Người Quảng hát giọng Quảng nghe “lạ” lắm, ngay ca sĩ Ánh Tuyết cũng từng giật mình khi nghe lại chính… giọng quê của mình.
Phải vòng vèo qua con hẻm nhỏ giữa Sài Gòn, tôi mới đến được nhà ca sĩ Ánh Tuyết. Khác với hình dung ban đầu, ngôi nhà của chị bình yên và bình dị đến mức làm tôi nghĩ mình đi lầm nhà. Cũng nhẹ nhàng và bình dị, chị đón khách bằng cái giọng Quảng không lẫn vào đâu: “Em vô nhà chơi. Đi đường xa rứa có mệt không em?”. Vì thế, buổi trò chuyện cùng chị như một “cuộc tìm” về với những kỷ niệm thân yêu nơi miền quê xứ Quảng…
Ca sĩ Ánh Tuyết. |
- Trước đây chị có bao giờ hát giọng Quảng chưa?
- Ca sĩ Ánh Tuyết: Chưa từng, ngay cả khi một mình cũng chưa bao giờ cất tiếng Quảng để hát. Không tin thử hỏi bất kỳ ai Quảng Nam đi, họ sẽ nói rằng: Nghe “hắn” chi chi mô, răng hát cho được! Nhưng giọng Quảng thì tôi nói cả ngày, hễ ra ngoài thì thôi chứ bước về nhà là chuyển sang Quảng đặc sệt liền à. Chồng tôi là người Pháp và anh ấy cũng thích tôi nói bằng giọng Quảng.
- Vậy những ca khúc chị hát bằng giọng Quảng vừa đăng tải và lan truyền rất nhanh trên mạng ra đời từ đâu?
Tại sao tôi là người Quảng thì không thể hát bằng giọng Quảng? Đó là hồn cốt là văn hóa của mảnh đất sinh ra tôi, tôi lớn lên bằng chính giọng nói đó. Giọng Quảng trước giờ thường được đưa vào những tình huống trong tiểu phẩm hài để gây cười, nhưng đó là hài. Hãy nghe album đó bằng thái độ nghiêm túc nhất, bạn sẽ thấy như đang trò chuyện với một người Quảng Nam chính gốc, thấy được những làng quê bình dị, những con người chân chất và cả tầng nấc văn hóa Quảng ẩn sâu trong đó!. (Ca sĩ ÁNH TUYẾT) |
Đó là một phút ngẫu hứng của tôi trong một lần thu âm tại phòng thu Minh ở Đà Nẵng. Hôm đó, tôi đang cùng ê-kíp làm một album hát dòng nhạc boléro bằng giọng Bắc, lúc nghỉ ngơi tự dưng Minh bảo tôi hát thử bằng giọng Quảng sẽ thoát âm tốt hơn, thế là tôi hát liền một mạch 4 bài. Mọi người có mặt ở đó nghe tôi hát đều cười. Tôi vẫn hát tự nhiên, đến đêm về nằm ở khách sạn, mở 4 bài hát lên nghe lại, phản ứng đầu tiên là... cười ngặt nghẽo một mình. Nghe lại lần nữa, tự dưng thấy buồn lắm. Lúc đó là nhớ quê, nhớ cha mẹ, nhớ bà con, nhớ những chiều mưa tầm tã trên phố Hội. Rồi tôi khóc một mình. Tôi vẫn không nghĩ rằng giọng Quảng mình răng mà nghe hắn tội quá, thương quá! Lúc đó trong đầu tôi nảy ra ý định đến lúc nào đó mình sẽ phát hành một album hát bằng giọng Quảng.
- Và giờ ý định đó sắp thành hiện thực?
Tôi không hề biết những bản thu âm hôm đó được bạn bè đưa lên mạng và ngay lập tức nhận nhiều luồng ý kiến. Khen có, chê có, thương có, giận có… xung quanh việc lần đầu tiên có một người hát bằng giọng Quảng đặc sệt kiểu như vậy. Và tôi nghĩ, mình sẽ không thể chờ đợi thêm nữa, album “Duyên kiếp” đến nay đã trong giai đoạn hoàn tất và sắp được phát hành.
- Boléro là dòng nhạc chị chọn để hát bằng giọng Quảng trong album sắp ra?
Chính xác! Mọi người nghĩ boléro là “sến”, là nhạc “hạ đẳng”. Nhiều người còn hỏi tôi là tại sao đang hát dòng nhạc “uyên bác” của Văn Cao, “trữ tình” của Trịnh hay như vậy giờ lại chuyển sang boléro? Thực ra, boléro là dòng nhạc rất sang. Không sang kiểu của điệu valse bay bổng mà nó là những câu chuyện đời được kể rất thật thà, và khi hát bằng giọng Quảng câu chuyện đó sẽ có hồn hơn, sẽ đời hơn và đi vào lòng người một cách giản dị, mộc mạc, chân tình.
- Còn động lực nào thúc đẩy chị ra album nữa không, thưa chị?
Tôi không dám nghĩ gì to tát, tôi chỉ làm một việc đơn giản nhất của một người Quảng là ghi lại tất cả hoài niệm quê hương bằng giọng Quảng. Chỉ là kỷ niệm, là món quà dành tặng quê hương. Có nhiều du khách biết tôi sẽ ra album này đã bày tỏ ý định mua nó như một món quà lưu niệm những ngày đến với đất Quảng. Tôi là người Quảng và tôi tự hào khi hát giọng Quảng.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thú vị này.
NHÀ THƠ ĐỖTRUNG QUÂN: “Giọng Quảng hòa nhập và giao thoa mạnh mẽ!” Tôi nghĩ Ánh Tuyết đã rất dũng cảm khi chọn giọng Quảng để hát và chị đã thành công bước đầu trong việc chinh phục những thính giả khó tính nhất. Bản thân tôi thực sự rất khâm phục người Quảng Nam, có nhiều bạn người Quảng, gặp nhau hoài tôi cũng lây cái tính “hay cãi”. Nhưng có một điều mà những ai từng chơi với người Quảng Nam không thể quên: giọng Quảng. Nó thân thương và gần gũi đến mức mà mỗi lần nghe là muốn… làm bạn ngay. Tôi nghĩ, giọng Quảng có sự hòa nhập và giao thoa mạnh mẽ. Nó thể hiện được cái gọi là “thương hiệu”. Giữa sự phong phú về văn hóa trên đất nước này giọng Quảng không lẫn vào đâu được. Nó thể hiện được tất cả tính cách của con người Quảng, đi xa, làm ăn rất giỏi, được nhiều người yêu quý và cũng còn rất nhiều bảo thủ. Đang cãi nhau với ai đó bằng giọng phổ thông, thấy có vẻ sắp thua là chuyển sang giọng Quảng, nghe hùng hồn, khí thế và rất thực thà. Rồi cũng huề cả làng! Tôi chắc chắn rằng, 99% người đã từng làm bạn, từng sống với người Quảng Nam khi nghe album Ánh Tuyết hát giọng Quảng sẽ rất thích và mong một ngày nào đó về thăm lại Quảng Nam, để cảm nhận được cái “hột mưa” trong “Mưa chiều kỷ niệm” hắn rơi ra răng mà Ánh Tuyết hát nghe thấy thương quá! |
PHẠM AN LƯƠNG (thực hiện)