người; huyện Lễ Dương: thợ xảm thuyền 3 người; huyện Quế Sơn: thợ xảm thuyền 354 người; huyện Hà Đông: thợ xảm thuyền 113 người. Các thợ này được miễn thuế và sưu sai, chứng tỏ đây là lực lượng được nhà nước huy động để phục vụ việc đóng thuyền tại các công xưởng. Ngoài lực lượng thợ ăn theo nhà nước này chắc chắn còn có một đội ngũ đông đảo thợ đóng ghe thuyền tự do ngoài dân. Một điều lý thú là mô hình các xưởng, trại đóng ghe thuyền này và một số thợ của Quảng Nam đã được Nguyễn Phúc Ánh, sau này là vua Gia Long mang vào để tổ chức các xưởng đóng thuyền ở Gia Định vào năm 1801 nhằm xây dựng các đội thủy quân phục vụ mục tiêu phục quốc (Nguyễn Văn Đăng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Di sản văn hóa biển trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đại học Quảng Nam 2016).

Có một giai đoạn chúng ta bỏ quên nghề đóng ghe thuyền ở xứ Quảng cũng như ở một số địa phương có truyền thống, thế mạnh về nghề này. Thực tế cho thấy nghề đóng ghe thuyền không chỉ đơn thuần là hoạt động ngành nghề, hoạt động kinh tế mà ở nghề này còn chứa đựng cả một bề dày về giao lưu tiếp biến văn hóa, về quá trình tương tác, thích nghi với biển đảo, về truyền thống hàng hải của người Quảng, Đàng Trong nói riêng, dân tộc ta nói chung được tích lũy liên tục, đầy vẻ vang và hào hùng trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

TRẦN VĂN AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Quảng đóng ghe thuyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO