Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), rất nhiều người Quảng đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập. Trong buổi ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2.9.1945 gồm 15 thành viên, người Quảng duy nhất tham gia Chính phủ lâm thời và sau đó là Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa là ông Lê Văn Hiến. Khi giới thiệu Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I (ngày 2.3.1946) Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc”. Qua đó cho thấy Bác Hồ đánh giá rất cao ông Lê Văn Hiến. Trước đó, tại Quốc dân Đại hội - được xem là tiền thân của Quốc hội khóa I - họp ở Tân Trào ngày 16.8.1945, ông Lê Văn Hiến được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.
Đoàn đại biểu Quốc hội Trung Bộ yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dự kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa I năm 1946, tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội). Ảnh tư liệu |
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Lê Văn Hiến đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức công tác kinh tế tài chính - từ việc in và phát hành tiền “Giấy bạc Cụ Hồ” đến việc lo kinh phí cho quân đội, cho các địa phương, cơ quan nhà nước, cho các hoạt động đối ngoại. Trong suốt quá trình công tác, ông đã nhận lãnh hơn 20 nhiệm vụ khác nhau trong bộ máy lãnh đạo cấp quốc gia, 5 lần giữ chức Bộ trưởng và hàm Bộ trưởng. Có thể nói ông Lê Văn Hiến là người Quảng đầu tiên tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là một trong số 7 thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp năm 1946.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 6.1.1946. Tỉnh Quảng Nam đã bầu 15 đại biểu của địa phương vào cơ quan quyền lực tối cao của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, gồm: Phạm Bằng, Phan Bôi, Phan Diêu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ, Trần Tống, Phan Thao, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Trần Viện, Lê Thị Xuyến và Đinh Tựu.
Sau Tổng tuyển cử, một số đại biểu Quốc hội khóa I là người Quảng Nam được chuyển ra công tác ở Hà Nội như ông Lê Văn Hiến đã nêu ở trên và ông Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), còn có một đại biểu người Quảng chuyển về công tác chuyên trách ở Quốc hội, đó là bà Lê Thị Xuyến được bầu làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, phụ trách Ủy ban Văn hóa - xã hội của Quốc hội. Bà Lê Thị Xuyến đảm đương nhiệm vụ này cho đến khi giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Còn lại số đông đại biểu Quốc hội khóa I người Quảng Nam tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu ở đơn vị bầu cử của mình, góp phần xây dựng chính quyền địa phương cho đến ngày toàn quốc kháng chiến như Nguyễn Xuân Nhĩ, được bầu làm Bí thư kiêm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, ông Lâm Quang Thự - cán bộ Văn phòng Ủy ban hành chính tỉnh, được giao nhiệm vụ xây dựng chính quyền cấp huyện, xã trong toàn tỉnh, dự thảo nội quy làm việc cho HĐND và Ủy ban hành chính, hướng dẫn các xã dự trù ngân sách, giữ sổ thu chi, tiến hành việc hợp xã...
Có một người Quảng không phải là đại biểu Quốc hội khóa I nhưng được mời tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội, khi giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày: “Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước. Cụ đã hành động một cách cương quyết, vận dụng khéo léo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trước lúc lên đường. Cụ đã điều hành bộ máy Chính phủ hoạt động, quyết định nhiều việc trọng đại của đất nước, trong đó có chủ trương trấn áp bọn phản động Quốc dân đảng, không chỉ ở vụ án Ôn Như Hầu được giải quyết, mà còn tiêu diệt toàn bộ bọn phản động, cải tổ lại Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Thời gian này cụ Huỳnh Thúc Kháng còn là Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt).
Cũng có một người Quảng Nam là đại biểu Quốc hội khóa I trực tiếp giúp việc cho Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng, ông là Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông là một trong những người con xứ Quảng được làm việc bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người gần Bác nhất, được Bác giao xử lý những vấn đề nóng bỏng, phức tạp trong những ngày đầu xây dựng đất nước (1945 - 1946) và những năm sau đó. Ngoài những lần làm việc và giao nhiệm vụ trực tiếp, từ ngày 23.12.1946 đến ngày 9.4.1947, Bác Hồ đã viết 69 lá thư, chỉ thị, có ngày 2 - 3 lá gửi cho Hoàng Hữu Nam. Nội dung những lá thư yêu cần giải quyết những việc quan trọng, cấp bách. Những chỉ thị của Bác đều liên quan đến các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao... Có thư “rất mật”, “tối mật”, có thư “tối khẩn”, Bác yêu cầu đọc xong đốt ngay. Đánh giá tài năng, đức độ của Hoàng Hữu Nam, trong một lần về thăm quê hương vào cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam: “Tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhưng chỉ bàn đường lối chung, công tác lớn, còn mọi việc đều do anh Hoàng Hữu Nam đảm trách giải quyết. Thanh niên bây giờ giỏi lắm, đó là lực lượng đáng tin cậy của Nhà nước cách mạng”.
Cụ Huỳnh mất ngày 21.4.1947 trong chuyến đi kinh lý miền Trung tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ba ngày sau đó (24.4.1947), Hoàng Hữu Nam không may chết đuối trên sông Lô. Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng xót thương khi cùng lúc mất đi hai người cộng sự thân thiết và đắc lực. Trong hồi ký của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến ghi: “Cuộc họp Hội đồng Chính phủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1947 đã tổ chức tưởng niệm Hoàng Hữu Nam và cụ Huỳnh Thúc Kháng (từ trần trước đó 3 ngày - ngày 21 tháng 4 năm 1947)... Mọi người đều cảm động trước cái chết đau thương của hai người trong lúc quốc dân đang cần nhân tài để đảm đương việc nước. Cụ Chủ tịch nói với một giọng rất đau đớn như mất một người anh và một người con vậy”.
Quá trình xây dựng chính quyền cách mạng ở địa phương không chỉ có sự đóng góp của người Quảng Nam là đại biểu Quốc hội khóa I, mà còn có những cán bộ người Quảng đang công tác tại quê nhà. Ngoài ra còn có hai người Quảng là đại biểu Quốc hội khóa I nhưng ứng cử và đắc cử tại các đơn vị tuyển cử ở tỉnh khác là ông Hà Văn Tính (tỉnh Quảng Ngãi) và ông Trần Lê (lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định).
Có thể thấy rằng trong những ngày đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, người Quảng Nam có mặt trong mọi tổ chức, ở nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Họ luôn tự giác nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, không đòi hỏi một chút danh lợi địa vị. Họ xông vào chỗ khó khăn nguy hiểm để lo việc Đảng, việc dân. Ngay cả lúc ở cảnh hiểm nghèo họ cũng không hề nao núng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đó là khí chất của những người xứ Quảng.
LÊ NĂNG ĐÔNG